Trẻ cô đơn trong nhà

12/08/2016 - 16:27

PNO - Những đứa trẻ được ông bà yêu thương, có anh chị em chơi cùng vẫn thấy buồn chán, lạc lõng, bơ vơ dù đang sống trong gia đình có điều kiện kinh tế, sở hữu những món đồ chơi mình thích...

Gửi cháu cho bà

Buổi họp lớp, bạn bè ai cũng ngạc nhiên khi thấy Trâm thảnh thơi đến dự, lại đầm hoa, giày cao gót, trang điểm cẩn thận như một cô nàng son rỗi. Vẻ ngoài của Trâm trái ngược hoàn toàn với sự đơn giản của những cô bạn khác. Càng khác hơn là ai cũng dắt con theo để “tụi nhỏ giao lưu” như lời hẹn ban đầu, chỉ mình Trâm thì không. Có bạn hỏi sao không dẫn con theo, Trâm cười mỉm, vẻ tự hào: “Tụi nó ở nhà với bà nội”. Thấy mọi người tròn mắt ngưỡng mộ, Trâm kể thêm: "Hai đứa nhỏ từ lúc mới sinh đều do một tay bà nội chăm. Mến cháu, bà luôn sẵn lòng giữ tụi nhỏ cả ngày; Trâm thoải mái lo việc riêng, tối mới đón con về ngủ. Hôm nào xong việc trễ quá thì khỏi đón cũng được, tụi nhỏ ngủ luôn với bà nội".

Có bạn xuýt xoa khen Trâm “số sướng” nhưng cũng có người không đồng tình: “Bạn giao khoán con cho bà nội không sợ tụi nhỏ nhớ mẹ hả?”. Trâm bĩu môi: “Nhớ gì mà nhớ, tối mình đón về ngủ chứ có bỏ luôn đâu. Cuối tuần mình còn chở tụi nhỏ đi chơi, đi ăn uống bù lại”. Cô bạn vừa hỏi nghe vậy, ngao ngán lắc đầu. Tuy không dự vào câu chuyện nhưng tôi phần nào hiểu được sự chán chường của người bạn đó dành cho Trâm. Bởi, gia đình tôi cũng đang ở tình trạng tương tự.

Tre co don trong nha
Ảnh mang tính minh họa

Ở nhà cũng... bỏ mặc con

Lấy cớ đi làm, mới 7 giờ sáng, em dâu tôi đã vội ra khỏi nhà, để lại lời dặn: “Em mua cháo sẵn cho cu Tin rồi. Khi nào cháu thức chị nói mẹ cho cháu ăn giúp em”. Rồi em dâu đi biệt đến 6-7 giờ tối, về đến nhà chỉ hỏi “con đã ăn chưa, đã tắm chưa”, sau đó cắm mặt vào laptop cho đến khi đi ngủ. Những ngày cuối tuần, tuy có mẹ ở nhà nhưng tôi thấy thằng bé vẫn lẵng nhẵng sau lưng bà nội vì mẹ nó mê mải lướt facebook, chăm chú vào những clip hài. Vài lần, tôi giật thót khi nghe tiếng em dâu quát nạt con. Cứ tưởng cháu té ngã hay làm đổ vỡ gì đó nên bị la, không ngờ chỉ vì thằng bé nằng nặc đòi mở phim hoạt hình trên điện thoại trong khi mẹ đang say sưa chat với bạn. Bị mẹ xua đuổi, thằng bé khóc tức tưởi, chạy đi kiếm bà nội.

Ưu tiên cho con nhỏ

Có lẽ đáng thương nhất là bé Vy ở cạnh nhà tôi. Bé là chị hai, mẹ sinh em bé lúc bé chuẩn bị vào lớp 1. Vì vậy, không như các bạn khác được ba mẹ chăm chút, Vy gần như phải tự làm mọi thứ cho mình vì mẹ phải lo cho em. Mỗi sáng, Vy đi qua quán hủ tí u gần nhà, ăn xong thì về thay đồng phục, ông ngoại chở đi học. Chiều ông ngoại đón về. Tối Vy tự làm bài tập cô cho trên lớp. Lúc nào đi ngang nhà tôi cũng thấy Vy lặng lẽ chơi búp bê một mình vì em bé đang ngủ, mẹ không cho Vy chạy chơi ồn ào.

Không gì thay thế được cha mẹ

Sau buổi họp lớp, có lần tôi ghé nhà Trâm chơi. Lúc đang nói chuyện, tôi thấy hai con trai của Trâm thu xếp đồ vào túi du lịch. Tôi hỏi, cả nhà sắp đi chơi cuối tuần hay sao mà chuẩn bị đồ nhiều thế. Trâm cười, chỉ là chuẩn bị đi qua nhà nội. Hai đứa nhỏ mặt buồn xo, ôm mẹ năn nỉ: “Cuối tuần này mẹ cho con ngủ ở nhà đi, con hứa không quậy làm mẹ mệt”. Trâm hôn lên má con, nhẹ nhàng nhưng cương quyết: “Mai mẹ đi công tác hai ngày rồi, ở nhà đâu có ai trông con. Hai đứa chịu khó ngủ với nội tuần này đi, cuối tháng mẹ cho đi Vũng Tàu bù”. Nhìn con Trâm, tôi lại nhớ cháu mình. Dù được mẹ sắm cho cái máy tính bảng nhưng bé vẫn cứ thèm được chơi cùng mẹ. Hễ mẹ đi thì thôi, có mẹ ở nhà là thằng bé lại ôm máy ngồi cạnh mẹ, thi thoảng lại nhờ mẹ chơi giùm trò này, trò kia rồi cười hăng hắc.

Có lần, ông ngoại bé Vy sang nhà tôi nhờ trông giúp Vy một lát vì ông phải chở mẹ và em trai Vy đi khám bệnh. Thấy mặt Vy buồn buồn, tôi gợi hỏi nhưng Vy chỉ hờ hững. Lát sau, thấy Vy lấy tập ra viết bài, tôi lại gần xem và phát hiện có mùi ôi thiu bốc lên từ cặp của Vy. Mở ra xem, tôi thấy một trái chuối thâm đen, mềm nhũn, một viên kẹo đã bóc vỏ dính cứng trong đó từ lúc nào.

Kể chuyện này cho mẹ Vy, chị thở dài tự trách bản thân. Thằng nhỏ thức đêm, khóc hoài nên ban ngày chị chẳng còn sức đâu quan tâm đến Vy. Gần đây thấy Vy ít nói chuyện, chị chỉ nghĩ do con gái chưa quen việc học ở lớp 1; không nghĩ là con gái quá đa cảm, mới sáu tuổi đã biết buồn khi mẹ ít quan tâm đến mình. Chị nói, chị đã cố gắ ng bù đắp bằng đồ chơi, quần áo đẹp nhưng hình như Vy cũng thờ ơ.

Về vật chất, trẻ con ngày nay sung sướng hơn trẻ con ngày xưa rất nhiều, nhưng không vì thế mà trẻ hạnh phúc hơn. Khi được hỏi thích ôm mẹ hơn hay ôm máy tính bảng hơn, cháu tôi đã không ngần ngại bỏ ngay máy tính bảng, chạy đến ôm mẹ. Người lớn vẫn luôn viện lý do công việc để từ chối vài phút ngắn ngủi dành cho con mà không biết, chỉ cần vài phút ấy là con trẻ có thể hạnh phúc hơn rất nhiều.

Bút Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI