Trẻ bú bình nhựa có thể nuốt gần 2 triệu hạt vi nhựa mỗi ngày

22/10/2020 - 08:33

PNO - Trẻ sơ sinh có thể nuốt khoảng 1,6 triệu hạt vi nhựa mỗi ngày trong năm đầu đời, nếu được cho bú bằng bình nhựa.

 


Trên đây là kết quả do một nhóm nghiên cứu thuộc Trường Hóa học, Đại học Trinity Dublin (Ireland), công bố trên tạp chí Nature Food số tháng 10 năm 2020.

Nghiên cứu từ Trường Hóa học Trinity Dublin đã khởi đầu sau một phát hiện… tình cờ, khi một nhà nghiên cứu nhận thấy các bộ lọc do họ phát triển cứ liên tục bị nghẽn vì các hạt vi nhựa. Các hạt ấy bắt nguồn từ những thiết bị bằng nhựa polypropylene trong phòng thí nghiệm.

Các nhà khoa học đã thử nghiệm giải phóng hạt vi nhựa trong 10 loại bình sữa cho trẻ sơ sinh - đại diện cho phần lớn các loại bình bú bằng nhựa được tìm thấy trên thị trường trực tuyến toàn cầu. Đó là các loại bình bú được làm bằng nhựa polypropylene, hoặc bao gồm các phụ kiện làm từ olypropylene.

Dựa theo các hướng dẫn tiệt trùng quốc tế đối với bình nhựa và pha sữa công thức do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị, họ đã khử trùng các bình sữa ở nhiệt độ 95 độ C, sau đó rót sữa bột công thức đã pha với nước nóng 70 độ C vô các bình ấy.

Cả nước nóng và các bước lắc bình đều giải phóng rất nhiều hạt vi nhựa – có kích thước nano, nhỏ hơn nhiều so với chiều rộng của sợi tóc người. Nghiên cứu cho thấy sự giải phóng hạt vi nhựa dao động từ 1,3 đến 16,2 triệu hạt trong mỗi lít chất lỏng giữa các bình bú.

Thử nghiệm cho thấy các bình bú bằng nhựa tiếp tục giải phóng hạt vi nhựa trong thời gian thử nghiệm 21 ngày. Việc giải phóng vi nhựa thay đổi tuỳ theo các yếu tố khác nhau. Chẳng hạn, nhiệt độ của nước và chất lỏng có quan hệ chặt chẽ với sự giải phóng hạt vi nhựa, chất lỏng càng ấm hơn sẽ dẫn tới việc giải phóng vi nhựa nhiều hơn.

Các thử nghiệm sơ bộ của nhóm nghiên cứu cũng đã phát hiện thấy một số loại ấm đun nước, cùng các loại hộp nhựa đựng thực phẩm cũng thải ra hàng triệu hạt vi nhựa trên một lít chất lỏng.

Mô hình phơi nhiễm với hạt vi nhựa thay đổi theo khu vực: trẻ sơ sinh ở châu Phi và châu Á có khả năng phơi nhiễm thấp nhất, trong khi trẻ sơ sinh ở châu Đại dương, Bắc Mỹ và châu Âu có khả năng phơi nhiễm cao nhất. Cụ thể, trẻ sơ sinh ở Hoa Kỳ, Úc và các nước châu Âu hàng ngày có thể nuốt hơn 2 triệu hạt vi nhựa, do mức độ bú bình cao hơn ở các nơi khác.

Đối với trẻ sơ sinh, nhóm nghiên cứu ở Trinity Dublin đã đưa ra các hướng dẫn khử trùng phù hợp, giúp làm giảm nguy cơ tiếp xúc của các bé với hạt vi nhựa. 

Họ đề xuất một bước bổ sung, giúp hạn chế việc thải ra vi nhựa trong quá trình chuẩn bị sữa công thức thông thường. Theo họ, cần đun sôi nước trong loại bình không nhựa, để nguội nước trước khi dùng nước đó để tráng bình bú ba lần sau khi tiệt trùng. Sữa công thức cũng cần được pha trong hộp không nhựa, sau đó để nguội và đổ vào bình sạch.

Nhựt Minh (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI