Phân tích chữ “của để dành”, ta thấy rõ ràng: trẻ em là tài sản, là đồ vật.
Vì nghĩ con là tài sản, nên khi sinh ra, con phải có giới tính như ông bà, cha mẹ mong muốn. Nếu nhà độc đinh mà sinh con gái thì đó là lỗi của cả mẹ và con. Chỉ có cái máy mới sản xuất mọi thứ theo ý muốn. Đó là chưa kể những gia đình sinh con khuyết tật, bố mẹ chúng sẽ nghĩ cách "sản xuất" ra "món đồ" khác để bù lại chứ không nghĩ là cần phải chăm sóc con nhiều hơn vì con đã quá bất hạnh rồi
Khi con còn nhỏ, họ chăm sóc con đúng theo phong cách… nuôi lợn thịt. Nhồi nhét cho con ăn nhiều, bụ bẫm để nhìn xinh xắn, đáng yêu và được khen là mát tay. Phải chăng, con không phải là một sinh vật đẳng cấp mà chỉ là một dạng túi để nhồi thật lực, túi sẽ phồng ra, đáng yêu và ta được khen là giỏi nhồi túi. Một sinh vật bình thường sẽ ăn khi đói, dừng khi no.
Hơn nữa, sinh vật thì sẽ có bộ máy tiêu hóa thức ăn và việc ăn uống phải phụ thuộc vào bộ máy đó. Chưa tính đến cơ địa của mỗi người mỗi khác. Nhồi nhét thức ăn làm bộ máy tiêu hóa bị quá tải, có thể gây hại cho trẻ. Trẻ ăn nhiều nhưng không béo hoặc béo nhưng hay ốm đau cũng là vì vậy. Nếu một người mẹ tôn trọng con cái, chắc chắn không có chuyện đè ngửa con ra để nhét thức ăn.
|
Ảnh mang tính minh họa: Internet |
Khi con nô đùa, cha mẹ bắt con im mồm, ngồi yên một chỗ. Trẻ con là sinh vật, đương nhiên phải hoạt động. Ngay chính cha mẹ cũng hoạt động và khám phá liên tục kia mà. Nhưng hễ bọn trẻ hoạt động và khám phá là bị mắng. Việc này vi phạm quyền con người. Nếu có trách nhiệm với con cái, chúng ta không những phải để con nô đùa mà còn phải tạo cơ hội cho con hoạt động để phát triển.
Cha mẹ cũng luôn bắt con phải sạch sẽ. Chỉ có đồ vật mới có thể giữ sạch 100%. Sinh vật đương nhiên sẽ có lúc bẩn. Và môi trường sống là nơi sinh vật tồn tại. Nếu con không sống hòa nhập được với môi trường, chắc chắn con sẽ gặp vô vàn khó khăn. Chơi cát là một phương pháp phát triển khả năng sáng tạo rất tốt dành cho trẻ lứa tuổi mầm non và tiểu học. Chỉ có sợ món đồ của mình bị bẩn, cha mẹ mới khắc nghiệt, cấm đoán con khám phá và làm quen với thế giới, với môi trường!
Khi con đi học, cha mẹ đưa con đến lớp như đặt một món đồ sang chảnh vào tay giáo viên. Chính vì vậy, mỗi tối về nhà, họ cuống cuồng kiểm tra xem con mình có tì vết gì không. Đồng thời, cha mẹ cũng coi giáo viên như người trông giữ đồ đạc - phải trông đồ theo cách họ muốn: nhồi thức ăn, sạch sẽ, bóng bẩy, đáng yêu.
Cha mẹ không tin tưởng món đồ của mình biết làm những việc vô cùng đơn giản nên không cho con làm việc nhà, lý do con không biết làm, con còn bé. Họ không nhớ, một em bé rồi cũng phải sống, phải học chăm sóc cho chính mình và người khác.
Nghe theo các lời quảng cáo ở khắp các trung tâm dạy trẻ sớm, cha mẹ cho "đồ vật" của mình thí nghiệm với mọi khóa học mà không để ý rằng vội vàng ép con phải học, phải theo các lớp luyện rèn khác nhau có thể sẽ gây ra những bất ổn về tâm lý và nhận thức của con trẻ chứ. Không phải đặt món đồ vật đó ở đâu, thí nghiệm thế nào cũng tốt cả.
Khi con bắt đầu đi học tiểu học, con thành một cái máy ghi âm, cố gắng thu âm bài học vần hoặc toán thật sớm để ba mẹ đem đi phát khắp nơi. Nếu con không thu phát theo ý cha mẹ, họ sẽ vô cùng thất vọng và chán đời, bởi vì món đồ giá trị hóa ra cũng không được như người sản xuất kỳ vọng.
Cha mẹ mắng chửi con, xúc phạm con, hành hạ con bình thường. Nhưng cô giáo hay người ngoài, không có quyền động chạm tới tài sản của cha mẹ. Vì thế, khi trẻ hư, cô giáo phạt, đã bị bố mẹ phản ứng dữ dội. Cách này làm cho trẻ nghĩ mình đúng, cô sai. Mọi việc cứ thế mà sai lệch dần.
Vì suy nghĩ con là tài sản nên cha mẹ chỉ cần đẻ ra, chăm cho nó béo là hết việc. Dạy dỗ con là của nhà trường. Ngồi đợi con tự dưng ngoan, và soi ngành giáo dục để đổ lỗi mà không nghĩ rằng cần phải chung sức với thầy cô trong việc giáo dục con em mình.
Còn nhiều biểu hiện khác của việc coi con là tài sản, là đồ vật… Hãy suy gẫm nếu có chút giật mình, hãy nghĩ đến lũ trẻ, đừng để những con người non nớt đó phải sống như đồ vật. Tội lắm!
TS Vũ Thu Hương