Trẻ em đến từ một hành tinh khác, làm sao người lớn hiểu được trẻ?

04/06/2017 - 14:04

PNO - Một số cha mẹ dường như chỉ bận tâm đến ước muốn của mình, rồi áp vào con cái và thúc ép chúng với chiêu bài “làm điều đó chỉ vì muốn tốt cho con”.

Theo trí nhớ của mình thì quan điểm xem trẻ em như tờ giấy trắng có thể đã có từ thời cổ đại, khi đó người ta nhìn nhận đứa trẻ là một đối tượng hoàn toàn thơ ngây trong trắng. Việc chúng trở nên như thế nào là do người lớn mong muốn và tác động vào. Quan điểm này đã tồn tại phổ biến qua nhiều thời đại đến tận hôm nay.

Tre em den tu mot hanh tinh khac, lam sao nguoi lon hieu duoc tre?
Ảnh minh họa

Dường như nhiều người lớn có cảm giác được an ủi hơn khi thấy mình còn có chút quyền lực, đó là biến một đứa trẻ trở thành một con người cụ thể như mình trông đợi. Không ít lần tôi được nghe các giáo viên khuyên can phụ huynh: “Trẻ em như tờ giấy trắng, anh chị cần chú ý đến những gì mình làm kẻo nó bắt chước”, hoặc “Không cần cho trẻ biết đâu, chúng nó chỉ như một tờ giấy trắng thôi”…

Tuy nhiên, về mặt khoa học, quan điểm trẻ em không biết gì hình như không có chỗ đứng. Một số người còn có suy nghĩ mang tính thách đố hơn: vậy trẻ em là gì? 

Tôi thường nói với các bạn sinh viên chuyên ngành tâm lý rằng, thế giới tâm lý của chúng ta có tổng cộng ba loại người. Ngành tâm lý thông thường chúng ta học và hành nghề chỉ là về loại người trưởng thành. Hai loại khác là thế giới của những người già và của trẻ em.

Có thể nói, trẻ như người thuộc một hành tinh khác chứ không phải là hình ảnh thu nhỏ của những người lớn chúng ta. Không chỉ tâm lý học, mà mọi ngành nghề trong cuộc sống cần nhận ra điều này: thế giới của trẻ em có những điều đặc biệt và đầy đủ trọn vẹn mà có thể nhiều người lớn mơ ước hoặc cảm thấy sung sướng khi vô tình có được trải nghiệm đó.

Kiểu ký ức được thể hiện trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một dạng như thế, nó đưa chúng ta quay lại với tuổi thơ đầy khao khát và nhiều niềm vui của chính mình. Tuổi trẻ, các em có thể sống thoải mái bay bổng với những niềm tin đơn sơ và những mơ ước của bản thân. Hay như cảnh nhà phê bình ẩm thực nếm món ăn do đầu bếp chuột làm trong phim Chú chuột đầu bếp; món ăn đã đưa nhà phê bình quay lại tuổi thơ của ông, thuở nhận đĩa thức ăn do mẹ nấu với đầy yêu thương.

Món ăn đó không phải ngon bình thường mà là cực kỳ ngon vì nó giúp sống lại một thời tuổi thơ. Vì thế, một số nhà tâm lý đã có sáng kiến cho con người trải nghiệm các hoạt động đưa họ về tuổi thơ để họ thật sự sống với khoảnh khắc đó, nhằm giúp họ được chữa lành những tổn thương.

Tre em den tu mot hanh tinh khac, lam sao nguoi lon hieu duoc tre?
Ảnh minh họa

Nhiều bộ phim và các hoạt động trải nghiệm theo cách đó đang được mọi người đón nhận và ủng hộ. Quan trọng là đã đến lúc chúng ta buộc phải công nhận một điều: thế giới trẻ em khác biệt với thế giới người lớn, rất khác. Sự khác biệt đó mang tính chất tách rời như hai thế giới riêng biệt.

Tuy nhiên, ngày nay một số (nhiều) cha mẹ dường như chỉ bận tâm đến ước muốn của mình, rồi áp vào con cái và thúc ép chúng với chiêu bài “làm điều đó chỉ vì muốn tốt cho con”. Thật ra, chúng ta không thể nào biết được điều gì là tốt cho một đứa trẻ, trừ khi chính đứa trẻ đó nói ra.

Tôi tin nhiều người đã xem đoạn clip thể hiện một đứa trẻ tại Anh lớn tiếng “chỉ trích và khuyên nhủ” bà thủ tướng của mình nên làm gì với người vô gia cư của thành phố và phần còn lại là cảnh một đứa trẻ Việt Nam dễ thương đọc thuộc lòng một điều mà hầu như ai trong chúng ta cũng quen thuộc, thậm chí khi đọc em cũng không cần chú tâm vào việc đó.

Chúng ta cảm thấy hạnh phúc và vui sướng khi một đứa trẻ mong muốn đổi cả một công trình to lớn để lấy một viên kẹo mà em ưa thích, nhưng lại vẫn muốn bắt một đứa trẻ đưa ra những lựa chọn mà đảm bảo là chỉ đúng cho cha mẹ.

Thế giới trẻ em là một thế giới khác biệt hoàn toàn thế giới người lớn, với trọn vẹn mọi khía cạnh. Vì thế, tốt nhất là người lớn phải chú tâm lắng nghe và hòa mình vào, thay vì cố điều chỉnh và áp vào thế giới đó những thứ của người lớn

 Ngô Minh Uy
(Giám đốc Công ty tâm lý chuyên nghiệp WE Link - Tổng thư ký 
Hội Khoa học tâm lý và giáo dục TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI