Trẻ em đang học quá nhiều, thiếu kỹ năng trong cuộc sống

24/10/2023 - 11:23

PNO - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Minh Đức cho rằng, trẻ em đang mất quá nhiều thời gian cho việc học dẫn đến một bộ phận thiếu kỹ năng trong cuộc sống, ứng xử hạn chế.

ĐBQH Nguyễn Minh Đức cho rằng, học sinh đang phải học quá nhiều dẫn tới thiếu thời gian học kỹ năng, giáo dục thể chất
ĐBQH Nguyễn Minh Đức cho rằng, học sinh đang phải học quá nhiều dẫn tới thiếu thời gian học kỹ năng, giáo dục thể chất

Sáng 24/10, tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TPHCM) chia sẻ nhiều băn khoăn liên quan tới lĩnh vực giáo dục.

Ông cho hay, trong những cuộc tiếp xúc cử tri đã nhận được nhiều phản ánh về tình trạng sách giáo khoa có nhiều bộ nhưng có nhiều lỗi và không đồng bộ. Do đó, ngành giáo dục cần xem xét và điều chỉnh sớm. 

Đặc biệt, ĐBQH nhấn mạnh vào vấn đề hệ thống lương chi trả cho giáo viên. Hệ thống lương chưa đảm bảo dẫn đến tình trạng học thêm, dạy thêm còn diễn ra tràn lan. Học sinh vừa phải học chương trình trên lớp, vừa phải học thêm nên không có thời gian nghỉ ngơi, bổ sung kiến thức tự nhiên, xã hội.

“Trẻ em mất quá nhiều thời gian cho việc học. Một bộ phận thiếu kỹ năng về văn hóa, xã hội dẫn đến còn hạn chế trong ứng xử. Chưa nói tới tác động của văn hóa phẩm xấu trên mạng xã hội, một bộ phận có các hành vi bạo lực học đường. Thậm chí có những cảnh bạo lực không thể chấp nhận được. Đây là bài toán phải giải quyết” - ĐBQH nói.

Chính vì vậy, ông tha thiết mong Chính phủ cải thiện đời sống của đội ngũ giáo viên bằng các biện pháp mang tính mệnh lệnh. Ông cho rằng, để phát triển kinh tế xã hội, cần xác định con người là yếu tố cốt lõi để phát triển đất nước. Hệ thống giáo dục cần được đầu tư để tạo ra nguồn lao động chất lượng cao. 

Về giáo dục thể chất, ĐBQH Nguyễn Minh Đức cũng chỉ ra, nhiều trường không đủ cơ sở vật chất, hoặc không đáp ứng về vấn đề này. Cùng với đó, bữa ăn bán trú của học sinh ở trường là điều đáng quan tâm. Ông băn khoăn: “Ai sẽ là người kiểm định theo một tiêu chuẩn, quy định? Bữa ăn của học sinh có đủ dinh dưỡng hay không? Chưa nói về an toàn thực phẩm, có nhiều học sinh đã bị ngộ độc. Chúng ta cần phải có những quy định, thanh kiểm tra kỹ về vấn đề này”.

Theo ĐBQH, giáo dục thể chất không đầy đủ đã dẫn tới nhiều hệ lụy. Điển hình như câu chuyện của Đoàn thể thao Việt Nam không thành công tại ASIAD 19 vừa qua.

“Ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, các tài năng thể thao đều từ phong trào học sinh sinh viên. Ví dụ ở bậc tiểu học, tại nhiều nước, 1 năm có 160 giờ giáo dục thể chất. Mỗi trường đều có hệ thống sân tập, thi đấu… từ đó phát hiện ra tài năng cho các đoàn thể thao nước nhà. Chúng ta hiện vẫn tự phát nên không thể có chất lượng cao nhất. Chúng ta cần phải học mô hình các nước” - ĐBQH Nguyễn Minh Đức phân tích.

Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, nguyên nhân của các sự cố y tế, giáo dục thời gian gần đây, xuất phát từ việc không kiểm soát được vấn đề xã hội hóa. Theo bà, do ngân sách nhà nước hạn hẹp nên chúng ta đã có các chương trình xã hội hóa để thu hút nguồn lực của xã hội. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa, Nhà nước không đầu tư nhiều vào 2 lĩnh vực này mà cần phải tiến hành song song để đảm bảo an sinh, xã hội. 

“Nếu để các bệnh viện, cơ sở giáo dục “tự bơi”, các thay đổi không dựa trên nghiên cứu sâu về cơ chế thì tình trạng này dẫn tới điều đau lòng: ai có tiền mới được khám chữa bệnh tốt, ai có tiền mới cho con đi học đàng hoàng” - ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nói.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI