Chuyên mục: Tư vấn sức khỏe hậu COVID-19

Trẻ đã khỏi COVID-19 nhưng lại mắc táo bón

08/12/2021 - 06:39

PNO - Táo bón không phải là triệu chứng của hậu COVID-19 mà do tác động của môi trường sống, sinh hoạt và ăn uống trong quá trình nhiễm bệnh kéo dài sau.

Sau khi cả gia đình tôi điều trị COVID-19 ở khu cách ly về nhà, hai trẻ nhỏ (10 tuổi và 8 tuổi) có triệu chứng táo bón kéo dài cả tháng nay. Có khi cả tuần, bé mới đi đại tiện một lần khiến cho bé cáu gắt, khó chịu. Chúng tôi nên làm gì để các cháu cải thiện tình trạng này?

Nguyễn Thị Thu Hương (Q.Gò Vấp, TPHCM)

Tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1, trả lời: Sau khi mắc COVID-19, một số trẻ lẫn người lớn bị táo bón là do những tác động gián tiếp (thứ phát) gây nên. Táo bón không phải là triệu chứng của hậu COVID-19 mà do tác động của môi trường sống, sinh hoạt và ăn uống trong quá trình nhiễm bệnh kéo dài sau. 

Những triệu chứng thứ phát của táo bón kéo dài sau điều trị là do khi nhiễm COVID-19 trẻ bị mệt mỏi, lừ đừ, thiếu hoạt động thể chất, có thể dẫn đến tình trạng được gọi là “táo bón cách ly”. Khi ngừng vận động hoặc giảm hoạt động, ruột sẽ không đẩy phân di chuyển một cách hiệu quả. Thời gian nằm và ngồi trong nhà hay khu cách ly nhiều hơn cũng có thể chèn ép ruột kết, góp phần gây ra táo bón. Đặc biệt, khi bị sốt, bé không uống nước đầy đủ, lười ăn, ăn cháo ít, uống sữa nhiều và ăn thiếu chất xơ cũng gây ra tình trạng táo bón. Đồng thời, tình trạng căng thẳng, lo âu gia tăng khi mắc bệnh cũng có thể làm tăng tình trạng táo bón ở trẻ bị hội chứng ruột kích thích.

Táo bón lâu ngày sẽ không tốt cho hoạt động thể chất và tinh thần. Do đó, phụ huynh cần cho trẻ uống đủ nước và uống nhiều lần trong ngày với nước cam, chanh và các loại nước trái cây khác góp phần làm mềm phân, đi tiêu dễ dàng. Bổ sung nhiều chất xơ bằng cách ăn nhiều trái cây và rau, củ, quả tạo khối phân, làm tăng khả năng hoạt động của nhu động ruột và hỗ trợ đào thải độc tố cho cơ thể, tránh táo bón cho trẻ. Hạn chế cho trẻ ăn các thức ăn nhanh, chiên, xào, thức ăn chứa nhiều tinh bột… 

Cả gia đình có thể giảm căng thẳng bằng cách ra công viên vận động, hát hò nhiều hơn giúp giảm tình trạng táo bón. Nếu sau khi đã thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt mà không cải thiện, cần đi khám bác sĩ để được hướng dẫn điều trị. 

Hoàng Nhung (ghi)

Bạn đọc có thể thông tin những vấn đề hậu COVID-19 mình đang mắc phải qua đường dây khẩn của Báo Phụ Nữ TP.HCM: 0966.18.27.27, 0913.15.93.15; hoặc gửi câu hỏi qua email: toasoan@baophunu.org.vn để được tư vấn.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI