Trẻ có thói quen xấu từ những chuyện nhỏ

24/12/2017 - 12:57

PNO - Nếu không được giáo dưỡng, vun bồi từ nhỏ, trẻ sẽ không biết chia sẻ, cảm thông với người khác, không có sự sâu sắc, tinh tế trong ứng xử và gặp khó khăn trong giao tiếp.

Thấy dì út đến nhà, bé An, 6 tuổi, chạy vội ra khoanh tay chào. Dì cười hài lòng, nhưng chưa kịp mở lời khen thì bé đã nhào tới giật túi xách của dì, lục lạo. Không tìm thấy bánh hay đồ chơi, An bặm môi thất vọng rồi quẳng túi xách trả cho dì.

Tưởng chỉ có vậy, ai dè nhóc con lại sà vào lòng dì nài nỉ, mè nheo và chẳng ngại “mò” túi quần dì lấy điện thoại chơi game. Dì út lâu lâu ghé chơi nên chiều hết ý. Không nhắc nhở con đã đành, ba mẹ An chứng kiến cảnh đó cũng chỉ cười: “con nít mà”. Người nào góp ý việc An giả đò thưa gửi ngoan ngoãn nhưng mục đích là để dễ dàng phá phách, ba mẹ bé thường tỏ ra không vui: “Con nít thì đứa nào chẳng phá. Bắt nó ngồi yên để tự kỷ à? Người lớn thì phải thông cảm, chấp nhất trẻ con làm gì”.

Tre co thoi quen xau tu nhung chuyen nho
Ảnh minh họa

Nhiều đứa trẻ khác, như bé Trọng lại được dạy một “bài học vỡ lòng” rất lạ đời: sẽ được thưởng nếu làm theo ý của người lớn. Trọng biết “ạ” bà, bà thưởng 10.000 đồng mua kẹo”, Trọng ăn ngoan, ông rộng rãi cho 100.000 đồng đi mua đồ chơi điện tử…

Vì thế, ai muốn Trọng ngoan thì phải chuẩn bị tiền thưởng. Ngày nọ, sếp của ba Trọng tới chơi nhà. Ba mẹ gọi em ra chào. Sau câu chào là cái xòe tay, Trọng hỏi gắt “tiền đâu?”. Ba mẹ em được phen “muối mặt”. Nghiêm trọng hơn là bây giờ họ không biết phải uốn nắn con mình thế nào.

Làm sao để trẻ hiểu việc chào hỏi, thưa gửi là lễ phép, lịch sự, nên làm, mà không vì mục đích nào khác. Biết chào hỏi người lớn không chỉ để được khen, được thưởng mà để trẻ học cách ứng xử, giao tiếp một cách văn minh.

Một chuyện nhỏ khác là ứng xử với… tủ lạnh. Nhà nào cũng có tủ lạnh, nhưng không phải cha mẹ nào cũng dạy con cách sử dụng thế nào cho đúng. Con muốn ăn uống gì cứ mở tủ, mặc sức chọn lựa, chẳng cần để ý xem món ấy cần dùng cho việc gì, có để dành cho ai không.

Người lớn cần dạy trẻ cách sử dụng đúng với thức ăn và trong mối quan hệ với người khác để con hình thành nhận thức, cách ứng xử văn hóa. Trẻ phải biết hỏi trước khi lấy món nào đó trong tủ lạnh. Đừng để bé tự nhiên lục tủ, lựa món ngon ăn cho “đã thèm”, món không thích thì vứt bừa cho người khác.

Có những chuyện nhỏ trong ứng xử hằng ngày nhưng nếu cha mẹ không lưu tâm dạy dỗ, lâu ngày sẽ hình thành thói quen không tốt cho trẻ. Khi ấy, chúng ta sẽ phải mất nhiều thời gian, công sức để uốn nắn, sửa chữa. Nếu không được giáo dưỡng, vun bồi từ nhỏ, trẻ sẽ không biết chia sẻ, cảm thông với người khác, không có sự sâu sắc, tinh tế trong ứng xử và gặp khó khăn trong giao tiếp. 

 Huỳnh Cam 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI