Trẻ Đan Mạch và giờ học thấu cảm

05/07/2019 - 07:22

PNO - Có những cách thức giúp một người hiểu người khác nghĩ gì và cảm thấy gì, từ đó sẻ chia để cùng nhau chung sống? Đó gọi là thấu cảm và là kỹ năng có thể học. Người Đan Mạch đã dạy điều ấy cho những đứa trẻ.

“Tuần này Alfred sẽ không đến lớp vì bạn phải vào bệnh viện chữa bệnh và gia đình bạn đã chuyển thông báo này đến lớp chúng ta. Các con có muốn làm điều gì đó cho Alfred không?” - “Có ạ, chúng ta hãy cùng làm bức thiệp chúc bạn mau khỏe và gửi lời động viên bạn được không ạ?”.

Một cánh tay khác giơ lên: “Hoặc chúng ta có thể đến bệnh viện thăm bạn ạ!”, “Có thể bạn rất nhớ lớp, mình có thể gửi truyện hoặc sách cho Alfred không thưa cô, bạn ấy rất thích đọc sách”… Đây là đoạn chia sẻ ngắn trong giờ học thấu cảm của cô Caroline, một giờ học đặc trưng trong các trường học Đan Mạch.

Tre Dan Mach va gio hoc thau cam
Trẻ học về lòng thấu cảm để có thể chung sống với mọi người xung quanh và hiểu rõ về bản thân mình hơn.

Trong báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Tổ chức Liên hiệp quốc thực hiện đối với 155 quốc gia trên thế giới những năm gần đây, Đan Mạch liên tục có mặt trong nhóm ba quốc gia hạnh phúc nhất. Những người trẻ tham gia khảo sát trả lời rằng họ cảm nhận niềm hạnh phúc không phải vì sự thành công hay vị trí nào đó trong xã hội. Họ hạnh phúc vì có thể san sẻ, sống được với những người xung quanh mình.

Điều này không ngẫu nhiên mà đến. Từ năm 1870, các trường học ở Đan Mạch bắt đầu đưa chủ đề dạy về thấu cảm đến các em học sinh và đến năm 1993, giờ học này chính thức trở thành giờ học bắt buộc.

Học sinh từ 6-16 tuổi mỗi tuần sẽ có một giờ “Klassens tid” với chủ đề xoáy sâu vào việc thực hành thấu cảm cùng bạn bè. Giờ học này được thầy cô xem trọng như giờ học tiếng Anh, học toán.

Thầy cô sẽ là người đưa ra tình huống, có khi đó là tình huống có thật đang xảy ra trong lớp học, xã hội Đan Mạch hoặc một sự kiện chấn động thế giới. Tất cả cùng chia sẻ và tìm cách tốt nhất để kết nối, chia sẻ với người trong cuộc, làm sao để xoa dịu họ mà vẫn giữ cho bản thân tinh thần tích cực.

Nếu giờ học không có chủ đề nào cần thảo luận thì các em học sinh sẽ dùng thời gian ấy cho hoạt động Hygge. Hygge là một từ ngữ đặc trưng của người Đan Mạch với hàm nghĩa chỉ sự cảm nhận hạnh phúc từ những điều nhỏ bé.

Các em sẽ không phải tìm kiếm một điều gì mà chỉ cần cảm nhận sự tồn tại của những người bạn bên cạnh, được tự do tìm kiếm không gian, cho hoạt động bất kỳ trong lớp học và chú tâm thực hiện. Các em sẽ không bị ai cấm đoán, phán xét điều gì vì mỗi học sinh đều thấu hiểu người bạn mình chọn làm điều gì đó là có lý do của riêng họ.

Với cô Caroline, giờ học thấu cảm luôn là giờ học cô cảm thấy hứng thú vì không chỉ các em học sinh được chia sẻ mà chính những giáo viên như cô có thể trò chuyện với các em về những cảm xúc, trải nghiệm trong lớp học.

Cô Sandahl nói: “Một khi nhận được cảm thông và biết cách cảm thông, chúng ta không phải chịu đựng áp lực phải gồng mình lên nữa. Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh cũng như quan hệ giữa các em học sinh trở nên gắn kết hơn rất nhiều”. 

Chỉ khi nhận diện và chia sẻ được với cảm xúc của người khác, một người mới có thể xây dựng những mối quan hệ khỏe mạnh, ngăn chặn những hành vi bắt nạt, những kèn cựa xấu xí và từ đó những cá nhân phát triển bản thân, thăng tiến trên con đường mình lựa chọn. Thấu cảm chính là tố chất quan trọng đặt trong bối cảnh những giá trị, chuẩn mực đang bị đe dọa bởi có quá nhiều sự ganh đua, đố kỵ không lành mạnh.

Triết lý về sự thấu cảm không dừng lại ở việc thực hành trong một tiếng đồng hồ mà các em học sinh Đan Mạch còn được học để hiểu về sự khác biệt, từ đó có khả năng độc lập quyết định con đường của mình.

Song song với việc tiến hành giờ học thấu cảm “Klassens tid”, hệ thống trường học ở Đan Mạch khuyến khích trẻ phải tự tạo sự cạnh tranh với chính mình, nỗ lực hoàn thiện mình hơn thay vì tổ chức thi thố đua tranh giữa các em.

Vì thế rất hiếm khi thấy những cuộc thi giữa những đứa trẻ. Thách thức giúp các em phát triển chính là khuyến khích các em tìm tòi, khám phá và tạo nên những phiên bản tốt hơn của mình qua từng ngày.

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI