Trẻ bị xâm hại, bạo hành: Bao giờ thôi nhức nhối?

30/05/2022 - 06:34

PNO - Sau vụ bé gái bị “mẹ kế” bạo hành đến chết đang chờ ngày xét xử lại thêm một đứa trẻ ở TPHCM tử vong, nghi bị bạo hành. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến hết quý I/2022, Công an TPHCM thụ lý 135 vụ bạo hành, xâm hại trẻ em. Đây chỉ là số vụ việc được phát hiện, có yếu tố hình sự. Số vụ việc xảy ra trong thực tế chắc chắn nhiều hơn.

Đủ hình thức xâm hại, bạo hành trẻ

Cha mẹ mất sớm, anh L. đưa năm đứa em về ấp 1B, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh mưu sinh. Do bận buôn bán kiếm sống, anh L. để mặc cô em gái tên M. (14 tuổi) thường xuyên đến chơi và ngủ lại nhà bạn thân. 

Trẻ em vui chơi, học tập tại Cơ sở Bảo trợ xã hội Thảo Đàn, Q.3, TP.HCM ẢNH: TUYẾT DÂN
Trẻ em vui chơi, học tập tại Cơ sở Bảo trợ xã hội Thảo Đàn, Q.3, TPHCM - Ảnh: Tuyết Dân

Ngày 9/4/2022, nhân lúc M. đang ngủ, ông T. - người có quen biết với bạn của M. - đến gần, cởi áo của M. nhưng bị em chống cự. Hai ngày sau, ban đêm, ông T. lại mò đến và thực hiện hành vi giao cấu với M. Mãi đến một tuần sau, M. mới cho anh trai biết. Hơn 3g sáng 18/4, anh L. tức tốc tìm gặp ông T., đưa đến công an tố giác. Đại diện UBND xã Vĩnh Lộc A cho hay, vụ việc đang được Công an H.Bình Chánh thụ lý.

Là xã đông dân nhất của TPHCM, chính quyền xã Vĩnh Lộc A gặp khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ trẻ em. Có không ít trường hợp trẻ liên tục bị xâm hại tình dục do phụ huynh không hiểu biết pháp luật. Chẳng hạn, có vị phụ huynh biết con gái vị thành niên quan hệ tình dục với bạn trai nhưng không trình báo, chỉ sau nhiều lần cấm con không thành, giận quá mới báo công an. 

Các tổng đài, đường dây nóng để thông báo khi xảy ra vụ bạo hành trẻ em (ảnh: Sở Lao động, thương bình & Lao động TPHCM)
Các tổng đài, đường dây nóng để thông báo khi xảy ra vụ trẻ bị bạo hành, xâm hại (ảnh: Sở Lao động, Thương binh & Lao động TPHCM)

Gần hai năm trước, ông H. và bà V. ly hôn. Bà V. trực tiếp nuôi ba người con, ông H. cấp dưỡng mỗi tháng 50 triệu đồng. Mới đây, ông H. được nhà trường cho biết C. - con gái ông, đang học lớp 2 - đã mười ngày không đi học. Không nói chuyện được với vợ cũ, ông H. trình báo vụ việc đến UBND Q.3 nhờ can thiệp. Bà Nguyễn Trúc Linh - Chủ tịch Hội LHPN kiêm Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ P.12, Q.3 - cho hay qua tiếp xúc, bà V. cho biết, do ông H. không chuyển tiền trợ cấp nuôi con tháng 3 nên bà cho con nghỉ học để gây áp lực cho chồng. “Khi chúng tôi đến làm việc, C. khóc nói nhớ bạn bè, trường lớp và muốn đi học. Nghe vậy, bà V. liền nói khi nào ông H. chuyển tiền, bà mới cho con đi học” - bà Linh kể.

Trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được  vui chơi, học tập tại cơ sở Bảo trợ  xã hội Thảo Đàn, Q.3, TP.HCM Ảnh: Tuyết Dân
Trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được vui chơi, học tập tại cơ sở Bảo trợ xã hội Thảo Đàn, Q.3, TPHCM Ảnh: Tuyết Dân

Cuối năm 2021, UBND P.10, Q.6 nhận tin báo một người mẹ dùng dao uy hiếp hai đứa con, đồng thời quay clip gửi cho chồng. Đây là cách mà người đàn bà này gây áp lực để chồng trở về nhà, đưa tiền cho mình mua ma túy để thỏa mãn cơn nghiện. Trước đó, do hôn nhân không hạnh phúc, người chồng dọn khỏi nhà, sống ly thân với vợ. “Được giải vây, hai đứa trẻ vô cùng hoảng loạn. Chúng tôi đã bàn giao người mẹ cho công an để điều tra vụ việc” - một cán bộ UBND P.10 thông tin.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, so với các năm trước, từ năm 2021 đến nay, số vụ trẻ bị xâm hại tình dục trên địa bàn TPHCM có xu hướng giảm. Tuy nhiên, việc giảm này chưa phản ánh đúng thực tế. Có những trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục nhưng các bên tự thỏa thuận bồi thường và phía bị hại chỉ tố giác khi không thỏa thuận được. Lúc đó, các chứng cứ hầu như đã mất hoặc khó thu thập. 

Chỉ sau hơn một năm sáp nhập ba quận thành TP.Thủ Đức, cơ quan chức năng địa phương này đã phát hiện bảy trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục và nhiều trường hợp trẻ bị lạm dụng hoặc chịu các tổn thương khác như tai nạn thương tích, bị chăn dắt xin ăn. Bà Đoàn Thị Tú Linh - Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP.Thủ Đức - cho hay trẻ bị xâm hại phần lớn do nhận thức hạn chế của phụ huynh, đặc biệt là công nhân, người lao động thu nhập thấp. Bà nói: “Việc tuyên truyền, vận động, trang bị kiến thức pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục cho con em của đối tượng này rất khó. Việc mưu sinh vất vả, bận rộn khiến họ không mấy mặn mà”.

Cán bộ phụ trách công tác trẻ em “rơi rụng” dần

Để bảo vệ trẻ quyền trẻ em cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đoàn thể, trong đó UBND cấp phường, xã vẫn chịu trách nhiệm chính. Thế nhưng, tại TPHCM, 100% cán bộ phụ trách công tác trẻ em đều hoạt động không chuyên trách, phải kiêm nhiệm nhiều đầu việc. 

Nhiều trẻ em đi xin ăn trên đường  Nguyễn Hữu Thọ, Q.7, TP.HCM - Ảnh: T.Tri
Nhiều trẻ em đi xin ăn trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Q.7, TPHCM - Ảnh: T.Tri

Hơn bốn năm gắn bó với công tác bảo vệ quyền trẻ em ở xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, chị Nguyễn Kim Diễm nhận định: “Việc quá nhiều, không khi nào làm hết, không ngày nào xong việc trước 18g. Dân số đông, địa bàn rộng, hồ sơ cứ chất chồng”. Chị Kim Diễm phụ trách bốn lĩnh vực: dân số, kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới và trẻ em nhưng khi nói về thu nhập, chị ái ngại: “Một mình thì đủ sống. Có gia đình và hai con thì phải gói ghém dữ lắm mà cuối tháng vẫn thiếu”. Một số cán bộ phụ trách công tác trẻ em ở cấp phường, xã cho biết, tổng thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 6 triệu đồng.

Việc nhiều, vất vả, phải đi cơ sở thường xuyên nhưng thu nhập quá thấp, lại không được tăng lương theo định kỳ, không có phụ cấp kiêm nhiệm nên phần lớn cán bộ làm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới và trẻ em chọn nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác. Cá biệt, có phường thay đến bảy nhân sự làm công tác này chỉ trong một năm. 

Một lãnh đạo UBND Q.Bình Thạnh cho rằng, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đòi hỏi cán bộ phải có kỹ năng, kiến thức và được đào tạo bài bản, nhất là phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về công nghệ thông tin, đô thị hóa. Tuy nhiên, đội ngũ trực tiếp làm công tác trẻ em của quận luôn biến động. Tương tự, UBND Q.3 cho hay, 12 phường của quận đều bố trí cán bộ làm công tác trẻ em nhưng đa số đều kiêm nhiệm nhiều công tác khác và thường không ổn định, thay đổi người liên tục. 

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, toàn thành phố hiện có 286 người làm công tác trẻ em ở cấp phường, xã, thị trấn và tất cả đều kiêm nhiệm. Tình trạng thay đổi cán bộ hoặc cán bộ phải kiêm nhiệm quá nhiều lĩnh vực khiến cho công tác bảo vệ trẻ em khó đạt hiệu quả. 

4 tháng, 59 ca bạo hành, 16 ca xâm hại tình dục trẻ em

Đó là số vụ việc do đường dây nóng 1900 54 55 59 của Trung tâm Công tác xã hội và Giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên TPHCM tiếp nhận trong bốn tháng đầu năm 2022. Theo trung tâm này, tính chất các vụ việc xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, nạn nhân có chiều hướng ngày càng nhỏ tuổi hơn và phần lớn là trẻ em gái. 

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, toàn thành phố hiện có hơn 1,8 triệu trẻ em, chiếm 14,23% dân số. Trong đó, có hơn 11.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 17.000 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, hơn 16.000 trẻ sống trong các gia đình nghèo, hơn 700 trẻ sống trong các gia đình có vấn đề xã hội và 44 trẻ có cha mẹ làm ăn xa. 

TPHCM hiện có năm tổng đài tiếp nhận các cuộc gọi liên quan đến trẻ em, gồm: Đường dây khẩn 0913 15 93 15 của Báo Phụ Nữ TPHCM, đường dây nóng 1900 54 55 59 của Trung tâm Công tác xã hội và Giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên TPHCM, đường dây nóng 1800 90 69 của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, tổng đài 113 của Công an TPHCM, tổng đài 1022 của Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM. Ngoài năm tổng đài trên, còn có Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111.

Phong Vân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI