Trẻ bị xâm hại có chiều hướng tuổi ngày càng nhỏ

18/08/2022 - 10:15

PNO - Độ tuổi trẻ em trong các vụ xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ, tập trung nhiều ở độ tuổi từ 10 đến dưới 16 và phần lớn là trẻ em gái.

Sáng 18/8, Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM và Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Bảo vệ quyền trẻ em - Thực trạng và giải pháp” với mục tiêu đánh giá việc triển khai thực hiện công tác này.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu chào mừng và định hướng thảo luận tại hội thảo khoa học “Bảo vệ quyền trẻ em - Thực trạng và giải pháp” ngày 18/3. Ảnh: Quốc Ngọc
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu chào mừng và định hướng thảo luận tại hội thảo khoa học “Bảo vệ quyền trẻ em - Thực trạng và giải pháp” ngày 18/8. Ảnh: Quốc Ngọc

Theo Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, do quy mô dân số đông, thách thức lớn nhất mà thành phố phải tập trung giải quyết là dân nhập cư, quá tải trường học, bệnh viện; phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong đó, tội phạm về bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian qua là một trong những vấn đề ưu tiên tìm giải pháp để ngăn ngừa.

Số vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố trong 5 năm qua (2017-2021) có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững. Số vụ trẻ bị xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ cao nhất và có xu hướng tăng, giảm cách năm. Trong đó, số trẻ nam bị bạo lực nhiều hơn nữ và có xu hướng giảm đáng kể từ năm 2018-2021. Ngược lại, tình hình trẻ nữ bị xâm hại tình dục nhiều hơn nam và có xu hướng tăng mạnh trong xã hội.

Tội phạm xâm hại trẻ có chiều hướng giảm về số vụ nhưng với tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, hình thức xâm hại chủ yếu là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, kế đến là các hình thức bạo lực. Đáng lo ngại là, độ tuổi trẻ em trong các vụ xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ, tập trung nhiều ở độ tuổi từ 10 đến dưới 16 và phần lớn là trẻ gái.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các số liệu thống kê này chưa hoàn toàn phản ánh thực tiễn xã hội do văn hóa yên lặng và khả năng nhận thức của trẻ về vấn đề xâm hại còn hạn chế.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố kiến nghị chính quyền địa phương cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng là người nhập cư từ các tỉnh, thành khác, người dân lao động tại các khu nhà trọ, người dân tại các khu chung cư cao cấp, khu nhà phố biệt lập… Đồng thời, tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quyền trẻ em; đăng thông tin xấu, độc hại trên các nền tảng mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý và hành vi của trẻ em.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng cần đánh giá lại thực trạng về cơ chế phối hợp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác trẻ em, chuyên môn nghiệp vụ, kinh phí hoạt động của các điểm tư vấn cộng đồng tại địa bàn dân cư và sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với đội ngũ cộng tác viên tại các khu phố, ấp, tổ dân phố; các chương trình, chính sách liên quan đến trẻ em ở cơ sở.

“Tôi đề nghị Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố ngay sau hội thảo cần phối hợp chặt chẽ các đơn vị để kịp thời ghi nhận đầy đủ ý kiến phát biểu và có báo cáo cũng như văn bản tham mưu Thường trực HĐND thành phố để đề nghị UBND thành phố và các đơn vị, địa phương tập trung tăng cường các giải pháp và kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn, đồng thời nghiên cứu các đề xuất của chuyên gia, nhà khoa học của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc Hội, Hội bảo trợ quyền trẻ em và các đơn vị để xây dựng chính sách cụ thể trình HĐND thành phố trong thời gian sớm nhất có thể”, bà Nguyễn Thị Lệ chỉ đạo.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI