Trẻ đòi lì xì đầu năm, bình thường hay không?

15/02/2021 - 12:00

PNO - Cuộc sống thực dụng khiến nhiều nét đẹp truyền thống bị sai hỏng, hay cách chúng ta dạy con trẻ đang có vấn đề?

Tôi đang lay hoa chuẩn bị trà nước để tiếp khách, cậu nhóc chừng 12 tuổi - con của bạn chị tôi - khều vai đòi tiền lì xì. Tôi giật mình, bất ngờ, rồi thấy khó chịu trước hành động của bé. Nhưng tôi cười cho qua chuyện, rồi tiếp tục công việc của mình.

Buổi tiếp khách ngày mùng 2 tết, lẽ ra nhiều niềm vui, nhưng khiến tôi suy nghĩ nhiều. Tôi không quá khắt khe với sự hồn nhiên, ngây thơ của trẻ nhỏ, cũng không quan niệm bị đòi tiền là kéo theo những điều không may mắn. Mà sâu xa hơn, đó là nỗi lo về văn hoá truyền thống trong thời buổi hiện tại.                                       

Tôi dùng từ khoá “lì xì” để tra cứu trên Google. Bên cạnh những điều tốt đẹp về phong tục này, trong dịp tết, cũng có không ít những câu chuyện khiến người đọc trăn trở: đứng hình khi sếp lì xì, con bĩu môi chê ít; đau đầu lì xì ngày tết: trẻ con chê ít; xấu hổ vì bị cháu chồng chê lì xì ít trước mặt họ hàng; lì xì 100.000 đồng bị chê ỏng chê eo; lì xì xong con cháu vứt toẹt bao lì xì để đếm tiền..

Chẳng biết tự bao giờ, lì xì từ một nét văn hoá truyền thống, đã trở thành nỗi ám ảnh người lớn như thế? Và nay, nỗi niềm ấy đã lan sang đến chính tôi, trong sự ngỡ ngàng.

Lì xì trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người trong dịp tết
Lì xì trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người trong dịp tết

Ký ức ngày xưa bỗng ùa về. Đêm 30, khi nhà cửa đã được trang trí tươm tất, anh em chúng tôi lại xúm xít diện những bộ đồ mới, chờ được nhận lì xì từ ba mẹ. Từ mấy ngày trước, khi thấy xấp phong bì đỏ được đặt gọn gàng ở góc tủ, đứa nào cũng nôn nao vì biết sẽ có một trong số đó thuộc về mình.

Tôi là con út nên ưu tiên nhận trước, sau đó đến chị ba, anh hai. Những phong bao được mẹ tôi dán cẩn thận. Tôi biết chắc trong đó sẽ có những tờ tiền giấy mới tinh, nhưng không biết giá trị cụ thể là bao. Chỉ đến khi làm lễ hạ cây nêu, chính thức hết tết mới được mở ra. Cũng vì thế, những chiếc bao lì xì ngày đó luôn chứa đựng sự háo hức, tò mò của một tâm hồn ngây thơ.

Trước khi nhận phong bao lì xì, anh em tôi đều tự nghĩ ra những lời chúc tụng cha mẹ. Thói quen đó vẫn còn được giữ đến hôm nay. Trong không khí bình yên của thời khắc đầu năm, cha tôi gửi lời chúc các con, và dặn dò nhiều điều cho từng đứa. 

Ông nói kỹ, lì xì là phong tục để trao gửi những điều may mắn đầu năm. Vì thế, số tiền lớn hay nhỏ, không quan trọng, bằng tấm lòng của người cho đi. Đến nhà ai dịp năm mới, trẻ con luôn phải biết chúc người lớn những điều tốt lành, còn việc có được lì xì hay không không quan trọng. Nếu có, không được mở phong bì sau khi nhận, phải chờ hết tết. Sau đó, tất cả được cho vào ống heo. 

Những điều đơn giản đó, chẳng biết từ khi nào đã trở thành một quy tắc ngầm được anh em chúng tôi “tuân thủ” khá nghiêm ngặt. Nay, những đứa trẻ trong gia đình cũng theo đó mà thực hiện. Những thói quen sống tốt không tự sinh ra, cũng không thể mất đi, nếu con người cố gắng giữ gìn. 

Lì xì là phong tục trao gửi diều may mắn đầu năm mới
Lì xì là phong tục trao gửi diều may mắn đầu năm mới, chứ không phải là những con số, giá trị

Tôi lấy vội mấy tờ tiền mới, cho vào chiếc bao lì xì để cha tôi thay mặt gia đình gửi cho cậu nhóc. Cậu bé chỉ nói được lời cảm ơn gọn lỏn, cho chiếc phong bì vào túi, và tiếp tục dán mắt vào màn hình điện thoại. 

Với tôi, số tiền đó không lớn. Vì thế tôi cũng không nỡ cắt đi một niềm vui nhỏ của trẻ ngày đầu năm. Nhưng tôi vẫn vẩn vơ nghĩ, cuộc sống hiện đại thực dụng đã khiến nhiều nét đẹp truyền thống bị sai hỏng, hay cách chúng ta dạy con trẻ hiện tại đang có vấn đề?

Muôn sự trong đời, đều do con người. Lẽ nào chúng ta không đủ cố gắng, sự kiên nhẫn để dạy trẻ, từ những điều nhỏ như thế?

Hà Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI