Trẻ bị xuất huyết tiêu hóa ngày càng tăng

12/08/2024 - 06:12

PNO - Xuất huyết đường tiêu hóa lâu nay thường được “mặc định” là căn bệnh của người lớn, người nghiện rượu bia… Thế nhưng hiện bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa ngày càng “trẻ hóa”, trong đó có những học sinh từ 7-16 tuổi.

Choáng ngất vì xuất huyết tiêu hóa

Thường xuyên mệt mỏi, cơ thể yếu ớt kèm theo những cơn đau bụng vật vã, hồi cuối năm 2023, em N.T.H. (sinh năm 2015, tỉnh Quảng Ninh) phải nhập viện thăm khám. Kết quả cho thấy, H. bị thiếu máu nặng, loét hành tá tràng, dương tính với vi khuẩn helicobacter pylori (HP).

Sau 2 tháng, em ổn định nên ngừng điều trị. Tuy nhiên, mới đây, H. lại có triệu chứng đáng lo hơn. Cô bé thường xuyên hoa mắt, chóng mặt, da dẻ xanh xao, cơ thể gầy gò. Mới đây, bệnh nhân còn choáng ngất khiến gia đình hốt hoảng đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy.

Bệnh nhi xuất huyết đường tiêu hóa điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy - Ảnh do bệnh viện cung cấp
Bệnh nhi xuất huyết đường tiêu hóa điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy - Ảnh do bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền - Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bãi Cháy) - cho hay, qua khám lâm sàng, trẻ có triệu chứng thiếu máu rõ như da xanh, niêm mạc nhợt. Nội soi dạ dày cấp cứu cho thấy ổ loét mặt trước hành tá tràng có kích thước 8mm, bờ xung huyết đỏ…

Ngay lập tức, các bác sĩ đã truyền 2 đơn vị hồng cầu cho trẻ và kẹp xử lý ổ loét, đốt điểm mạch cầm máu đường tiêu hóa. Đáng lưu ý, đây chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân từ 7-15 tuổi bị xuất huyết đường tiêu hóa mà Bệnh viện Bãi Cháy liên tiếp nhận thời gian qua.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) - cũng cảnh báo hàng loạt ca bệnh từ 10-16 tuổi vừa nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa nặng. Điển hình như trường hợp của nam sinh 16 tuổi, ở tỉnh Ninh Bình nhập viện trong tình trạng chóng mặt, buồn nôn và đi ngoài phân đen, kèm đau bụng.

Kết quả kiểm tra cho thấy, bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa do loét hành tá tràng, có nhiễm vi khuẩn HP. Trước đó 3 tháng, nam sinh này cũng đã nhập viện tại địa phương với biểu hiện tương tự.

Theo các chuyên gia, xuất huyết dạ dày thường được nghĩ tới là căn bệnh của người lớn, người hay uống rượu bia. Tuy nhiên, bệnh nhân đã ngày càng “trẻ hóa”, tập trung ở trẻ từ 7-16 tuổi. Nhiều phụ huynh chủ quan khi thấy trẻ đau bụng, chỉ nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa, ăn uống không phù hợp… Do đó, khi trẻ có biểu hiện nặng như đau bụng dữ dội, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, choáng ngất… mới đưa tới bệnh viện.

Tăng nguy cơ vì nghiện game, áp lực học hành

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu phân tích: “Xuất huyết đường tiêu hóa có thể do nhiều nguyên nhân: giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, viêm thực quản, viêm dạ dày, loét hành tá tràng… với các yếu tố nguy cơ rất đa dạng như dùng một số thuốc (corticosteroid, NSAIDS…), các chất ăn mòn, dị vật đường tiêu hóa, tiền sử bản thân và gia đình mắc các bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, có người nhiễm HP, rối loạn đông máu, rối loạn huyết học và một số bệnh tiêu hóa phức tạp khác…

Ở lứa tuổi học sinh, căn bệnh này chủ yếu do biến chứng viêm loét dạ dày, tá tràng có nhiễm vi khuẩn HP”. Bệnh có các biểu hiện thường gặp như nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc phân máu kèm các biểu hiện khác như đau bụng, nuốt đau, ợ hơi, ợ chua, ăn kém, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, sụt cân, da tái nhợt, xanh xao.

Tình trạng này có nguy cơ tái phát cao do trẻ chưa tuân thủ phác đồ điều trị nghiêm ngặt. Nhiều bệnh nhi tự ý bỏ thuốc khi thấy những cơn đau bụng giảm. Trẻ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt chưa phù hợp, vừa ăn xong đã hoạt động thể lực, ngồi học ngay, miệt mài chơi điện tử… Đặc biệt, tình trạng căng thẳng, sợ hãi kéo dài, áp lực tinh thần do học hành, thi cử… là những tác nhân về tinh thần, tâm lý cũng tác động nghiêm trọng tới bệnh.

Dù vậy, các chuyên gia khẳng định, bệnh viêm loét dạ dày có thể điều trị khỏi hoàn toàn. “Bên cạnh điều trị một số nguyên nhân có thể phát hiện được như diệt vi khuẩn HP và các bệnh chính gây viêm loét, dùng thuốc giảm đau, chống viêm đúng chỉ định thì tuân thủ điều trị, tái khám, chế độ sinh hoạt của trẻ cũng góp phần vào thành công của phác đồ điều trị” - bác sĩ Nguyễn Thị Huyền nói.

Gia đình nên nhắc nhở trẻ giữ gìn lối sống lành mạnh, an toàn, ăn uống phủ hợp, đủ dinh dưỡng. Không nên cho trẻ vừa ăn vừa xem ti vi, chơi điện tử, cần có thời gian nghỉ ngơi sau bữa ăn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền đặc biệt lưu ý: “Không để trẻ thức quá khuya, ngủ không đủ giấc. Không gây áp lực cho trẻ trong cuộc sống, sinh hoạt, học tập. Nên tạo tâm lý thoải mái qua đó giúp cho việc điều trị bệnh được thuận lợi hơn”.

Khi thấy con có các biểu hiện như đau bụng dai dẳng, ợ hơi, chán ăn, chậm tăng cân… phụ huynh nên đưa con đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo Viện Dinh dưỡng, sữa và trứng là những thực phẩm nên dùng đối với người bị viêm loét dạ dày, tá tràng nhờ tác dụng trung hòa a xít dạ dày. Một số thực phẩm khác được khuyến cáo sử dụng là: thực phẩm giàu đạm (thịt, cá nạc) được chế biến theo phương pháp luộc, hấp, om; rau củ non, thực phẩm không có mùi vị như tinh bột.

Khi nấu thức ăn nên thái nhỏ, nghiền nát, xay sẽ làm giảm được kích thích bài tiết dịch vị và vận chuyển thức ăn qua dạ dày nhanh chóng. Nhiệt độ thích hợp để thức ăn dễ tiêu hóa và hấp thu là 40 - 50 độ C…

Người bệnh nên tránh ăn thức ăn nhiều mùi vị, chất thơm như thịt quay, rán, nướng, thịt ướp muối, cá ướp muối và những thức ăn xào rán nhiều dầu mỡ.

Tránh sử dụng các loại thịt nguội chế biến sẵn và các loại nước xốt, nước thịt cá đậm đặc. Sữa chua, gia vị giấm tỏi, tiêu ớt, dưa cà, hành muối, đu đủ chín, chuối tiêu… cũng là những thực phẩm cần đưa ra khỏi thực đơn.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI