Trẻ em chịu ảnh hưởng lớn nhất từ khủng hoảng khí hậu

26/11/2024 - 06:01

PNO - Nếu không có hành động giải quyết khủng hoảng khí hậu, sẽ có nhiều người hơn nữa - nhất là trẻ em - phải hứng chịu hậu quả của lũ lụt, cháy rừng và hạn hán.

Tương lai bị đe dọa

Theo báo cáo của Liên hiệp quốc (LHQ) nhân ngày Trẻ em thế giới 20/11 vừa qua, trẻ em đang phải hứng chịu những hậu quả của tình trạng khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng. Trên toàn cầu có hàng triệu trẻ đói khát, không được đến trường; hàng ngàn trẻ mất cha mẹ và gia đình vì hậu quả của thiên tai.

Một bé gái lội qua nước lũ để mua thực phẩm cho gia đình ở làng Shimultala, Bangladesh - ẢNH: ABDUL GONI (UNICEF)
Một bé gái lội qua nước lũ để mua thực phẩm cho gia đình ở làng Shimultala, Bangladesh - ẢNH: ABDUL GONI (UNICEF)

LHQ dự đoán, vào những năm 2050, khủng hoảng khí hậu sẽ tăng gấp 8 lần và số trẻ em phải đối mặt với lũ lụt cũng sẽ tăng gấp 8 lần so với những năm 2000 nếu tình hình không được cải thiện. Sẽ có nhiều trẻ em khó sống sót qua các cuộc khủng hoảng môi trường và khí hậu khắc nghiệt. Sự gia tăng lớn nhất về số trẻ em phải chịu đợt nắng nóng khắc nghiệt dự kiến ​​sẽ xảy ra ở Đông và Nam Á, Thái Bình Dương, Trung Đông và Bắc, Tây lẫn Trung Phi.

“Trẻ em đang trải qua vô số cuộc khủng hoảng, từ những cú sốc về khí hậu đến những mối nguy hiểm trực tuyến và những điều này sẽ trở nên trầm trọng hơn trong những năm tới… Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ định hình thế giới mà trẻ em thừa hưởng. Tương lai các em sẽ nằm trong quyết định của họ. Thành quả của nhiều thập niên tiến bộ - đặc biệt là đối với trẻ em gái - đang bị đe dọa” - bà Catherine Russell - Giám đốc điều hành của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) - nói.

“Khủng hoảng khí hậu cũng khiến nhiều trẻ em dễ mắc bệnh hơn. Nhiệt độ trung bình tăng cao đã dẫn đến sự gia tăng quần thể muỗi và nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như sốt rét, sốt xuất huyết, Zika... Thời tiết khắc nghiệt có thể khiến trẻ em không có chế độ ăn uống lành mạnh; trong khi lốc xoáy, bão, lũ lụt, nắng nóng và động đất có liên quan đến nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần, rối loạn căng thẳng và trầm cảm” - bà Catherine nói thêm.

Theo báo cáo Tình hình không khí toàn cầu năm 2024, ô nhiễm không khí là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi và có liên quan đến 709.000 ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2021. Ngân hàng Thế giới gần đây đã gọi các tác động về mặt giáo dục do khủng hoảng khí hậu là “quả bom hẹn giờ” do các ảnh hưởng sâu sắc đến việc học tập của trẻ em, khiến trẻ phải nghỉ học, gia tăng khoảng cách học tập trên toàn thế giới. Kể từ năm 2022, việc học tập của hơn 400 triệu học sinh trên thế giới đã gián đoạn do thời tiết khắc nghiệt.

Cam kết 300 tỉ USD

Ngày 23/11, sau 2 tuần đàm phán căng thẳng thậm chí là hỗn loạn, một thỏa thuận đã được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu thường niên lần thứ 29 (COP29) ở Baku, Azerbaijan với sự tham gia của gần 200 quốc gia.

Theo đó, các nước giàu cam kết cung cấp 300 tỉ USD mỗi năm cho các nước nghèo cho đến năm 2035 để giúp họ đối phó với những tác động ngày càng thảm khốc của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Dù thỏa thuận này đã được thông qua, nó vẫn vấp phải sự chỉ trích của nhiều nước đang phát triển vì ý kiến của họ không được quan tâm. Con số 300 tỉ USD vẫn kém xa so với con số 1.300 tỉ USD cần thiết nhằm giúp các nước đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. “Đó là một số tiền quá nhỏ bé. Theo chúng tôi, điều này sẽ không giải quyết được thách thức to lớn mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt” - bà Chandni Raina - đại biểu Ấn Độ - cho biết.

Bộ trưởng Khí hậu Sierra Leone Jiwoh Abdulai nói, điều này cho thấy “sự thiếu thiện chí” từ các quốc gia phát triển. “Chúng tôi vô cùng thất vọng về kết quả này” - ông nói. Tina Stege - Đặc phái viên về khí hậu của quần đảo Marshall, một quốc gia đảo san hô nhỏ bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao - cho biết, bà sẽ trở về nhà “với một phần nhỏ những gì đã đấu tranh”. “Vẫn chưa đủ, nhưng đây là sự khởi đầu” - bà nói. Liên minh các quốc đảo nhỏ, các nước kém phát triển nhất đều bày tỏ sự thất vọng với thỏa thuận này.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, con số này tạo ra cơ sở để tiếp tục. Simon Stiell - người đứng đầu cơ quan khí hậu của LHQ - thừa nhận thỏa thuận này không hoàn hảo và cho biết không quốc gia nào có được mọi thứ họ muốn. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các chính phủ coi đây là nền tảng để tiến xa hơn nữa.

Lệ Chi (theo UNICEF, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI