Trẻ bị viêm loét dạ dày do lây vi khuẩn HP từ bố mẹ

05/08/2017 - 06:00

PNO - Gần đây, nhiều trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng (VLDDTT) đến khám tại BV đã được xác định là do nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori), lây nhiễm từ chính cha mẹ, người thân trong gia đình qua đường ăn uống.

Bệnh này, nếu không sớm điều trị triệt để sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống, sức khỏe của trẻ, thậm chí có thể gây ung thư dạ dày.

Tre bi viem loet da day do lay vi khuan HP tu bo me
Bị VLDDTT do vi khuẩn HP, trẻ cần được điều trị triệt để (Ảnh minh họa)


BS Nguyễn Việt Trường, Phó khoa Tiêu hóa, BV Nhi Đồng 1, TP.HCM, cho biết, khoa vừa tiếp nhận một bé trai bảy tuổi lúc nửa đêm vì ói ra máu và đi cầu phân đen. Bệnh nhi (BN) là P.V.H., ngụ Q.8, đang trong tình trạng mất máu nghiêm trọng. Sau khi truyền máu và giúp sinh hiệu ổn định trở lại, bé H. được nội soi đường tiêu hoá ngay trong đêm.

BS đã phát hiện vùng tá tràng của BN có ổ loét và tổn thương viêm dạng nốt với đặc điểm điển hình do vi khuẩn HP gây ra. Kết quả sinh thiết tá tràng là dương tính với vi khuẩn HP. BS Trường nhận định, trường hợp của BN đã tiến triển nặng gây xuất huyết đường tiêu hóa, nếu không xử lý kịp BN sẽ mất nhiều máu, sốc, thậm chí tử vong.

Không như người lớn, trẻ em thường chưa biết cách bày tỏ khi cơ thể có vấn đề. Nhiều trẻ hay than đau bụng, rối loạn đi cầu, buồn ói nhưng phụ huynh lại chủ quan, cho là con bị rối loạn tiêu hóa, tự mua men tiêu hóa về uống thay vì đưa đến cơ sở y tế. Cụ thể như trường hợp bé N.N.A., 11 tuổi, ngụ Đồng Nai.

Tre bi viem loet da day do lay vi khuan HP tu bo me
 

Cách đây hai năm, bé A. đã có biểu hiện nhợn ói, ăn khó tiêu, thỉnh thoảng kêu đau bụng, mặt mũi xanh xao; nhưng cha mẹ lần lữa không đưa đi khám vì thấy… chưa đến nỗi nào; thậm chí còn cho là bé lười ăn nên giả bộ. Bẵng đi một thời gian, bác ruột của bé A. nhập viện vì ung thư dạ dày (có dương tính với vi khuẩn HP), gia đình mới lo lắng, đưa bé vào TP.HCM  khám.

Bé A. được chẩn đoán VLDDTT, BS cho thuốc về điều trị. Một tuần sau, khi tái khám, tình trạng đau bụng, buồn nôn của BN vẫn không thuyên giảm, các BS đã tiến hành nội soi, phát hiện trong dạ dày BN có nhiều ổ viêm loét, sinh thiết xác định dương tính với vi khuẩn HP. 

Vì thế, khi trong gia đình có người nhiễm vi khuẩn HP, nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên khác rất cao. Vi khuẩn HP lây lan qua đường ăn uống, mà người Việt lại có thói quen ăn uống chung. Tuy không phải ai bị nhiễm vi khuẩn HP cũng dẫn tới VLDDTT nhưng mọi người cần thận trọng theo dõi để phát hiện và điều trị kịp thời.

Mỗi ngày, trong số các BN đến khám tại BV Nhi Đồng 1 vì VLDDTT có đến năm-bảy trường hợp phải chỉ định nội soi và sinh thiết đường tiêu hóa. Đa phần những BN làm nội soi đều phát hiện “dính” vi khuẩn HP. Tháng nào Khoa Cấp cứu của BV cũng tiếp nhận hai-ba trường hợp xuất huyết tiêu hóa do VLDDTT có liên quan tới vi khuẩn HP.

Thanh Huyền

Khi nào trẻ cần nội soi đường tiêu hóa?

Không phải cứ nghe con kêu than đau bụng là phụ huynh yêu cầu BS cho nội soi đường tiêu hóa. Trẻ đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân, thậm chí nếu là VLDDTT thì cũng còn tuỳ trường hợp mới nội soi. Nếu cần thiết phải xét nghiệm chẩn đoán, BS cũng sẽ ưu tiên chọn cách đơn giản và ít xâm lấn nhất.

BS chỉ chỉ định nội soi dạ dày khi BN ói ra máu, đi tiêu phân đen tái phát hoặc bị rối loạn tiêu hóa trên bốn tuần kèm những triệu chứng như biếng ăn, thiếu máu không rõ nguyên nhân, sụt cân... Khi xác định trẻ bị VLDDTT do nhiễm vi khuẩn HP, BS sẽ điều trị theo phác đồ đặc hiệu gồm ba loại thuốc.

Một liệu trình điều trị kéo dài hai tuần, BN phải tuyệt đối không bỏ cữ thuốc và uống đúng thời gian quy định. Tái khám sau hai tuần, BN được test hơi thở để kiểm tra xem còn dương tính với vi khuẩn HP không. Nếu tuyệt đối tuân thủ việc điều trị, 70-80% trường hợp mắc bệnh có thể tiêu diệt hết được vi khuẩn HP.
BS Nguyễn Việt Trường 

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI