Trẻ bị viêm họng nặng do phụ huynh tự chữa ở nhà

08/01/2024 - 16:43

PNO - Cận tết, thời tiết trở lạnh khiến trẻ bị đau họng gia tăng. Các bác sĩ ghi nhận không ít trẻ bị viêm họng do liên cầu khuẩn nhưng phụ huynh tự điều trị ở nhà vì tưởng chỉ viêm họng thông thường, dẫn đến nhiều trường hợp nặng phải nhập viện điều trị.

Trẻ viêm họng, phụ huynh chỉ cho uống si rô ho…

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Đắc Nguyên Anh - Phó khoa Nội 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết: “Nhiều trẻ tới khám trong tình trạng nặng, sưng hạch hầu, họng có mủ hoặc những chấm đỏ nhỏ xuất hiện trên vòm miệng. Các dấu hiệu này cho thấy trẻ viêm họng do liên cầu khuẩn. Tuy nhiên, phụ huynh tưởng lầm con bị đau họng thông thường nên chỉ mua si rô ho thảo dược cho uống và tăng cường uống chanh, tắc chưng đường phèn, xoa dầu nóng gan bàn chân. Chỉ tới lúc bé sốt cao 39 độ khó hạ, họng có mủ và sưng hạch như kể trên thì mới chịu tới bệnh viện”.

Một bệnh nhi được bác sĩ Đoàn Trịnh  Nhã Khanh khám và phát hiện bị  viêm họng do liên cầu khuẩn - ẢNH: N.K.
Một bệnh nhi được bác sĩ Đoàn Trịnh Nhã Khanh khám và phát hiện bị viêm họng do liên cầu khuẩn - Ảnh: N.K.

Theo bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh, viêm họng do vi rút không cần dùng kháng sinh nhưng viêm họng do liên cầu khuẩn bắt buộc phải chỉ định kháng sinh để tránh các biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh số ca bệnh phát hiện viêm họng do liên cầu khuẩn được điều trị ngoại trú thì từ đầu tháng 12/2023 tới nay, Khoa Nội 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận 5-7 trường hợp nghiêm trọng phải nhập viện, can thiệp bằng kháng sinh kéo dài tới 10 ngày. 

1 tháng qua, bác sĩ Đoàn Trịnh Nhã Khanh - thành viên Hội Nhi khoa Việt Nam - cũng đã tiếp nhận nhiều trẻ tới khám viêm họng hơn bình thường, trong đó nhiều bệnh nhi có kết quả test nhanh dương tính với liên cầu khuẩn. Hầu hết bệnh nhi này đi khám trễ nên tình trạng khá nặng. Như trường hợp bé gái P.H.Y. (7 tuổi, quê ở tỉnh Gia Lai) tới khám trong tình trạng nổi mẩn đỏ, ngứa ở 2 bên má trên nền da giãn mạch vùng mặt bẩm sinh. Khi kiểm tra, bác sĩ thấy họng bé đỏ, có chấm xuất huyết rải rác, amydal sưng lớn và có mủ.

Ngoài ra, bệnh nhi còn nổi ban ngứa rải rác vùng mặt, cổ, ngực, bụng lưng và 2 đùi. Hay trường hợp bé trai N.Q.Đ. (7 tuổi, quê ở Đắk Lắk) đến khám vì đau họng và sốt cao. Họng bệnh nhi đỏ, amydal sưng lớn, nổi hạch rải rác vùng góc hàm, mang tai, nổi ban đỏ vùng ngực bụng. Bệnh nhi H.T.H. (9 tuổi, quê ở tỉnh Gia Lai) cũng đến khám vì nổi ban da. Bé sốt cao 39 độ C (ngày thứ ba), nổi ban nhiễm trùng vùng mặt, ngực; họng đỏ, xuất huyết rải rác vòm họng... 

Không nên chủ quan

Các bác sĩ cảnh báo phụ huynh không nên chủ quan vì viêm họng liên cầu khuẩn thường nặng nề và gây những biến chứng nguy hiểm hơn viêm họng thông thường. Viêm họng liên cầu do vi khuẩn Streptococcus pyogenes hay còn gọi là liên cầu tan huyết Beta nhóm A (Strep A) gây ra. Liên cầu nhóm A thường lây qua đường hô hấp như các giọt bắn nước mũi hay dịch tiết nước bọt. 

Triệu chứng của viêm họng liên cầu thường giống với những đợt viêm họng do vi rút như sốt, ho, sổ mũi, đau họng… Tuy nhiên, bệnh nhân có những dấu hiệu đặc biệt hơn. Đó là đau họng nhiều, họng đỏ và đỏ rực, xuất huyết vòm họng. Người bệnh còn phát ban đỏ nhiều ở bụng ngực, có thể thấy thêm ở nách, tay, cổ… Những ban đỏ này khoảng 1 - 2mm, sẩn ngứa và lặn sau 2-5 ngày (có thể bong tróc da đi kém). Người bị viêm họng do liên cầu khuẩn sẽ nổi hạch nhiều vùng cổ, góc hàm, mang tai. Viêm họng do liên cầu khuẩn phổ biến ở trẻ từ 5-15 tuổi.

Sau khi nhiễm liên cầu, cơ thể sẽ sản xuất kháng thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn. Kháng thể sinh ra có phản ứng chéo với kháng nguyên của mô tim và khớp dẫn đến bệnh cảnh viêm khớp dạng thấp hay viêm cơ tim, thấp tim. Lúc này, bệnh nhân còn có nguy cơ tổn thương thận cấp. 

Hiện nay, phụ huynh thường có thói quen tự mua thuốc điều trị cho con tại nhà. Tự ý dùng thuốc làm giảm triệu chứng gây ảnh hưởng tới chẩn đoán. Mặt khác, nhiều phụ huynh tự ngưng thuốc khi thấy con khỏe lên khiến bé không uống thuốc đủ ngày. Chính những điều này dẫn tới các biến chứng tại tim, thận và khớp. 

Viêm họng là một bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ nên tạo tâm lý chủ quan cho phụ huynh. Đặc biệt là nhóm trẻ lớn trên 5 tuổi đã có hệ miễn dịch hoàn thiện, sức đề kháng tốt nên cha mẹ cho rằng con có thể lướt qua đợt bệnh cảm sốt thông thường. Đó là lý do tại sao các ca viêm họng do liên cầu khuẩn ở trẻ thường bị bỏ qua ở giai đoạn nhẹ và hay được phát hiện khi bé đã xuất hiện biến chứng tại tim, thận, khớp. Mặt khác, những bé nhiễm liên cầu nhẹ, khi đi học không đeo khẩu trang sẽ làm lây lan bệnh trong môi trường học đường.

Bác sĩ Nhã Khanh lưu ý, để phòng ngừa viêm họng do liên cầu khuẩn cần thường xuyên rửa tay với xà bông, sát trùng tay nhanh bằng cồn. Gia đình và nhà trường hãy vệ sinh các mặt bàn, tay nắm cửa, đồ chơi sạch sẽ để tránh lây lan bệnh. Khi ho, hắt hơi mọi người cần che miệng. Cần vệ sinh răng miệng cho trẻ sạch sẽ, chủng ngừa cúm, phế cầu đầy đủ. Nếu có dấu hiệu viêm mũi họng thì bệnh nhân nên đeo khẩu trang và đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI