|
Bác sĩ Vũ Trường Nhân đang thăm khám một trường hợp nhập viện do bị són phân vì táo bón kéo dài - Ảnh: Thanh Huyền |
Són phân kéo dài, bị thủng ruột, phải cắt bỏ đại tràng
Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Trường Nhân - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết đơn vị vừa tiếp nhận một trường hợp gánh hậu quả nghiêm trọng do són phân kéo dài. Bệnh nhi là P.V.K. (4 tuổi, ngụ Tây Ninh), bị táo bón hai tuần không đi cầu, bụng chướng căng, đau bụng và sốt, được bệnh viện địa phương chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Theo lời kể của người mẹ, con chị rất ít đi cầu nhưng lúc giặt đồ cho bé, chị lại thường xuyên thấy phân dính ra quần. Sau khi thăm khám, siêu âm, các bác sĩ phát hiện phân ứ đầy trong bụng bé K. gây viêm và thủng ruột. Để cứu sống bệnh nhi, bác sĩ phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ đại tràng, làm hậu môn tạm.
Một ca khác là bé N.T.K.D. (6 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) bị phình đại tràng bẩm sinh. Đây là bệnh lý bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, sau khi mổ, bệnh nhi đối diện nguy cơ són phân rất cao. Đa số trẻ sẽ bị són phân trong vòng 2 - 3 tháng rồi hồi phục nhưng cũng có bé bắt buộc phải thực hiện việc thụt tháo phân mỗi ngày suốt đời. Không may bé D. bị són phân mạn tính, ngày nào cũng phải thụt tháo, nếu không phân sẽ ứ đầy và tràn ra hậu môn.
Dù vậy, không phải hễ trẻ bị són phân đều là do bệnh lý vùng hậu môn, đại tràng. Chẳng hạn bệnh nhi N.T.D. (5 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức, TPHCM). Mẹ bệnh nhi thường xuyên bị cô giáo phàn nàn rằng bé lớn rồi còn ị đùn. Mỗi khi giặt đồ cho con, mẹ bé đều buồn vì luôn thấy quần của con dính phân. Chị lo con mình sẽ mặc cảm khi vào lớp Một mà vẫn không tự chủ được việc đại tiện bởi lúc đó bé đã lớn, biết nhận thức và xấu hổ. Đoán rằng con mắc bệnh đường ruột, chị đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, làm các chẩn đoán cận lâm sàng và xét nghiệm cần thiết, bác sĩ kết luận chức năng hệ tiêu hóa của bé D. hoàn toàn bình thường. Mặt khác, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi bị tăng động giảm chú ý. Sau một thời gian được điều trị tâm lý, bé D. đã không còn đi cầu mất kiểm soát.
Đa phần do chế độ dinh dưỡng
|
(Ảnh minh họa) |
Theo bác sĩ Nhân, việc trẻ dưới 4 tuổi đi cầu không tự chủ (bị són phân) hoàn toàn bình thường, bởi còn nhỏ nên bé chưa kiểm soát được cơ vòng hậu môn. Trẻ từ 4 tuổi trở lên nếu vẫn còn tình trạng đi cầu són phân, 80% do nguyên nhân cơ năng (bón kéo dài gây ứ đọng phân nên phân tràn ra hậu môn). 20% còn lại là do trẻ bị bệnh lý (chấn thương vùng hậu môn, trực tràng, vùng cùng cụt) hoặc do phình đại tràng bẩm sinh.
Còn một nguyên nhân khác gây són phân ở trẻ: rối loạn tâm lý tâm thần (hay gặp ở các trường hợp tăng động giảm chú ý, tự kỷ, trầm cảm, rối loạn lo lâu). Ước tính 2 - 4% trẻ ở độ tuổi từ 2 - 4 và 1 - 2% trẻ độ tuổi trên 4 bị tình trạng són phân.
Tình trạng són phân ở trẻ còn có thể bắt nguồn từ việc trẻ sợ nhà vệ sinh dơ nên nhịn đi vệ sinh, cũng có khi do trẻ còn quá nhỏ mà cha mẹ đã tập cho tự đi vệ sinh sớm khiến bé chưa kiểm soát được cơ vòng hậu môn. Không chỉ són phân, trẻ còn có thể tè dầm. Tình trạng són phân và tè dầm thỉnh thoảng còn ghi nhận ở những trẻ bị thay đổi môi trường sống (chuyển nhà, chuyển trường) do trẻ bị căng thẳng.
Qua đó, bác sĩ Nhân khuyến cáo nếu trẻ bị bón từ 4 - 5 ngày, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra ngay vì càng để lâu thì hậu quả càng nghiêm trọng; trẻ có nguy cơ bị ứ phân gây viêm ruột, thủng, hoại tử ruột, đe dọa tính mạng. Để xác định trẻ bị són phân, bên cạnh tình trạng táo bón kéo dài, bác sĩ sẽ thăm khám đường ruột của trẻ, dùng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra xem ruột có bị tắc hay không.
Nếu nguyên nhân són phân do cơ năng xuất phát từ chế độ ăn uống, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc làm mềm phân, thuốc bổ sung chất xơ. Sau đó, trẻ chỉ cần thay đổi chế độ dinh dưỡng: không ăn đồ ăn nhanh, thịt nướng khô, hạn chế ăn chuối và uống nhiều nước có ga. Thay vào đó, trẻ cần ăn nhiều táo, lê; uống đủ nước.
Nhiều phụ huynh thấy con bị bón nhưng không dám cho trẻ bơm thuốc thụt hậu môn vì sợ làm hỏng chức năng tự đi cầu của bé, khiến trẻ bị phụ thuộc vào thuốc. Điều này không đúng. Nếu con bị táo bón, cha mẹ cứ dùng thuốc bơm hậu môn bình thường. Dung dịch này chỉ có tác dụng bôi trơn hỗ trợ trẻ đi cầu dễ dàng hơn, không ảnh hưởng tới chức năng rặn hay việc kiểm soát của cơ vòng hậu môn.
Với trẻ độ tuổi mầm non, khi sử dụng chung bồn cầu với người lớn, cha mẹ nên kê thêm một chiếc ghế nhỏ dưới chân trẻ để khi con ngồi rặn sẽ có áp lực, dễ đi cầu hơn. Cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen đi cầu vào một giờ nhất định. Thời gian tốt nhất là sau bữa ăn chính trong ngày bởi lúc này nhu động ruột hoạt động mạnh nhất. Hoạt động vui chơi, chạy nhảy, thể dục thể thao cũng giúp trẻ đi cầu dễ hơn nhờ nhu động ruột được kích hoạt.
Đối với trẻ bị són phân do rối loạn lo âu, tăng động giảm chú ý, tự kỷ, trầm cảm... khi điều trị ổn định về mặt tâm lý tâm thần, tình trạng đại tiện không kiểm soát cũng biến mất.
Khó khăn nhất là nhóm bệnh nhi són phân do chấn thương vùng đại tràng, hậu môn, cùng cụt hoặc sau can thiệp phẫu thuật phình đại tràng bẩm sinh. Đa phần các trẻ này sẽ phải thụt tháo phân làm sạch ruột mỗi ngày hoặc phẫu thuật làm hậu môn tạm chứ không thể đi cầu như bình thường.
Khi con bị són phân, đó không phải lỗi của trẻ. Phụ huynh và người lớn cần đưa trẻ đi khám để được điều trị. Bên cạnh đó, sự động viên và thái độ phản ứng của người lớn đóng vai trò rất quan trọng. Khi trẻ bị són phân mà bị thầy cô hoặc cha mẹ mắng mỏ, trẻ càng thêm hoảng sợ, tình trạng bệnh càng khó kiểm soát.
Ngoài ra, nếu xử lý không khéo, trẻ rất dễ rơi vào mặc cảm, xấu hổ, co rút lại do sợ bị bạn bè xa lánh, trêu chọc.
Các bệnh đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ - Tiêu chảy: Trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều hơn ba lần một ngày, có thể kèm theo các triệu chứng: đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, mất nước và mệt mỏi. Nguyên nhân có thể do nhiễm virus hoặc vi khuẩn. - Tả: Là bệnh vô cùng nguy hiểm, có thể lây lan thành dịch, bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ, nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân tiêu chảy ra nước màu trắng đục, nôn liên tục, đau bụng. Bệnh do vi khuẩn tả gây ra. Loại vi khuẩn này thường xuất hiện ở những nơi dơ bẩn, nguồn nước kém vệ sinh, thức ăn bị ôi thiu, chưa nấu chín hay để ruồi nhặng đậu vào. - Rối loạn tiêu hóa: Bệnh nhân bị đau bụng, đầy hơi, khó chịu. Trẻ nhỏ dễ bị rối loạn tiêu hóa do hệ thống tiêu hóa chưa hoàn thiện. Hơn nữa, sức đề kháng của trẻ yếu hơn nên dễ bị loạn khuẩn đường tiêu hóa. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý hoặc sử dụng kháng sinh cũng là nguyên nhân. - Táo bón: Trẻ đi đại tiện ít hơn bình thường, phân rắn hơn, đôi khi bị đau quặn bụng mỗi khi đại tiện, phải rặn khi đi vệ sinh, đau rát, thậm chí nứt kẽ hậu môn gây chảy máu... Bệnh thường gặp ở trẻ lười ăn rau và các thực phẩm giàu chất xơ, ít uống nước... nhưng cũng có thể gặp ở trẻ bị rối loạn chức năng đại tràng. - Tắc ruột: Khi bị tắc ruột, trẻ không đi vệ sinh được. Triệu chứng đầu tiên của trẻ thường là nôn nhiều, có thể ói ra nước mật. - Kiết lỵ: Trẻ bị kiết lỵ đi tiêu ra phân rất ít kèm theo chất nhầy và máu cùng các triệu chứng: sốt, đau bụng, luôn có cảm giác muốn đi cầu. Tình trạng này kéo dài khiến trẻ lả dần, vật vã, hôn mê rồi tử vong. |
Thanh Huyền