Trẻ bị xâm hại, kêu cứu ở đâu?

07/08/2017 - 18:31

PNO - 150 học sinh (9-16 tuổi) từ 24 quận/huyện trên địa bàn TP.HCM vừa tham dự diễn đàn lắng nghe tiếng nói trẻ em, chủ đề 'Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em'

Diễn đàn do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) tổ chức ngày 4/8. 

Tre bi xam hai, keu cuu o dau?
Học sinh đặt câu hỏi với lãnh đạo sở, ngành liên quan về bạo lực học đường và xâm hại trẻ em

Trung tâm Sinh hoạt dã ngoại thanh thiếu nhi TP.HCM (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP.HCM) - nơi tổ chức diễn đàn - sôi động hẳn khi các em chia thành bốn nhóm thảo luận một số vấn đề “nóng” hiện nay, như: sự an toàn của trẻ; gia đình làm gì để giúp trẻ tham gia phòng, chống bạo lực, xâm hại?...

Mở đầu diễn đàn, đại diện nhóm học sinh các quận 2, 7, 9, Thủ Đức, huyện Nhà Bè và Cần Giờ nêu rõ, trẻ em bị xâm hại dưới nhiều hình thức. Trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ thiếu quan tâm đến con, bỏ qua ý kiến của con. Điều này dẫn tới việc trẻ thấy mình bị coi thường, mặc cảm… nên không dám phản ánh với cha mẹ. Áp lực về điểm số do cha mẹ đặt ra cũng khiến trẻ hoang mang, thấy việc học quá mệt mỏi, chán học. Ở trường, học sinh bị phân biệt theo kiểu “giỏi - dở”, “giàu - nghèo”, “học thêm - không học thêm”…

Em Trần Thị Yến Thu (học sinh trường THPT Lê Thánh Tôn, Q.7) chia sẻ: “Tình trạng bóc lột sức lao động, bạo lực học đường, xâm hại tình dục khiến chúng em lo sợ. Không chỉ vậy, việc cha mẹ đọc trộm nhật ký, vào trang facebook của con  để xem các dòng trạng thái rồi la rầy con viết điều nhảm nhí, vô ích hay thầy cô thiếu tế nhị khi mang điểm số của trò ra so sánh cũng là một dạng xâm hại làm chúng em tổn thương nặng nề”. 

Em Phạm Bích Xuyên (học sinh Trường THCS Hiệp Phước, H.Nhà Bè) phản ánh, nhiều phụ huynh vẫn thường xuyên dùng đòn roi, các em bị ép học với lịch học dày đặc, không có thời gian vui chơi, giải trí. Một số em bày tỏ lo ngại bị trả thù nếu tố cáo hành vi bạo lực học đường, nghiêm trọng hơn, có trường hợp bị xâm hại hoặc quấy rối lại không biết báo cho ai, cầu cứu ở đâu. 

Ông Phạm Đình Nghinh - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội TP.HCM trấn an: “Khi chứng kiến hoặc là nạn nhân của bạo lực, xâm hại, các em hãy gọi vào số điện thoại nóng của tổng đài về phòng, chống xâm hại trẻ em 18001567 hoặc Trung tâm Công tác xã hội TP.HCM theo số 1900545559. Các em cũng cần báo ngay cho cha mẹ, giáo viên chủ nhiệm, các cô/chú công an khu vực…”.

Ông Nguyễn Văn Gia Thụy - Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM, cho biết, năm học 2017-2018, Sở sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong trường học nhằm quy định về cách ứng xử trong mối quan hệ giáo viên - phụ huynh, giáo viên - học sinh, giáo viên - giáo viên, học sinh - học sinh… Thời gian qua, ngành giáo dục TP đã phối hợp cùng công an, nhà trường, chính quyền các địa phương tổ chức những lớp dạy võ tự vệ, tập huấn kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho học sinh. Từ năm học 2017-2018, chương trình huấn luyện võ, giúp học sinh tự vệ sẽ được triển khai trên toàn TP. 

Cũng tại diễn đàn, nhiều học sinh băn khoăn về sự thiếu hụt các lớp dạy kỹ năng sống, kỹ năng phòng, chống xâm hại và tư vấn pháp luật cho trẻ. 
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM cho biết, Hội LHPN TP.HCM thường xuyên phối hợp cùng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM triển khai công tác trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân, đặc biệt là nhóm phụ nữ, trẻ em yếu thế tại địa chỉ 32 Trần Quốc Thảo, P.7, Q.3. Thời gian qua, Hội cũng đã phối hợp với Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM tổ chức nhiều phiên tòa giả định về bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em tại các trường THCS, THPT. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI