Trẻ biến chứng tay chân miệng do phụ huynh 9x thiếu kinh nghiệm

25/04/2025 - 13:13

PNO - Đa số cha mẹ 9x lần đầu làm cha mẹ nên khó tránh khỏi việc thiếu kinh nghiệm nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng.

Sự chủ quan hoặc nhầm lẫn với những biểu hiện sinh lý thông thường có thể khiến trẻ không được phát hiện và điều trị tay chân miệng kịp thời, thậm chí gây ra biến chứng nghiêm trọng.

Các sai lầm thường gặp

Giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Sáu và từ tháng Chín đến tháng Mười hai hằng năm thường là mùa cao điểm của bệnh tay chân miệng. Hiện tại, số ca mắc tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng mạnh và dự kiến sẽ đạt đỉnh trong thời gian tới.

Tại Khoa Nhiễm - Thần kinh của Bệnh viện Nhi Đồng 1, hiện đang có hơn 20 trẻ phải nhập viện để theo dõi các biến chứng của bệnh. Thống kê từ phòng khám của bệnh viện cũng ghi nhận ít nhất 20 trường hợp trẻ được chẩn đoán mắc tay chân miệng mỗi ngày.

Trong quá trình khám và điều trị cho các bệnh nhi tay chân miệng, bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 - nhận thấy rằng, các bậc cha mẹ thuộc thế hệ 9x thường là những người mới có con lần đầu, còn thiếu kinh nghiệm trong việc nhận biết bệnh tay chân miệng. Điều này dẫn đến dấu hiệu sớm của bệnh ở trẻ dễ bị bỏ qua và phát hiện muộn.

Điển hình như trường hợp của bé N.H.H. 18 tháng tuổi, trú tại quận 10. Ban đầu, bé xuất hiện mụn nước ở vùng mông, nhưng cha mẹ lại lầm tưởng là hăm tã. Thay vì theo dõi các dấu hiệu của tay chân miệng, cặp vợ chồng trẻ đã gọi điện về quê để hỏi kinh nghiệm chăm sóc trẻ bị hăm tã từ bà ngoại, và làm theo hướng dẫn tắm lá trà xanh cho con.

Chỉ đến khi bé sốt cao 39 - 400C kèm theo co giật, cha mẹ mới hốt hoảng đưa bé đi cấp cứu. Lúc này, trẻ đã bước vào giai đoạn đầu của biến chứng do bệnh tay chân miệng.

Sốt cao không đáp ứng hạ sốt là dấu hiệu gợi ý của bệnh tay chân miệng (ảnh shutterstock)
Sốt cao không đáp ứng hạ sốt là dấu hiệu gợi ý của bệnh tay chân miệng - Ảnh: Shutterstock

Một trường hợp khác là bé P.T.S. 24 tháng tuổi, ngụ tại quận 11. Sau khi đi nhà trẻ về có biểu hiện sốt và chảy nước miếng, cha mẹ của bé S. đã tham khảo ý kiến ông bà nội và cho rằng con đang mọc răng. Đến khi bé được đưa đến bệnh viện khám thì đã xuất hiện các biến chứng thần kinh.

Tương tự, trường hợp bé T. X. 3 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, mắc tay chân miệng nhưng mẹ lại nghĩ con bị nhiệt miệng. Người mẹ tự ý mua thuốc bôi nhiệt có tác dụng gây tê để giảm đau cho bé. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc tê bôi lên các vết loét là chống chỉ định đối với trẻ nhỏ.

Nguy hiểm hơn, khi trẻ sốt cao và co giật, thay vì nhận ra đây là dấu hiệu cảnh báo cần đưa bé đi cấp cứu ngay, một số phụ huynh lại cho rằng con bị thiếu canxi. Lẽ ra, trẻ cần được đưa đến bệnh viện trong đêm, nhưng cha mẹ lại trì hoãn đến sáng, khiến tình trạng của trẻ trở nên nghiêm trọng.

Nhận biết kịp thời để đưa trẻ đến bệnh viện

Qua đó, bác sĩ Dư Tuấn Quy lưu ý, bệnh tay chân miệng lây lan qua đường miệng và đường tiêu hóa. Cụ thể, bệnh có thể lây trực tiếp khi trẻ tiếp xúc với trẻ đã mắc bệnh. Bên cạnh đó, bệnh còn lây gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng bị nhiễm vi rút tay chân miệng, hoặc do người chăm sóc trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh mà không vệ sinh tay sạch sẽ.

Ngay cả người lớn cũng có thể là người lành mang trùng (chiếm khoảng 10%). Nếu không vệ sinh cá nhân kỹ lưỡng sau khi ra ngoài về (rửa tay, tắm rửa, thay quần áo) mà đã ôm hôn trẻ, nguy cơ lây bệnh là rất cao.

Các dấu hiệu nhận biết của bệnh tay chân miệng khá đặc trưng, bao gồm phát ban dạng mụn nước ở các vị trí như lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, khuỷu tay và các vết loét trong miệng. Tuy nhiên, cũng có những triệu chứng kín đáo hơn mà phụ huynh cần đặc biệt lưu ý, đó là mụn nước có thể xuất hiện ở rìa các ngón tay, ngón chân.

Trẻ mắc tay chân miệng cần được cách ly tại nhà trong vòng 7 ngày. Việc cách ly không cần quá nghiêm ngặt, chỉ cần người chăm sóc đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn kỹ lưỡng sau khi tiếp xúc với trẻ bệnh, trước khi chăm sóc những trẻ khác trong gia đình để tránh lây lan.

Bên cạnh sốt cao, trẻ đeo bám bố mẹ không rời, giật mình thảng thốt cũng là dấu hiệu bệnh tay chân miệng biến chứng (ảnh shutterstock)
Bên cạnh sốt cao, trẻ đeo bám cha mẹ không rời, giật mình thảng thốt cũng là dấu hiệu bệnh tay chân miệng biến chứng - Ảnh: Shutterstock

Biến chứng của bệnh tay chân miệng là một vấn đề mà các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu tâm. Trước khi bệnh trở nặng, thường sẽ có 2 dấu hiệu đáng chú ý.

Thứ nhất là trẻ sốt cao liên tục, không hạ dù đã dùng thuốc hạ sốt. Thứ hai là trẻ bị giật mình, chới với. Khi trẻ bắt đầu giấc ngủ, có thể xuất hiện tình trạng giật mình, chân tay khua khoắng, chới với rồi lại ngủ tiếp. Hoặc trẻ quấy khóc, bám chặt cha mẹ và hoảng sợ khi rời xa.

Ngoài ra, còn có các biểu hiện khác như trẻ nôn ói nhiều lần, tự nhiên ngồi không vững, đi loạng choạng, tay run khi cầm nắm đồ chơi, hoặc thở nhanh. Đây đều là những dấu hiệu nguy hiểm, phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan.

Trong diễn tiến của bệnh tay chân miệng, bỏ lỡ "giờ vàng" điều trị có thể dẫn đến các biến chứng như viêm não, sau đó là các biến chứng lên thần kinh, tim mạch, phù phổi cấp và thậm chí là tử vong. Đã có những trường hợp trẻ dù được cứu sống, nhưng vẫn phải sống thực vật.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI