Trẻ em béo phì tăng lên mức báo động trong đại dịch

02/01/2022 - 11:28

PNO - Theo một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), chỉ số khối cơ thể (BMI) của trẻ em Mỹ đã tăng gần gấp đôi trong thời gian đại dịch. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, đây là mức tăng “đáng kể và đáng báo động”.

Khi đại dịch COVID-19 khiến các trường học ở Mỹ phải đóng cửa lần đầu tiên và chuyển sang hình thức học trực tuyến, Liam Ridley, một cậu bé 12 tuổi ở De Soto (một thành phố ở quận Jefferson, bang Missouri, Mỹ) gần như ở nhà một mình mỗi ngày khi bố mẹ em đi làm. Và em nhận ra mình đã ăn vặt liên tục.

Trong đại dịch COVID-19, tỷ lệ trẻ em béo phì gia tăng
Trong đại dịch COVID-19, tỷ lệ trẻ em Mỹ béo phì gia tăng

“Nhiều lúc em rất buồn và chán khi ở nhà một mình. Lúc đó, em chẳng biết làm gì ngoài ăn”, Liam kể.

Vì không biết nấu ăn nên Liam cho biết, em thường dùng một miếng bánh nướng xốp cho bữa sáng. Sau đó, em lại tiếp tục ăn thêm một ít bánh này nữa, và uống một lon nước ngọt có gas. Những bữa ăn khác trong ngày của Liam thường là thực phẩm chế biến sẵn và đông lạnh, trong đó có cả chiếc bánh pizza đông, được hâm nóng lại. Khoai tây chiên cũng là một món ăn thường xuyên của cậu bé. “Em luôn có cảm giác thèm ăn, bất kể đó là thức ăn gì”, William nói.

Từ lâu, tỷ lệ trẻ em bị béo phì ở Mỹ đã gia tăng, nhưng trong đại dịch COVID-19, con số này lại càng tăng lên gấp nhiều lần. Theo một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), được thực hiện trên 432.000 trẻ em từ 2 đến 19 tuổi ở nước này, tốc độ gia tăng chỉ số khối cơ thể (BMI) ở nhóm này đã tăng gần gấp đôi trong thời gian đại dịch. Trẻ em đang bị thừa cân hoặc béo phì, và trẻ từ 6 đến 11 tuổi, là nhóm có mức tăng lớn nhất.

Nghiên cứu của CDC đã so sánh các hồ sơ y tế từ tháng 1/2018 đến tháng 2/2020 (giai đoạn trước đại dịch), với các hồ sơ từ tháng 3/2020 đến tháng 11/2020 .

Trước đại dịch, trẻ em ở Mỹ có cân nặng khỏe mạnh tăng trung bình 1,5kg một năm. Nhưng con số này đã tăng lên 2,5kg trong thời kỳ đại dịch. Đối với trẻ bị béo phì, mức tăng cân trung bình mỗi năm trước đại dịch là 3kg, nhưng trong đại dịch là 5,4kg.

Tính chung, tỷ lệ trẻ em và thanh thiếu niên bị béo phì ở Mỹ đã tăng 19% trước đại dịch lên 22% trong đại dịch. Tiến sĩ Alyson Goodman, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho rằng mức gia tăng này là “đáng kể và đáng báo động”.

Tiến sĩ Sandy Hassink - Giám đốc y khoa của Học viện nhi khoa Mỹ về cân nặng khỏe mạnh cho trẻ em - giải thích rằng, đại dịch đã khiến các trường học phải đóng cửa, các hoạt động có tổ chức với sự tham gia của nhiều người phải tạm ngưng, trong khi các gia đình cũng lâm vào khó khăn tài chính.

“Nhiều gia đình cho biết việc duy trì các thói quen, chẳng hạn như tổ chức các bữa ăn chính và ăn nhẹ theo lịch cố định, tham gia các hoạt động thường xuyên, ngày càng trở nên khó khăn do đại dịch, trong khi thời gian dành cho các thiết bị giải trí qua màn hình lại có xu hướng tăng lên. Kết quả là mức độ căng thẳng đã tăng lên, giấc ngủ bị xáo trộn”, tiến sĩ Hassink nói.

Béo phì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe lâu dài và chất lượng cuộc sống. Trẻ em tăng cân nhanh có thể bị xáo trộn quá trình trao đổi chất kéo dài, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, tăng huyết áp và trầm cảm. Tiến sĩ Hassink cho biết, các nghiên cứu ban đầu đã cho thấy, ngày càng có nhiều trẻ em bị béo phì ở Mỹ xuất hiện các biến chứng này.

Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng đây là một xu hướng đáng lo ngại, bởi đại dịch COVID-19 vẫn còn đang tiếp diễn, trong khi trẻ béo phì có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng nếu nhiễm virus này.

Một nghiên cứu liên bang ở Mỹ, về các trường hợp nhiễm COVID-19 ở bệnh nhân từ 18 tuổi trở xuống, cho thấy những người bị béo phì có nguy cơ nhập viện cao gấp 3 lần, và nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong cao gấp 1,5 lần, so với những người có cân nặng bình thường.

“Điều đó có nghĩa là trẻ em bị béo phì cần phải được tiếp tục điều trị. Và cần có sự hỗ trợ của các tổ chức cộng đồng, trường học, các chương trình thực phẩm, nhằm giúp các gia đình duy trì chế độ dinh dưỡng và hoạt động lành mạnh”, tiến sĩ Hassink khuyến nghị.

Nhất Nguyên (theo SLT Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI