Trẻ bị xâm hại, bạo lực: Chậm nhất 46 giờ sau khi tiếp nhận thông tin phải đưa trẻ đi giám định

29/06/2020 - 10:04

PNO - UBND TP.HCM đã ban hành Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn thành phố.

Ngày 8/6/2020, UBND TP.HCM đã ban hành Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn thành phố.

Theo đó, mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo ngay khi phát hiện hoặc có thông tin về trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục cho một trong các cơ quan: UBND phường/xã/thị trấn nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi trẻ em cư trú, công an xã/phường/thị trấn nơi xảy ra vụ việc, đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em: 111; 113; 1900 54 55 59; 1800 90 69 hoặc cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp. 

Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý vấn đề theo quy định gồm các bước cụ thể:

1. Trong vòng 2 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận thông tin vụ việc, người làm công tác bảo vệ trẻ em phường, xã, thị trấn phải báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý tính xác thực của thông tin cho chủ tịch UBND và trưởng ban bảo vệ chăm sóc trẻ em phường/xã/thị trấn, thường trực ban điều hành bảo vệ chăm sóc trẻ em quận, huyện.

2. Trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận nạn nhân, bệnh viện, cơ sở y tế phải cung cấp văn bản về kết quả khám, điều trị ban đầu của trẻ em cho UBND phường/xã/thị trấn. 

3. Trong vòng 8 giờ kể từ thời điểm nhận thông báo và hồ sơ của cơ sở y tế, chủ tịch UBND phường/xã/thị trấn có thẩm quyền gửi kiến nghị khởi tố bằng văn bản kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan đến cơ quan cảnh sát điều tra.

4. Trong vòng 12 giờ kể từ thời điểm nhận được kiến nghị khởi tố, cơ quan cảnh sát điều tra phải ra quyết định trưng cầu giám định, cử người đưa trẻ đi giám định. 

5. Trong vòng 5 đến 7 ngày kể từ ngày nhận quyết định trưng cầu, giám định hồ sơ, đối tượng, Trung tâm Pháp y thành phố phải có kết luận giám định. 
Đặc biệt với trẻ em đang đi học, nhà trường, cơ sở giáo dục có trách nhiệm bảo mật về thông tin liên quan; tạo điều kiện thuận lợi nhất để nạn nhân các vụ bạo lực, xâm hại được đi học trở lại; phân công cán bộ, giáo viên theo dõi tâm lý, sức khỏe của trẻ để kịp thời hỗ trợ, can thiệp.

Tinh Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI