Trẻ em bị suy thận: Quan trọng nhất là tầm soát, điều trị sớm

09/02/2023 - 06:20

PNO - Việc tầm soát suy thận ở trẻ đơn giản, có thể thực hiện tại y tế địa phương, tuy nhiên nhiều trẻ vẫn rơi vào suy thận giai đoạn cuối rất đáng tiếc.

 

Trẻ lọc máu định kỳ tại đơn vị thận nhân tạo, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) - ẢNH: PHẠM AN
Trẻ lọc máu định kỳ tại đơn vị thận nhân tạo, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) - Ảnh: Phạm An

Tuy khó khăn nhưng không ngừng hy vọng

“Má ơi, con mỏi”, “Má ơi, má ôm con đi má”… bé V.T.D.D. (13 tuổi, ở Đồng Nai) nhõng nhẽo với má trong lúc đang chạy thận nhân tạo. Nghe con gọi, chị Trần Thị Hoài Oanh (44 tuổi) chạy đến, xoa xoa cánh tay, vuốt lưng bé vỗ về: “Má đây, con gái má ngoan, sắp xong rồi”. Hôm nay, bé D. hơi mệt, nhịp tim nhanh, huyết áp lại cao… nên phải nhập viện theo dõi. Chị Oanh cười buồn: “Tôi quen rồi, chỉ thương con quá, cứ phải vào ra bệnh viện”. 

Ngồi ở hành lang, chị Oanh nhớ từng giai đoạn khó khăn của hai mẹ con, đã có lúc chị muốn buông xuôi. “Mỗi lần như vậy, tôi lại nhớ câu nói của bác sĩ: D. phải đủ chiều cao, cân nặng và các điều kiện thể trạng khác thì mới ghép thận được. Cứ thế, hai mẹ con lại nắm tay nhau tiếp tục cố gắng” - chị Oanh chia sẻ. Chị cho biết bé D. là con thứ hai trong gia đình, từ trong bụng mẹ đã có những bất thường về sức khỏe. Khi được sinh ra, D. chỉ có 1 quả thận, được tiên lượng không qua nổi 1 ngày tuổi. Vậy mà nhờ sự nỗ lực của người thân cùng các y, bác sĩ, D. đã lần lượt vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất, thậm chí vẫn đến trường học cùng các bạn. 

Khi lên 9 tuổi, D. phải vào ra bệnh viện 3 lần mỗi tuần để chạy thận nhân tạo vì suy thận mạn tính giai đoạn cuối. Mặc dù bác sĩ nói sức khỏe của D. khó để ghép thận nhưng chị Oanh vẫn luôn hy vọng có một ngày con gái chị sẽ khỏe mạnh trở lại. Chị nói: “Từ khi thấy một bé trai ở đây được ghép thận thành công, tôi tự nhủ hai mẹ con sẽ chờ được đến ngày D. lên bàn mổ để tìm lại cuộc sống mới”. 

Ngồi cạnh con trên giường bệnh, chị Trần Thị Thiện (46 tuổi, ở Ninh Thuận) chốc chốc vỗ về con: “Ráng đi, còn chút nữa là xong rồi, chút mẹ mua đồ ăn cho con ăn nha, con ăn gì, ăn gà rán nha”. Nghe vậy nhưng bé L.T.D.N. (10 tuổi, con trai chị Thiện) chỉ lắc đầu, bé hơi mệt nên liên tục quấy mẹ. Chị Thiện cho biết, bé N. bị hội chứng thận hư, sau đó tiến triển thành suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo hơn 7 năm nay. 

Hiện mỗi tuần bé N. phải chạy thận 4 lần. Nhà xa nên hai mẹ con chị Thiện phải thuê trọ gần bệnh viện.

Nhằm tiết kiệm tiền, chị Thiện xin ở cùng phòng trọ với gia đình bệnh nhi suy thận khác, và cũng để cho bé N. có bạn bè. “Do bệnh của con phải có chế độ ăn, nghỉ ngơi và chạy thận nghiêm ngặt nên từ khi bé bệnh, hai mẹ con hầu như không về quê. Dù vậy, tôi chưa bao giờ nản lòng, chỉ cần con còn khả năng điều trị, tôi vẫn sẽ cùng con bước tiếp. Tôi tin có một ngày con trai tôi sẽ được ghép thận, sống khỏe mạnh hơn” - chị Thiện chia sẻ.

Điều trị sớm, tích cực trẻ vẫn khỏe mạnh 

Bác sĩ chính, chuyên khoa 2 Hoàng Ngọc Quý - Trưởng đơn vị thận nhân tạo Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) - cho biết trung bình đơn vị điều trị cho khoảng 45-50 bệnh nhi mắc suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải lọc thận. Một số bé đã được đăng ký trong chương trình ghép thận quốc gia để chờ được ghép thận. Đa số bệnh nhi có độ tuổi từ 5 đến dưới 16 tuổi ở miền Trung, miền Đông, TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam.

Nguyên nhân suy thận mạn thường gặp ở những trẻ bất thường về đường tiết niệu như trẻ sinh ra đã có thiểu sản thận 2 bên, thận đa nang, van niệu đạo sau, bàng quang thần kinh… hay những bệnh nhi có bệnh lý cầu thận như hội chứng thận hư, viêm thận lupus.

Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Quý, hiện tại đơn vị có 3 phương pháp điều trị suy thận giai đoạn cuối đó là ghép thận, thẩm phân phúc mạc (lọc thận màng bụng) và chạy thận nhân tạo. Tùy vào đặc điểm bệnh lý của trẻ và các yếu tố liên quan, bác sĩ sẽ tư vấn các ưu, khuyết điểm của từng phương pháp điều trị để gia đình có sự chọn lựa phù hợp, điều trị tốt nhất cho bé. 

Đa số bệnh nhi được chạy thận nhân tạo trung bình từ 3-4 buổi/tuần. Trẻ chạy thận nhân tạo thường có chế độ ăn uống nghiêm ngặt như hạn chế nước hoa quả có nhiều kali như chuối, cam, dưa hấu… hoặc đồ ăn có nhiều đạm. Vì vậy, những trẻ này thường chậm phát triển về thể chất, còi cọc. Việc phải chạy thận định kỳ còn ảnh hưởng đến học hành của trẻ và công việc của cha mẹ do trẻ phải nghỉ học, cha mẹ thường xuyên phải nghỉ làm để tới bệnh viện chạy thận nhân tạo. “Tuy nhiên, trẻ mắc suy thận giai đoạn cuối không phải là hết, gia đình vẫn có thể hiến thận để ghép hoặc cho bé tham gia chương trình hiến tạng quốc gia, khi có thận tương thích, bé sẽ được tham gia ghép thận. Trên thực tế đã có rất nhiều trẻ được ghép thận thành công và trở về cuộc sống khỏe mạnh, có thể sinh hoạt, đi học bình thường” - bác sĩ Hoàng Ngọc Quý nói.

Hiện nay, số lượng trẻ bị suy thận mạn rất thấp so với tỉ lệ bệnh thận nói chung, nhờ việc tầm soát, theo dõi điều trị sớm, tích cực. Vì vậy, quan trọng là quá trình tầm soát bệnh ở trẻ. Tuy vậy, bác sĩ Hoàng Ngọc Quý cho hay: “Thời gian qua, có nhiều trẻ bị suy thận giai đoạn cuối dù đã được phát hiện sớm từ lúc mang thai hoặc ngay sau sinh, nhưng do chậm trễ đưa bé tới bệnh viện chuyên khoa thận nhi theo dõi và điều trị mà dẫn tới suy thận mạn rất đáng tiếc”. 

Có thể tầm soát suy thận cho trẻ tại y tế địa phương

Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Quý, việc tầm soát suy thận ở trẻ đơn giản, có thể khám tại y tế địa phương. Tuy nhiên, nhiều gia đình không đưa trẻ đi khám, tầm soát vì bệnh ít có triệu chứng rõ ràng, cho đến khi bệnh đã tiến triển, cơ hội can thiệp điều trị đã trễ, trẻ bước vào giai đoạn nặng phải chạy thận nhân tạo.

Chính vì vậy, trong giai đoạn mang thai, thai phụ nên đi khám thai định kỳ đúng theo chỉ định của bác sĩ để có thể tầm soát sớm dị dạng bẩm sinh cũng như bệnh suy thận ở trẻ. Khi trẻ chào đời, cha mẹ phải đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa nhi càng sớm càng tốt để được theo dõi, can thiệp bất thường.

Trong ăn uống hằng ngày, gia đình nên giảm lượng muối trong khẩu phần ăn của trẻ. Người nhà nên cho trẻ bổ sung các loại thực phẩm ít chất béo, ăn nhiều rau củ quả, uống đủ nước mỗi ngày kết hợp vận động phù hợp. Thường xuyên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần) để sớm phát hiện bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời.

Khi trẻ bị bệnh, người nhà tuyệt đối không tự ý mua thuốc theo triệu chứng, tránh cho trẻ uống thuốc bừa bãi. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới chức năng thải độc của thận.

Phạm An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI