Trẻ có thể không được tiêm vắc xin nếu trường chưa hoàn thành nhập liệu trước tiêm

24/03/2022 - 19:28

PNO - Các cơ sở giáo dục đã được cấp mã tài khoản để nhập mã số định danh của học sinh, phục vụ công tác tiêm chủng tới đây. Nguyên tắc là có thông tin nhập liệu trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi mới được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Có mã số định danh, được nhập liệu mới được tiêm vắc xin

Điểm mới của chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại TP.HCM lần này là ngành GD-ĐT thực hiện nhập liệu trước và sau tiêm. Hiện nay, các cơ sở giáo dục đã được cấp mã tài khoản để tiến hành nhập liệu mã số định danh của học sinh, phục vụ công tác tiêm chủng tới đây. Theo yêu cầu của Sở GD-ĐT TP, công tác tiêm chủng phải hoàn thành trước ngày 25/3. 

Ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, ngành GD-ĐT sẽ chịu trách nhiệm về công tác nhập liệu trước và sau tiêm trong chiến dịch tiêm chủng lần này. Về nguyên tắc, học sinh được nhập liệu, có mã số định danh mới được tiêm vắc xin.

Về nguyên tắc trẻ có mã số định danh, được nhập liệu mới được tiêm vắc xin
Về nguyên tắc trẻ có mã số định danh, được nhập liệu mới được tiêm vắc xin

Từ ngày 11/3, 22 quận huyện và TP.Thủ Đức đã được cấp tài khoản phục vụ nhập liệu. Chỉ có 4 đơn vị chưa được cung cấp tài khoản do gặp sai sót trong thông tin.

“Các trường cần lưu ý về tiến độ nhập liệu trước tiêm. Tránh tình trạng khi tổ chức tiêm rồi mà chưa có cơ sở dữ liệu, gây khó khăn cho công tác tiêm chủng và học sinh có thể không được tiêm”, ông Trọng lưu ý. 

Mỗi trường sẽ là một điểm tiêm

Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Trịnh Duy Trọng lưu ý, đối tượng tiêm lần này là trẻ nhỏ, dưới 12 tuổi. Do vậy, công tác tổ chức tiêm phải kỹ lưỡng, chu đáo, cẩn trọng, yêu cầu cao hơn nhiều khi tổ chức tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ.

Việc thành lập điểm tiêm, ngành GD-ĐT và ngành y tế đã thống nhất, tham mưu với UBND TP mỗi trường sẽ là một điểm tiêm cho học sinh trường mình. Trường hợp bất khả kháng không thể tổ chức điểm tiêm tại trường thì học sinh mới tiêm ở điểm tiêm khác.

“Trong kế hoạch tổ chức tiêm, nhà trường phải có phân công rõ ràng, huy động tổng lực toàn trường cùng tham gia. Trường hợp học sinh trường mình phải chuyển sang tiêm tại trường khác thì nhà trường cũng phải huy động đội ngũ trường mình, phối hợp với trường bạn để tổ chức tiêm an toàn nhất cho trẻ”, ông Trọng lưu ý. 

Trường học không lơ là hình thành học sinh kỹ năng phòng dịch
Trường học không lơ là hình thành học sinh kỹ năng phòng dịch

Ngoài ra, theo ông Trịnh Duy Trọng, vẫn còn bộ phận nhất định phụ huynh chưa đồng thuận cho trẻ tiêm vắc xin. Nhà trường cần tiếp tục truyền thông đến phụ huynh lợi ích của việc tiêm vắc xin, giải pháp đảm bảo an toàn trong dịch để nâng cao hơn nữa tỷ lệ đồng thuận. Thông tin thêm phản ứng sau tiêm để phụ huynh an tâm, phối hợp với y tế chăm lo cho các em tốt nhất.

Không lơ là hình thành kỹ năng phòng dịch cho học sinh

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TPHCM, hiện nay trẻ tiểu học là đối tượng đi học trực tiếp đông nhất trên địa bàn thành phố. Đây cũng là bậc học có số ca nhiễm cao nhất. Trong khi đó, các em còn nhỏ, kỹ năng phòng dịch chưa bằng các khối lớp lớn. 

Ông Trịnh Duy Trọng- Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, khi tổ chức biện pháp phòng, chống dịch, nhà trường không nên lơ là việc hình thành cho học sinh thói quen phòng dịch. Cần chú trọng hướng dẫn học sinh thực hiện theo đúng hướng dẫn của ngành y tế khâu khử khuẩn, khẩu trang, giữ khoảng cách trong những lúc không đeo khẩu trang như ăn trưa, ngủ bán trú.

Tấn Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI