Trẻ dễ phản ứng tiêu cực khi bị cha mẹ bêu xấu trước đám đông

09/09/2015 - 07:08

PNO - Mắng trẻ chỗ đông người, xử phạt bằng những hình thức xúc phạm là cách giáo dục phản khoa học và ảnh hưởng đến quá trình phát triển tính cách của trẻ.

Trầm cảm vì bị mẹ mắng

Mấy ngày trước, bé Khánh Linh (15 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) phải đi tư vấn hỗ trợ tâm lý bởi bé có triệu chứng của bệnh trầm cảm. Một đứa bé tinh nghịch bỗng thay đổi tính nết đã khiến mọi người xung quanh giật mình. Quá trình điều trị tâm lý cho bé, các chuyên gia tư vấn mới phát hiện ra nguyên nhân chính làm bé trở nên như vậy là do cách giáo dục của cha mẹ gây ra.

Khánh Linh vốn là đứa trẻ năng động, tuy nhiên lại mải chơi và không chú ý đến học hành. Bởi ngày nào bố mẹ cũng đưa đón con đi học nên khi nghe cô giáo phản ánh con hay bỏ tiết, mẹ Linh về nhà chưa hỏi đầu đuôi thế nào đã mắng té tát: “Tao nai lưng ra làm nuôi mày, chỉ việc ăn với học mà mày cũng không làm nổi là sao?”. Thậm chí, mẹ Linh còn có những lời mắng nhiếc khá nặng nề như: “Đồ vô dụng”, “ăn hại”, “ngu như lợn”, “đồ bỏ đi”.

Những lời lẽ xúc phạm ấy khiến trẻ con hàng xóm tò mò chạy đến xem rất đông. Cô bé chỉ biết úp mặt vào tường im lặng trong tiếng xì xào to nhỏ của bạn bè. Nhiều lần như vậy, Linh rơi vào tình trạng trầm cảm, biếng ăn, mất ngủ, học hành giảm sút. Ra đường, cô bé chẳng dám nhìn thẳng vào ai vì ngượng. Chuyên gia cho biết, phải điều trị nhiều tháng mới thuyên giảm, nhưng vết hằn tâm lý vẫn kéo dài với cô bé.

Bực mình vì việc con lấy trộm tiền để ăn quà, lại nói dối, chị Nguyễn Thị Hòa ở Tây Hồ, Hà Nội, quát nạt con: “Mới nứt mắt đã học cái thói trộm cắp thì lớn lên chỉ có ăn cướp” và đánh cháu cho “chừa cái thói xấu”. Chị Hòa không ngờ trong khi chị dạy con thì có người lén quay clip và tung lên mạng. Xấu hổ vì nhiều người biết chuyện không hay của mình, con gái chị đã ra hiệu thuốc Tây mua thuốc ngủ về tự tử nhưng không thành.

Giáo dục con sai cách sẽ làm hại con

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý An Việt Sơn, Hà Nội) cho rằng, trong thực tế, có nhiều phụ huynh mỗi lần con làm sai việc gì, hay mắc lỗi, là mang con ra trước ngõ đánh đòn để nhiều người nhìn thấy. Khi đã quen đòn, trẻ trở lên lì hơn và chống đối. Có trẻ khi thấy cha mẹ nổi giận chẳng cần để bị lôi kéo như mọi lần liền chủ động đi ra đứng trước ngõ sẵn sàng chờ trận đòn đầy thách thức, thậm chí tìm cách tiêu cực như tự tử hoặc bỏ nhà ra đi.

Tre de phan ung tieu cuc khi bi cha me beu xau truoc dam dong
Trẻ bị tổn thương rất dễ có những hành động tiêu cực (Ảnh minh họa)

Mọi người nghĩ rằng trẻ rất sợ bị phê bình, chửi mắng, xúc phạm trước mặt nhiều người nên nếu bị “bêu xấu” trước đám đông sẽ không dám tái phạm nữa. Tuy nhiên trẻ nhỏ cũng có sĩ diện và lòng tự trọng như người lớn. Khi chúng bị người thân xúc phạm trước mặt mọi người đồng nghĩa với việc cái tôi và lòng tự trọng đó bị tổn thương.

“Sai lầm của trẻ có thể chỉ rất nhỏ, nhưng khi nhiều người biết, bình luận, thì lại thành chuyện rất lớn. Cách dạy này không những bị phản tác dụng mà còn có thể gây ra những hậu quả thương tâm. Khi bị xúc phạm trước mặt nhiều người, trẻ cảm thấy xấu hổ, cũng như bị đẩy đến đường cùng, có những hành động dại dột. Nhiều em có thể sinh tâm lý hằn học, chống đối, thậm chí là nuôi hận thù trong lòng. Hành vi này chỉ làm cho con bị mất bản lĩnh, mất tự chủ và mất lòng tin vào bố mẹ”, chuyên gia Nguyễn An Chất nói.

Theo các chuyên gia tâm lý, khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ cần kiểm soát cảm xúc để tránh nói những câu làm tổn thương con. Một khi trẻ có cảm giác rằng cha mẹ không yêu chúng, thì chúng sẽ co mình lại, hoặc nổi loạn và khó bảo hơn. Cách dạy con tốt nhất là cha mẹ tôn trọng trẻ.

Hãy dùng lời lẽ phân tích đúng sai cho trẻ thay vì la mắng, đánh đập. Khi thực hiện phạt con về điều gì cần phải giải thích cụ thể, rõ ràng nguyên nhân con bị phạt và nếu con tiếp tục phạm lỗi đó thì sẽ có hậu quả gì. Có vậy mới khiến trẻ ngoan ngoãn, tuân theo hình phạt của cha mẹ.

Ngọc Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI