Chuyên mục: Tư vấn sức khỏe hậu COVID-19

Trẻ đã tiêm vắc xin phế cầu phòng viêm phổi có cần tiêm vắc xin COVID-19?

15/03/2022 - 06:13

PNO - Vắc xin phòng bệnh có tính chất đặc hiệu, ví dụ tiêm vắc xin phế cầu thì chỉ phòng được viêm phổi do vi khuẩn phế cầu, tiêm Hib chỉ phòng được viêm phổi do Hib chứ không thể phòng được viêm phổi do vi khuẩn tụ cầu, liên cầu, càng không thể phòng được viêm phổi do virus cúm, RSV, đặc biệt là SARS-CoV-2.

Trẻ đã tiêm vắc xin phế cầu phòng viêm phổi có cần tiêm vắc xin COVID-19?

Tôi có con trai gần năm tuổi rưỡi. Cách đây nửa năm tôi đã đưa con đi tiêm vắc xin phế cầu giá hơn 1 triệu đồng/mũi rồi. Tôi được giới thiệu vắc xin này có thể phòng bệnh do vi khuẩn phế cầu gây ra trong đó có viêm phổi… Virus SARS-CoV-2 cũng gây bệnh viêm phổi, vậy tới đây con tôi có cần thiết phải tiêm vắc xin COVID-19 không khi đã tiêm vắc xin phế cầu rồi?

Nguyễn Quang Anh (TP.Hà Nội)

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Phó chủ tịch Hội Hô hấp Nhi Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai - trả lời: Tại Việt Nam, hằng năm có khoảng 2,9 triệu lượt trẻ mắc viêm phổi và khoảng 4.000 trẻ tử vong vì căn bệnh nguy hiểm này. Có rất nhiều nguyên nhân do viêm phổi. Xét nghiệm Realtime PCR có thể phát hiện ra 8 loại vi khuẩn và 20 nhóm virus gây viêm phổi. Trong đó, phế cầu là loại khuẩn gây ra biến chứng viêm phổi nhiều nhất ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Ngoài ra, khuẩn phế cầu còn gây ra nhiều loại bệnh khác như viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết…

Ngoài phế cầu, trẻ bị viêm phổi còn có thể do nhiễm khuẩn Hib, khuẩn tụ cầu, màng não cầu, vi khuẩn đường ruột…

Phế cầu khuẩn (có tên tiếng Anh là Streptococcus pneumoniae) là loại vi khuẩn nguy hiểm, mỗi năm cướp đi sinh mạng của khoảng 500.000 trẻ em trên thế giới. 

Vi khuẩn này có hàng chục týp, tuy nhiên, vắc xin phế cầu hiện nay cũng chỉ chứa được từ 7 - 13 týp kháng nguyên phổ biến nhất của phế cầu khuẩn. Các vắc xin này chỉ giúp cơ thể tạo kháng thể phòng ngừa các bệnh gây ra bởi những týp phế cầu này mà thôi. Nghĩa là không phải cứ tiêm vắc xin phế cầu là phòng được tất cả các týp của khuẩn này, chưa nói đến việc tiêm vắc xin này có thể thay thế vắc xin khác phòng viêm phổi. 

Ở các nước phát triển, phần lớn trẻ nhỏ được tiêm vắc xin phế cầu. Sau một thời gian tiêm, người ta nhận thấy tỷ lệ trẻ nhỏ bị viêm phổi do loại khuẩn phế cầu này giảm xuống rõ rệt nhưng tỷ lệ mắc viêm phổi do týp phế cầu khác hoặc nguyên nhân lại tăng lên do chưa có vắc xin phòng. Tỷ lệ viêm phổi chung vì thế không giảm.

Ngoài nguyên nhân do 8 loại vi khuẩn, bệnh viêm phổi còn do 20 nhóm vrus gây ra được phát hiện qua xét nghiệm Realtime PCR. Ở trẻ nhỏ hay gặp virus RSV, virus cúm, á cúm hay virus corona trong đó có SARS-CoV-2…

Vắc xin phòng bệnh có tính chất đặc hiệu, ví dụ tiêm vắc xin phế cầu thì chỉ phòng được viêm phổi do vi khuẩn phế cầu, tiêm Hib chỉ phòng được viêm phổi do Hib chứ không thể phòng được viêm phổi do vi khuẩn tụ cầu, liên cầu, càng không thể phòng được viêm phổi do virus cúm, RSV, đặc biệt là SARS-CoV-2. Vì thế, nếu muốn phòng tất cả nguyên nhân gây viêm phổi thì cha mẹ phải tiêm hết các loại vắc xin hiện nay đang có.

Huyền Anh (ghi)

Có nên dùng thuốc bổ phổi khi mắc COVID-19?

Gia đình tôi cả bốn người đều bị nhiễm COVID-19 và đang chữa trị tại nhà. Nghe nói giai đoạn này nên uống thêm thuốc bổ phổi sẽ sớm phục hồi và cũng tốt cho phổi sau này?

Lê Thị N. (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)

Bác sĩ Đào Nguyễn Minh Châu, Trưởng khoa Hồi sức - tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, trả lời: Do hiện nay hầu hết người nhiễm COVID-19 đã được tiêm vắc xin nên đa phần có triệu chứng nhẹ. Song, tâm lý nhiều người vẫn khá lo ngại, nhất là sợ di chứng về phổi. Từ đó, họ mua các loại thuốc, thực phẩm chức năng bổ phổi sử dụng theo lời “mách bảo, truyền miệng” để tránh các tổn thương ở phổi do COVID-19. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý sử dụng các loại thực phẩm chức năng bổ phổi này. Bởi các khuyến cáo chính thức của Bộ Y tế hay các hội, ngành y khoa trên thế giới không hề có mục này.

Nhiều người nghĩ và tin vào các loại thuốc bổ phổi mà bỏ qua các loại thuốc điều trị F0 theo phác đồ có thể gây ra tổn thương phổi nặng hơn. Hiện chúng tôi chưa ghi nhận các trường hợp biến chứng của việc sử dụng thuốc bổ phổi khi mắc COVID-19 vì bệnh này còn khá mới. Nhưng thực tế, chúng tôi đã ghi nhận rất nhiều ca bị tổn thương phổi vì lạm dụng thuốc bổ phổi ở những căn bệnh khác. 

Bất cứ loại thuốc điều trị nào, các nhà sản xuất đều đưa ra tác dụng và tác hại cụ thể. Thế nhưng các loại thuốc bổ hay thực phẩm chức năng thường chỉ đề cập, thậm chí thổi phồng mặt lợi mà bỏ qua mặt hại nên người dân thường ngộ nhận. Vì thế, người bệnh không nên sử dụng thuốc điều trị hay hỗ trợ F0 ngoài phác đồ của Bộ Y tế. Trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào cần hỏi ý kiến của bác sĩ, không nên nghe theo quảng cáo để tự uống thuốc vì dễ “lợi bất cập hại”.

Gia Huy (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI