|
Trẻ em gái ngày càng dậy thì sớm không rõ nguyên nhân |
Vào cuối thập niên 1980, tiến sĩ Marcia Herman-Giddens lần đầu tiên nhận ra điều gì đó đang thay đổi ở các bé gái. Lúc này bà đang làm giám đốc chương trình hỗ trợ trẻ em bị lạm dụng của Trung tâm Y tế Đại học Duke ở Durham thuộc bang North Carolina, Mỹ. Trong quá trình tìm hiểu các bé gái bị bạo hành, bà nhận thấy nhiều em trong số này đã bắt đầu phát triển ngực khi mới 6-7 tuổi.
“Điều đó có vẻ không ổn”, tiến sĩ Herman-Giddens - hiện là giáo sư trợ giảng tại Trường Y tế Công toàn cầu Gillings thuộc Đại học North Carolina - chia sẻ. Vì không thể tìm thấy bất kỳ dữ liệu nào theo dõi tuổi bắt đầu dậy thì ở các bé gái tại Mỹ, bà đã quyết định tự mình thu thập các dữ liệu này.
Một thập niên sau, bà công bố một nghiên cứu về hơn 17.000 bé gái đã được kiểm tra sức khỏe tại các phòng mạch của bác sĩ nhi khoa trên toàn nước Mỹ. Kết quả cho thấy, vào giữa thập niên 1990, độ tuổi trung bình các bé gái bắt đầu phát triển “vòng 1” - thường được xem là dấu hiệu dậy thì đầu tiên - là khoảng 10, sớm hơn 1 năm so với ghi nhận trước đây. Số tuổi này thậm chí giảm xuống còn 9 đối với các bé gái da màu.
Nghiên cứu của tiến sĩ Herman-Giddens được xem là một bước ngoặt trong sự hiểu biết y học về tuổi dậy thì. Sau đó, đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện ở hàng chục quốc gia trong nhiều thập niên, xác nhận rằng tuổi dậy thì ở trẻ em gái đã giảm khoảng 3 tháng sau 10 năm, kể từ những năm 1970. (Một mô hình tương tự, với mức độ giảm tuổi ít hơn, cũng đã được ghi nhận ở các bé trai).
Theo các chuyên gia, trẻ em gái dậy thì sớm có nguy cơ bị trầm cảm, lo lắng, lạm dụng chất kích thích, và gặp các vấn đề tâm lý khác cao hơn so với các bạn đồng trang lứa dậy thì muộn hơn. Những cô gái có kinh nguyệt sớm hơn cũng có thể có nguy cơ cao bị ung thư vú, hoặc ung thư tử cung khi trưởng thành.
Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã và đang tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm ở bé gái, nhưng hiện vẫn chưa xác định nguyên nhân chính xác. Trong các giả thuyết, béo phì, ô nhiễm hóa chất có trong một số loại nhựa, và căng thẳng được cho là các tác nhân phổ biến. Trong khi đó, nhiều bác sĩ cũng đã báo cáo sự gia tăng các trường hợp dậy thì sớm trong thời kỳ đại dịch, mặc dù không nói rõ nguyên nhân.
“Chúng ta đều nhận thấy những thay đổi rõ rệt này ở các bé gái. Nhưng chúng ta chưa thể ngăn ngừa việc này, vì chưa xác định được nguyên nhân chính xác”, tiến sĩ Anders Juul - bác sĩ nội tiết nhi tại Đại học Copenhagen, người đã công bố hai nghiên cứu gần đây về việc hiện tượng dậy thì sớm - cho biết.
Vào khoảng thời gian tiến sĩ Herman-Giddens công bố nghiên cứu mang tính bước ngoặt của mình, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Juul đã kiểm tra sự phát triển của vú trong một nhóm thuần tập gồm 1.100 bé gái ở Copenhagen, Đan Mạch. Độ tuổi trung bình các bé gái ở Đan Mạch bắt đầu phát triển ngực là 11.
Tiến sĩ Juul cho rằng, việc trẻ em gái ở Mỹ dậy thì sớm hơn có lẽ liên quan đến sự gia tăng béo phì ở trẻ em - điều đã không xảy ra ở Đan Mạch.
Nghiên cứu từ thập niên 1970 cho thấy những cô gái thừa cân hoặc béo phì có xu hướng bắt đầu có kinh nguyệt sớm hơn những cô gái có trọng lượng trung bình. Trong một nghiên cứu kéo dài hàng thập niên trên gần 1.200 bé gái ở Louisiana được công bố vào năm 2003, béo phì ở trẻ em có liên quan các chu kỳ kinh nguyệt sớm hơn.
Năm 2021, các nhà nghiên cứu ở Anh đã phát hiện ra rằng leptin - một loại hormone do các tế bào mỡ tiết ra, hoạt động trên một phần của não - có tác dụng hạn chế cảm giác đói, và cũng giúp làm chậm lại sự phát triển giới tính.
Trong thập niên sau nghiên cứu của Herman-Giddens, tiến sĩ Juul lại bắt đầu nhận thấy sự gia tăng số lượng bé gái dậy thì sớm ở Copenhagen, với nhiều trường hợp các bé phát triển “vòng 1” khi chỉ mới 7 hoặc 8 tuổi.
Trong một nghiên cứu năm 2009 trên gần 1.000 trẻ em gái độ tuổi đi học ở Copenhagen, nhóm của tiến sĩ Juul phát hiện ra rằng độ tuổi phát triển ngực trung bình của cá bé gái đã giảm 1 năm so với nghiên cứu trước đó của ông, xuống còn dưới 10 tuổi, với hầu hết các bé gái từ 7 - 12 tuổi. Các bé gái cũng có kinh nguyệt sớm hơn, trung bình ở tuổi 13, sớm hơn khoảng 4 tháng so với những gì ông đã báo cáo trước đó.
“Đó là một sự thay đổi rất rõ rệt trong một khoảng thời gian rất ngắn”, tiến sĩ Juul nhận định.
Tuy nhiên, trong lần nghiên cứu này, tiến sĩ Juul đã trở thành một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho một lý thuyết thay thế: phơi nhiễm hóa chất được cho là nguyên nhân. Ông cho biết, những cô gái có ngực phát triển sớm nhất trong nghiên cứu năm 2009 của ông có nồng độ phthalate trong nước tiểu cao nhất.
Phthalate là hóa chất được sử dụng để làm cho nhựa bền hơn, được tìm thấy trong nhiều sản phẩm, từ sàn nhựa vinyl đến bao bì thực phẩm. Hóa chất này còn được gọi là “chất gây rối loạn nội tiết”, có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các hormone, và đã trở nên phổ biến trong môi trường vài thập niên qua.
Trong một bài báo được xuất bản vào tháng trước, tiến sĩ Juul và một nhóm các nhà nghiên cứu đã phân tích hàng trăm nghiên cứu về các chất gây rối loạn nội tiết và ảnh hưởng của chúng đối với tuổi dậy thì.
Tuy nhiên, tiến sĩ Russ Hauser - một nhà dịch tễ học môi trường tại Trường Y tế công T.H. Chan thuộc Đại học Harvard và là một thành viên của nhóm nghiên cứu - cho biết: “Đến nay, chúng tôi chưa có đủ dữ liệu để kết luận chắn chắn rằng việc phơi nhiễm hóa chất là tác nhân thúc đẩy dậy thì sớm”.
Các chuyên gia cũng đưa ra thêm một số giả thuyết về các nguyên nhân khác của dậy thì sớm, trong đó có việc bị lạm dụng tình dục trong thời thơ ấu, căng thẳng và chấn thương, trường hợp các bé gái có mẹ có tiền sử rối loạn tâm trạng, hoặc các bé gái không sống với cha ruột của mình. Các yếu tố về lối sống như thiếu hoạt động thể chất cũng có thể liên quan đến những thay đổi trong thời gian dậy thì.
Nhất Nguyên (theo The New York Times)