Trẻ em chơi

02/10/2013 - 15:47

PNO - PNO - Lật từng trang sách Trẻ em chơi (NXB Trẻ), tôi cảm thấy xúc động, không ngờ ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, nhà văn hóa Toan Ánh - lại viết những trang văn bay bướm, trong trẻo lạ thường.

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo ông: “Tìm hiểu trò chơi của trẻ em để hướng dẫn các em trong giáo dục là bổn phận của người lớn, xét sở thích của các em trong trò chơi có thể biết được trí thông minh, óc quan sát, trí nhớ, sự khéo léo của mỗi em”.

Tre em choi

Ban đầu, tưởng sách biên khảo khô khan nhưng càng đọc càng lôi cuốn. Trong đời, ai không từng giấu một vật trong tay rồi đố:

Tập tầm vông

Tay nào không

Tay nào có?

Tập tầm vó

Tay nào có?

Tay nào không?

Với trẻ em Việt Nam, hầu như trò chơi nào cũng kèm theo câu hát ngộ nghĩnh:

“Nu na nu nống

Cái bống nằm trong

Cái ong nằm ngoài

Củ khoai chấm mật

Nhà tôi nấu chè

Tò he tí rụt

Khi đọc từ “rụt” rơi vào ai thì người đó phải co chân lại, làm chậm thì thua. Qua các trò chơi này, ta nhận ra đứa trẻ có thể chơi bất kỳ ở không gian nào, có thể trong nhà, trước hiên, ngoài sân rộng… Có lúc chỉ một mình như chơi làm con mèo bằng lá chuối, nặn các con thú bằng bột hoặc chơi trống bỏi tạo ra âm thanh vui tai; cũng có khi cùng nhóm bạn đánh chắt, đánh chuyền, chơi ô ăn quan, kéo cưa lừa xẻ v.v...

Điều thú vị, nhà văn hóa Toan Ánh đã phân loại gần trăm trò chơi khác nhau phù hợp từng lứa tuổi. Khi trình bày, ông luôn nêu ý nghĩa tích cực, mục đích trò chơi đó. Chơi kéo co “giống như một môn thể dục khiến chân tay các em thêm cứng cáp, người thêm nở nang và cũng là bài học đoàn kết, có đoàn kết mới tạo được sức mạnh chiến thắng đối phương”; chơi Ép ép! Nhong nhong lúc được người lớn làm ngựa cho cưỡi “nhằm mục đích mua vui cho em nhưng đồng thời cũng tập cho em sự gan dạ” v.v…

Rõ ràng, ở đây chơi mà học.

Ngoài hướng dẫn cách chơi, tác giả còn trích thêm những đoạn văn hay, giai thoại lịch sử vì thế khi đọc, ta học được nhiều điều hay lẽ phải. Chẳng hạn, trong một cuộc vui của vua Lê chúa Trịnh, quan Đỗ Như Cương đá cầu chúc thọ vua Lê. Ông đá hàng ngàn lượt chưa rớt, vua Lê khen: “Giỏi thật! Nhưng thôi, chúc thọ cho trẫm hàng ngàn tuổi cũng đã sống quá lâu rồi, còn mong sống mãi để ăn hại đời hay sao?”. Không những thế, tác giả còn kể thêm các trò chơi trong những dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán, Trung thu…

Đọc tập Trẻ em chơi, hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên vì sao ngày nay trẻ em chỉ biết mỗi chơi game trên vi tính, trong khi còn có nhiều trò chơi ở lứa tuổi này như dung dăng dung dẻ, kéo co, nhảy lò cò, đánh đu, đá cầu, thả diều, đánh bi v.v… Vì thế, TS. Quách Thu Nguyệt hoàn toàn có lý khi cho rằng: “Tập sách không chỉ có giá trị về tư liệu, nghiên cứu mà còn là một cẩm nang cần thiết giúp các nhà giáo dục, nhà hoạt động văn hóa có thể phục dựng, cải biên và áp dụng trong các buổi sinh hoạt…”.

L.V.N
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI