Trẻ em là nạn nhân bị quấy rối tình dục qua ứng dụng hẹn hò

16/11/2023 - 10:31

PNO - Việc kết bạn, hẹn hò qua ứng dụng điện thoại (app) luôn tiềm ẩn rủi ro khó lường khi chính sách giới hạn độ tuổi, kiểm định thông tin cá nhân vẫn tồn tại “kẽ hở”. Phóng sự chuyên đề dưới đây của kênh tin tức CNA (Singapore) nỗ lực “vạch trần” góc khuất hãy còn gây tranh cãi ở các ứng dụng hẹn hò.

Chỉ sau một giờ trò chuyện, Christine được người đàn ông 49 tuổi xưng tên là Gary mời đến nhà riêng. Gary đề nghị cô mặc “váy ngắn” hoặc “áo bó” trong ngày hẹn hò đầu tiên. Trên ứng dụng OkCupid, Christine ghi rằng mình đã thành niên nhưng sau đó cô bé thú nhận với Gary rằng mình thật ra mới 15 tuổi. Thấy vậy, người đàn ông càng tán tỉnh suồng sã hơn.

Gary nói, vợ và con gái ông ta sắp tới sẽ đi nghỉ lễ ở nước ngoài. Khi Christine có vẻ không phản đối ý tưởng đến gặp mình, người đàn ông tiếp tục dùng lời lẽ dung tục để dụ dỗ. Thế nhưng, điều “kẻ săn mồi” như Gary không ngờ là, “Christine” không có thật. Đây là một tài khoản giả được lập bởi phóng viên CNA vì mục đích điều tra. Khi phóng viên tiết lộ sự thật, Gary nhanh chóng biến mất.

Ảnh chân dung ảo do AI tạo ra được phóng viên CNA dùng cho mục đích điều tra. (Ảnh: CNA)
Ảnh chân dung ảo do AI tạo ra được phóng viên CNA dùng để điều tra - Ảnh: CNA

Sự nhiễu nhương còn tiếp diễn

Trong một tháng điều tra, phóng viên CNA lần ra được một số “yêu râu xanh” tương tự trên hàng loạt ứng dụng hẹn hò đông thành viên ở Singapore như OkCupid, Grindr và Tinder.

Nhóm phóng viên dùng ảnh chân dung tạo bởi AI (trí tuệ nhân tạo) và theo thông tin tài khoản, các nhân vật ảo này đã đủ 18 tuổi để sử dụng app hẹn hò. Khi trò chuyện với người dùng khác, phóng viên tiết lộ nhân vật của họ chỉ 15-16 tuổi. Trên ứng dụng Grindr (dành cho cộng đồng LGBT), “bé trai” vị thành niên do phóng viên CNA đóng giả cũng bị một người đàn ông 45 tuổi dụ dỗ bằng những lời gạ gẫm dồn dập, thiếu đứng đắn.

Vấn đề “yêu râu xanh” tấn công trẻ vị thành niên qua các trang web, ứng dụng hẹn hò đang diễn biến phức tạp thời gian gần đây. Riêng ở Singapore, đã có không ít đối tượng phải hầu tòa với cáo buộc quấy rối tình dục trẻ em ở nhiều cấp độ khác nhau.

Năm 2021, một cựu nhân viên quân đội Singapore bị kết án quấy rối một bé gái 10 tuổi gặp gỡ thông qua ứng dụng Tinder. Người này từng dụ dỗ, yêu cầu nạn nhân gửi ảnh khỏa thân cho mình. Tháng 9 năm nay, vụ án một giáo viên xâm hại hàng loạt trẻ vị thành niên gây rúng động báo chí địa phương. Nạn nhân đầu tiên là một bé trai bị cáo quen biết trên Grindr khi em mới 11 tuổi.

Đã có nhiều vụ án xâm hại trẻ vị thành niên bắt nguồn từ các ứng dụng hẹn hò. (Ảnh: TheGuardian)
Đã có nhiều vụ án xâm hại trẻ vị thành niên bắt nguồn từ các ứng dụng hẹn hò - Ảnh: TheGuardian

Luật sư, nghị sĩ Lim Biow Chuan từng đặt câu hỏi tại Quốc hội Singapore xoay quanh nạn gạ gẫm - quấy rối trẻ vị thành niên, với hình thái phổ biến như "bao nuôi" (dùng tiền, quà để trao đổi quan hệ tình dục). Ông trả lời CNA: “Tôi hy vọng chính phủ sẽ sớm triển khai một bộ luật mới nhằm thúc đẩy các công ty công nghệ có hành động cụ thể, ngăn chặn trẻ vị thành niên tiếp xúc với những ứng dụng này”.  

Cơ quan phát triển truyền thông Infocomm (IMDA), trực thuộc Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore, áp dụng một bộ quy tắc xử phạt nghiêm ngặt đối với các trang mạng có nội dung bất hợp pháp (như khiêu dâm, xâm hại trẻ em...). Song song đó, chính phủ nước này cũng đề cao hoạt động giáo dục, khuyến khích thế hệ trẻ xây dựng ý thức tự bảo vệ khi sử dụng internet. Thế nhưng, ứng dụng hẹn hò đang “lọt” khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan hữu quan.  

“Chỉ dành cho người trên 18 tuổi”?

CNA đã liên hệ với OkCupid, Tinder và Grindr để tìm hiểu về việc xác minh tuổi của người dùng. Vì sao nhóm phóng viên có thể dễ dàng cung cấp ngày sinh giả khi tạo tài khoản? OkCupid không phản hồi ngay. Trong khi đó, phía quản lý Tinder và Grindr cho biết, ứng dụng của họ “chỉ dành cho đối tượng trên 18 tuổi”. Người dùng mới phải chứng thực tuổi trước khi mở tài khoản. Hai ứng dụng này cũng cho phép cộng đồng người dùng báo cáo vi phạm nếu nghi ngờ người họ đang trò chuyện là trẻ vị thành niên.

Phần lớn tài khoản thuộc về những nhân vật trẻ vị thành niên do phóng viên CNA lập, sử dụng ảnh chân dung ảo tạo ra bởi AI, đến nay vẫn không bị phát hiện hay bị xóa sau hơn 1 tháng hoạt động. Một phát ngôn viên của Tinder lý giải, “mạng lưới kiểm duyệt hồ sơ người dùng ở các ứng dụng hẹn hò bao gồm nhiều công cụ tự động khác nhau”.

Hệ thống kiểm tra “tự động hóa” có thể hữu ích nếu người dùng ghi đúng thông tin cá nhân theo quy định từ nhà phát triển ứng dụng. Chức năng xác minh danh tính bằng đoạn video ngắn Tinder ra mắt mới đây, giúp hoàn thiện hơn mục tiêu kiểm duyệt độ tuổi. Grindr, mặt khác, có một đội ngũ đông đảo các chuyên gia kiểm duyệt nội dung tương tác, nhằm phát hiện - ngăn chặn sớm hành vi quấy rối trẻ vị thành niên.

Thế nhưng, điều này không đồng nghĩa rằng, nhân lực cùng thuật toán máy tính luôn hoạt động suôn sẻ, chuẩn xác. Giới trẻ tò mò vẫn có thể “lách” khỏi hàng rào kiểm duyệt.

Vì tò mò, nhiều trẻ vị thành niên muốn trải nghiệm ứng dụng hẹn hò dù đã được cảnh báo về nguy cơ của chúng. (Ảnh: DualStock)
Vì tò mò, nhiều trẻ vị thành niên muốn trải nghiệm ứng dụng hẹn hò dù đã được cảnh báo về nguy cơ của chúng - Ảnh: DualStock

Khi giới trẻ sa vào mối quan hệ ảo  

Li, một phụ nữ trẻ, không hề xa lạ với các ứng dụng hẹn hò. Cô đăng ký tài khoản đầu tiên năm 17 tuổi.

“Khi ấy còn chưa có nhiều chức năng xác minh kiểm duyệt, tôi ghi mình đã 18 tuổi và cứ thế sử dụng. Tôi đã thử qua đủ loại app hẹn hò” - Li nói - “Bạn bè tuổi vị thành niên của tôi cũng dùng chúng”.

Cô tiết lộ, đã từng thấy nhiều người bạn gái ở trường trung học tìm bạn hẹn hò qua các ứng dụng như OkCupid, thậm chí trao đổi cùng nhau về đối tượng họ gặp gỡ trên không gian ảo. “Một số người đàn ông tôi từng nói chuyện lớn hơn tôi 10 tuổi” - cô chia sẻ.

Li cảm thấy may mắn vì chưa từng bị dụ dỗ, lợi dụng dù lúc ấy cô hiểu bản thân đang “đùa với lửa”.

“Khi còn trẻ, bạn luôn muốn được quan tâm, công nhận. Trong thế giới ảo, giới trẻ mở lòng vì họ muốn tìm một đối tượng có thể dựa vào, giải đáp lo âu, thắc mắc của họ” - Chong Ee Jay, một chuyên gia tư vấn tâm lý người Singapore, cho biết. “Tuy nhiên, người dùng ứng dụng hẹn hò luôn có mục đích khác nhau, phức tạp hơn hẳn các cộng đồng khác trên internet. Thanh thiếu niên với tâm lý non nớt, nhất là những em không có mối quan hệ lành mạnh với gia đình, dễ trở thành "con mồi" của những kẻ bất lương”.

Chong nhấn mạnh: “Trẻ có thể xem lời hỏi thăm, tán gẫu, hứng thú về cuộc sống của các em đồng nghĩa với sự quan tâm. Kẻ xấu thường lợi dụng điểm này để từng bước dụ dỗ và thực hiện hành vi đồi bại”. Ông tin rằng, hơn cả các chương trình giáo dục kiến thức an toàn internet, trẻ em cần được người thân quan tâm đúng cách. “Vấn đề sâu xa thường nằm ở gia đình. Tôi mong các bậc phụ huynh đừng lơ là các vấn đề tâm lý của con em mình. Vì bọn trẻ có thể tìm "lối thoát" sai cách từ những đối tượng nguy hiểm”.

Như Ý (theo CNA)   

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI