Trẻ em mất tích, người lớn ở đâu?

13/03/2015 - 15:27

PNO - PN - Cuộc thi thiết kế poster (diễn ra tại bang Nebraska, Mỹ) với chủ đề kêu gọi xã hội chung tay tìm kiếm trẻ mất tích được dư luận rất quan tâm. Kết quả vừa công bố ngày 11/3 với chiến thắng thuộc về tác phẩm của bé gái...

edf40wrjww2tblPage:Content

Đó là bức tranh xếp hình trên nền quả địa cầu với nhiều mảnh ghép còn khuyết - chính là hàng triệu trẻ em mất tích. Tác phẩm này được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người giật mình, vì hàng ngày vẫn có quá nhiều trẻ em mất tích.

Tre em mat tich, nguoi lon o dau?

Tác phẩm của bé gái Faith McDonald - Ảnh: wowt

Ở Mỹ, mỗi năm có 800.000 trẻ được khai báo mất tích, nghĩa là mỗi ngày khoảng 2.000 trẻ có thể không gặp lại người thân. Theo cảnh sát, khoảng 1% trong số đó là trẻ bị người lạ dẫn đi, phần lớn trường hợp còn lại do trẻ mâu thuẫn với gia đình. Cảnh sát trưởng Brad Pyle tại quận Prince George (bang Virginia của Mỹ) cho biết, phần lớn các vụ mất tích được giải quyết khá nhanh vì các em bỏ nhà đi do bức bối, mâu thuẫn với bố mẹ hoặc người thân.

Nguyên tắc cứng nhắc, thái độ quá nghiêm khắc của phụ huynh khiến các em bất mãn, cảm thấy mình không được tôn trọng nên bỏ đi để… chứng tỏ bản thân. Các chuyên gia xã hội học khuyến cáo, cần có những buổi trò chuyện riêng giữa nhân viên xã hội với gia đình cũng như với trẻ để hàn gắn mâu thuẫn của hai thế hệ, nguyên nhân chính của rất nhiều vụ mất tích trẻ em ở Mỹ.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền phải thừa nhận trẻ em mất tích là một vấn nạn. Trong 5 năm qua nước này có 14.000 em… bỗng nhiên biến mất. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ năm 2014 đã cảnh báo, nhiều trẻ mất tích là nạn nhân của những kẻ chuyên buôn bán nội tạng hoặc buộc trở thành nô lệ lao động, nô lệ tình dục, thậm chí bị ép gia nhập các tổ chức khủng bố.

Nhiều tổ chức xã hội đã lập ra những chiến dịch, hoạt động hỗ trợ các gia đình có con em mất tích. Chuỗi siêu thị Onur xin phép đăng ảnh trẻ mất tích lên hàng triệu túi đựng đồ phát miễn phí mỗi tháng cho người dân để tăng xác suất tìm thấy trẻ.

Tre em mat tich, nguoi lon o dau?

Một người bố Trung Quốc kiên trì tìm con mất tích - Ảnh: BBC

Tre em mat tich, nguoi lon o dau?

Túi in hình trẻ mất tích được phát miễn phí ở Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Cemal Ozen

Anh Cevher Kupsi, bố của bé Bayram mất tích tám năm trước (khi em mới sáu tuổi) hy vọng gia đình họ sẽ sớm đoàn tụ nhờ chương trình này. Chuỗi ngày dài vừa qua, anh Cevher Kupsi sống trong nỗi lo sợ, bất an, hình ảnh con trai cứ hiện lên trong tâm trí vợ chồng anh. Cứ nghe tiếng trẻ con là họ thắt tim nghĩ đến con mình. Trước đó, Hiệp hội các gia đình có người thân mất tích còn thực hiện chiến dịch “Chiếc xe hy vọng” với những tấm ảnh của các trẻ mất tích dán bên hông xe cùng dòng chữ: “Nếu nhìn thấy con, hãy báo giúp đến mẹ con”.

Đây cũng là cách một số phụ huynh Trung Quốc áp dụng để tự tìm con mình. Mỗi năm, ở nước này có khoảng 70.000 trẻ mất tích. Đáng sợ ở chỗ, Trung Quốc chính là một trong những thị trường đen của tệ nạn mua bán, xâm phạm trẻ em kinh hoàng nhất thế giới. Tờ China Daily từng có loạt phóng sự tiết lộ, phần lớn các vụ mất tích trẻ em là do bị bắt cóc để cung cấp cho các đường dây mua bán con nuôi trái phép rao bán nhan nhản trên mạng, cưỡng bức lao động trẻ vị thành niên, biến trẻ em gái thành nô lệ tình dục hay ghê rợn hơn là đánh cắp nội tạng của trẻ.

Tre em mat tich, nguoi lon o dau?

Sun Bin quỳ khóc trước mặt bố trong ngày đoàn tụ - Ảnh: CNN

Trẻ bị bắt cóc, rồi gặp lại người thân quả là kỳ tích ở Trung Quốc. Đơn cử trường hợp cậu bé Sun Bin bốn tuổi năm nào, nay là chàng trai 28 tuổi. Năm 1991, Sun Bin bị bắt cóc tại một chợ rau ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Em được đưa đến tỉnh Giang Tô cách đó hàng ngàn cây số để bán cho một gia đình hiếm muộn với giá gần 400 USD. Bố của Sun Bin, ông Sun Youhong cùng vợ dốc sức tìm con. Hai vợ chồng vét hết tiền, đi khắp các thành phố ở tỉnh Tứ Xuyên và những tỉnh lân cận nhưng đều vô vọng. Chính Sun Bin vì thắc mắc về thân thế của mình nên liên hệ cảnh sát nhờ hỗ trợ.

Ấn Độ cũng trong tình trạng tương tự Trung Quốc. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 100.000 trẻ dưới 18 tuổi mất tích ở Ấn Độ. Bà Sandhya Bajaj, thuộc Ủy ban Bảo vệ quyền trẻ em nước này cho rằng, con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Một nửa số trẻ mất tích không bao giờ được tìm thấy. Phần lớn các em xuất thân từ những gia đình nghèo khó, bị bắt cóc và lọt vào tay những kẻ buôn người. Trong số trẻ mất tích, 60% là bé gái.

Tre em mat tich, nguoi lon o dau?

Trẻ em bị các tay súng phiến quân bắt cóc, buộc trở thành chiến binh ở Nam Sudan - Ảnh: borgenproject.org

Ở các quốc gia châu Phi, Trung Đông, nguy cơ trẻ bị các phe nhóm khủng bố bắt cóc đang là mối đe dọa. Tổ chức Boko Haram bắt cóc hàng trăm nữ sinh cùng trẻ nhỏ ở Nigeria và Cameroon nhằm phục vụ cho mục đích mở rộng “dân số”. Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng bắt những trẻ trên 10 tuổi để đào tạo thành những chiến binh vô cảm. Hay ở những quốc gia tình hình chính trị bất ổn, các nhóm phiến quân thường bắt cóc, ép buộc trẻ em gia nhập lực lượng của chúng. Liên Hiệp Quốc cho biết, tại Nam Sudan, 12.000 trẻ đã rơi vào tay phiến quân và bất đắc dĩ trở thành chiến binh “nhí”. Trên toàn thế giới, con số này là 250.000 trẻ.

Trẻ mất tích luôn là nỗi ám ảnh của phụ huynh trên toàn thế giới. Tổ chức Missing Children International khuyên các bậc phụ huynh, trước tiên, đừng đẩy con khỏi vòng tay của mình bởi sự lơ là hoặc những bất đồng thế hệ không đáng có. Đây chính là cách để các đối tượng “đen” có thể tiếp cận trẻ nhỏ dễ nhất.

THIÊN NHƯ
(Theo WOWT, EuroNews, Fox59, NBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI