Trẻ bị xâm hại: Im lặng là tội ác!

13/03/2017 - 11:21

PNO - Rúng động trước hàng loạt vụ án xâm hại tình dục trẻ em, nhiều luật sư, nhà nghiên cứu xã hội đã gửi kiến nghị về báo Phụ Nữ để chia sẻ nỗi bức xúc về “lỗ hổng” pháp lý.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội:

Phải thay đổi văn hóa đổ lỗi và im lặng!

Trong văn hóa Việt Nam, tình dục vốn bị coi là bản năng thấp kém của con người, nên nói về tình dục là việc đáng xấu hổ, nhất là chuyện bị xâm hại tình dục (XHTD). Nhiều người nghe chuyện tuy thương hại hoặc thông cảm, nhưng đồng thời cũng nghi ngờ hoặc chê trách nạn nhân vì đã gây sự chú ý hoặc dễ dãi, dại dột.

Tre bi xam hai: Im lang la toi ac!
 

Cộng đồng, gia đình và bản thân các nạn nhân đôi khi cam chịu và tự tìm cách đương đầu với hậu quả hơn là lên tiếng đòi lại công bằng, đấu tranh chống lại tội ác. Là người vận động xóa bỏ án tử hình nhưng khi biết thông tin về những vụ XHTD trẻ em nghiêm trọng tôi không khỏi sục sôi muốn kẻ thủ ác phải đền mạng. Chỉ khi bình tĩnh lại tôi mới nhận ra án tử hình không phải là giải pháp.

Điều mấu chốt là thay đổi văn hóa đổ lỗi và im lặng! Muốn vậy, một khi có người thân hoặc gia đình nạn nhân lên tiếng, cộng đồng phải ủng hộ, hỗ trợ thay vì đổ lỗi cho nạn nhân để họ thấy mình không phải người có lỗi. Các nạn nhân cũng phải tự hiểu, việc lên tiếng là cần thiết để bản thân mình không phải chịu đựng thêm một lần nữa và bảo vệ cả người khác sau này.

Ngoài ra, có những cán bộ địa phương chỉ muốn “ém” các vụ XHTD phụ nữ và trẻ em để lấy thành tích hay tìm cách “hòa giải” để không bị đưa lên cấp trên, “mang tiếng” với xóm làng. Đây cũng là một nguyên nhân lớn cản trở việc đấu tranh chống lại vấn nạn này.

Dù biết để đưa một vụ việc ra pháp luật cần rất nhiều bằng chứng, tốn nhiều thời gian, công sức nhưng các cơ quan điều tra, chính quyền phải nhanh chóng có biện pháp xử lý. Việc đầu tiên là phải lên tiếng, nhận trách nhiệm điều tra trước công luận và thông báo thường xuyên vụ việc cho gia đình nạn nhân, thay vì chờ đến khi kết thúc vụ việc mới thông tin.

Truyền thông cũng có nhiệm vụ phải đưa vụ việc ra ánh sáng để đánh thức dư luận, thúc đẩy cơ quan điều tra, chính quyền hành xử nhanh chóng hơn, không để chìm xuống theo thời gian.

Bà Trần Thị Giồng - Tiến sĩ tư vấn tâm lý (Ðại học De LaSalle, Manila, Philippines): 

Phải tố giác để trẻ vơi bớt mặc cảm

Thông thường trẻ bị xâm hại sẽ giấu giếm cha mẹ, không dám nói. Bởi đến 90% số kẻ thực hiện hành vi xâm hại là người thân trong gia đình hoặc hàng xóm. Những kẻ này thường dọa nạt để trẻ sợ không dám hé môi hoặc mua chuộc bằng kẹo bánh, quà cáp khiến trẻ thích hoặc vì mặc cảm tội lỗi mà che giấu. Cha mẹ phải quan sát biểu hiện tâm lý khác lạ, hành vi, thái độ bất thường của trẻ để trò chuyện tìm hiểu.

Tre bi xam hai: Im lang la toi ac!
 

Nhưng ngược lại, nếu đối tượng tấn công là kẻ lạ mặt, trẻ sẽ kể ra ngay. Trẻ dưới bảy tuổi không thể nào bịa ra một câu chuyện bị hiếp dâm, càng không thể mô tả lại được hành vi này. Thậm chí, cả trong trường hợp những em đã thấy hình ảnh quan hệ trên phim ảnh, cũng không thể mô tả bằng trí tưởng tượng được.

Theo tôi, trong bất cứ tình huống nào, gia đình cũng phải lên tiếng tố giác. Việc này có lợi cho trẻ mãi về sau, để trẻ nhận thức được đó là hành vi sai trái mà người khác gây ra cho mình mà bỏ đi mặc cảm tội lỗi. Có nhiều em lúc còn bé bị xâm hại, lạm dụng nhưng che đậy, đến khi lớn lên vẫn bị ám ảnh nặng nề, lúc nào cũng xấu hổ. Tôi từng biết trường hợp một phụ nữ đã hơn 30 tuổi bị ám ảnh đến mức lúc nào cũng thấy người đối diện mình trong tình trạng không mảnh vải và có khả năng làm hại mình.

Tuy nhiên, dù thế nào, khi đã tố giác thì việc điều tra, xác minh phải hết sức khéo léo. Đừng để quá trình điều tra, xác minh gây thêm tổn thương tinh thần cho trẻ. Việc hỏi han, nhắc đi nhắc lại những câu hỏi… sẽ khiến trẻ như bị xâm hại lần nữa, tổn thương thêm lần nữa.

Thạc sĩ xã hội học Phan Thị Hoài Yến - giảng viên bộ môn Tâm lý y học Trường ÐH Y Dược TP.HCM:

Nhiều thủ tục không đáng có làm không ít vụ bị rơi vào im lặng

Nhiều vụ XHTD trẻ em xảy ra hoặc được phát giác dịp cuối tuần (hậu quả của không ít chầu bia, rượu, hoặc xem phim tươi mát). Khi gia đình đưa trẻ đến cơ quan công an trình báo không ít trường hợp đã bị bắt buộc phải đợi chờ tới ngày làm việc đầu tuần.

Trong khi ai cũng biết một trong các chứng cứ được xem là quan trọng nhất của một vụ XHTD trẻ em là kết quả giám định pháp y. Mà kết quả giám định pháp y chính xác nhất trong vòng 48 giờ…

Chính “thủ tục” không đáng có này đã làm cho biết bao vụ XHTD trẻ em bị rơi vào im lặng. Kẻ thủ ác không bị đền tội và gia đình nạn nhân thì chìm trong đau đớn, phẫn uất; nạn nhân bị tổn thất trầm trọng về thể chất, tinh thần… 

H.Anh - Quốc Ngọc - Nghi Anh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI