Nhập viện vì sử dụng điện thoại quá mức
Sau nhiều tuần điều trị, em N.V.H. - 14 tuổi, ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An - đã dần có chuyển biến tích cực, hợp tác với bác sĩ trong thăm khám, điều trị. Bác sĩ Nguyễn Cảnh Hùng - Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An - cho biết, H. vốn là một cậu bé ngoan.
Gần đây, cha mẹ bận rộn công việc, em thường ở nhà một mình nên sử dụng điện thoại nhiều hơn. Em chơi game để “giết” thời gian, rồi dần nghiện lúc nào không hay. Đến khi thấy con giam mình cả ngày trong phòng, không muốn nói chuyện với ai ngoại trừ bạn bè trên không gian mạng, thường xuyên mất ngủ, bồn chồn…, cha mẹ của H. mới nhận ra điều bất thường. Khi bị cha mẹ cấm sử dụng điện thoại, H. thường xuyên cáu gắt, ném đồ đạc trong phòng...
Bác sĩ Nguyễn Cảnh Hùng kể thêm, ít ngày trước, một học sinh lớp Mười một ở tỉnh Hà Tĩnh được người thân đưa vào bệnh viện thăm khám khi đã bị trầm cảm khá nặng. Em này sử dụng điện thoại nhiều, thường xuyên vào các trang wed đồi trụy xem. Một thời gian, em nghĩ việc làm của mình bị nhiều người biết nên luôn cảm thấy xấu hổ, tự trách bản thân, bi quan về cuộc sống…
Mới đây, một nữ sinh 17 tuổi (ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) cũng phải vào Bệnh viện Tâm thần Nghệ An điều trị sau một thời gian “chìm đắm” trong điện thoại. Bác sĩ Trần Đình Ngọc - Trưởng khoa Tâm thần nữ của bệnh viện - cho biết, nữ sinh này lâu nay chỉ sử dụng điện thoại cho việc học nên gia đình không để ý.
Đến khi thấy con lên mạng xã hội mua sắm online cả ngày, cha mẹ thu điện thoại thì em nổi cáu, không nói chuyện, thậm chí đe dọa tự tử nếu cha mẹ không trả lại điện thoại. “Sau 2 tuần nhập viện điều trị, em đã bắt đầu cởi mở chia sẻ suy nghĩ của mình, bình tĩnh hơn nên gia đình đưa về nhà cho điều trị ngoại tuyến” - bác sĩ Trần Đình Ngọc cho biết.
Bác sĩ Phan Bá Thu - Trưởng khoa Lão - Nhi của bệnh viện - cho biết, thời gian gần đây, khoa tiếp nhận và điều trị nhiều thanh thiếu nên bị rối loạn tâm thần, phần lớn là do lạm dụng các thiết bị điện tử, nghiện game. Nhiều em nhập viện khi đã nặng, có triệu chứng khá rõ nét như: rối loạn hành vi, hoang tưởng, ảo giác... thậm chí có ý định tự tử hoặc có xu hướng bạo lực lên người đối diện.
|
Bác sĩ Phan Bá Thu tư vấn tâm lý cho một học sinh bị rối loạn tâm thần đang điều trị tại bệnh viện |
Đừng để con một mình
Theo bác sĩ Phan Bá Thu, ở lứa tuổi vị thành niên, cấu trúc vỏ não chưa ổn định, dễ tổn thương nên khi các em “chìm đắm” vào các trò chơi điện tử, nhất là các trò chơi có tính bạo lực, dễ gây ra các rối loạn tâm thần. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của người bị rối loạn tâm thần chính là mất ngủ, ngủ rất ít. Ngoài ra, trẻ sẽ giảm hứng thú, ít quan tâm với cuộc sống xung quanh và có nhiều hoạt động không phù hợp với đời sống thực.
Thêm vào đó, theo các bác sĩ, vì ngại hoặc khó chấp nhận con mình mắc các chứng bệnh về tâm thần nên nhiều phụ huynh còn tâm lý che giấu. Một số phụ huynh cũng chưa nhận biết được các dấu hiệu rối loạn tâm thần của con nên không đưa con đi thăm khám, chữa trị kịp thời khiến sức khỏe, tâm trí của trẻ bị ảnh hưởng nặng nề.
Bác sĩ Trần Đình Ngọc khuyên: khi giao điện thoại cho con, phụ huynh cần kiểm soát thời gian, nội dung để tránh trẻ sa vào những kênh xấu, độc hại trên mạng. Đặc biệt với lứa tuổi thanh thiếu niên, nếu phụ huynh buông lỏng, các em rất dễ bị các hội nhóm lôi kéo thực hiện các hành vi không chuẩn mực.
Quan trọng hơn cả là cha mẹ cần dành thời gian tương tác cùng con mỗi ngày. Khi cha mẹ càng sâu sát, càng thường xuyên trao đổi thì con sẽ càng thoải mái, cởi mở, tránh bị những suy nghĩ tiêu cực đè nén.
“Khi cha mẹ nói chuyện, tâm sự, chỉ dạy cho con với tư cách như một người bạn thì con mới bộc lộ hết lòng mình được. Còn mình luôn quát mắng, yêu cầu con không được sử dụng điện thoại, hay làm cái này cái kia thì con trẻ thường sẽ dần thu mình, không muốn nói nữa vì biết nói ra sẽ bị cấm” - bác sĩ Trần Đình Ngọc chia sẻ.
“Các gia đình cần xây dựng kế hoạch sinh hoạt điều độ, đặc biệt trong dịp nghỉ hè để trẻ phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Nên cho con tham gia các hoạt động ngoài trời, tập luyện các môn thể thao, hoặc tham gia các khóa học kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi. Khi phát hiện các dấu hiệu của con như mất ngủ thường xuyên, lo âu, căng thẳng, hay cáu gắt… thì cần sớm đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời” - bác sĩ Nguyễn Cảnh Hùng khuyến cáo.
Phạm An
Giúp con bảo vệ mắt khi dùng điện thoại Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thành Danh - Trưởng đơn vị Mắt Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM - ngoài nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần khi trẻ quá “lậm” điện thoại, trẻ cũng dễ bị ảnh hưởng đến mắt, phổ biến nhất là cận thị, lác mắt, thoái hóa võng mạc… thậm chí bị hội chứng TIC. Thực tế, ngoài những bất thường do di truyền hoặc các yếu tố khác, tỉ lệ trẻ mắc hội chứng TIC do sử dụng thiết bị điện tử liên tục đang có xu hướng tăng. Đây là rối loạn vận động, hay một phát âm không chủ đích, xảy ra đột ngột, trẻ nháy mắt liên tục, chun mũi, nhún vai, lắc đầu… lặp đi lặp lại nhiều lần. Các thiết bị điện tử thường phát ra ánh sáng xanh, gây nguy cơ giảm, mất thị lực rất nguy hại nếu cha mẹ để con tự do chơi điện thoại quá nhiều. Trẻ có thể dùng điện thoại trung bình 2 tiếng đồng hồ/ngày nhưng cần chia nhỏ thời gian này thành nhiều lần để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tốt nhất không xem liên tục quá 30 phút/lần. Trước khi đưa điện thoại cho con, cha mẹ hãy mở chế độ bảo vệ mắt, điều chỉnh ánh sáng thích hợp cho trẻ. Nhắc nhở trẻ không nhìn liên tục vào màn hình, cần cho mắt nghỉ 20 giây trong 15-20 phút, điều này sẽ giúp tránh khô rát, mỏi mắt. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên phối hợp với nhà trường để được thông báo về các môn học cần phải sử dụng thiết bị điện tử, thời gian truy cập, tránh để trẻ mượn cớ học tập để chơi điện thoại. Phụ huynh cần khéo léo nhắc nhở, tránh trẻ không thoải mái khi học, cũng như nói dối, tìm mọi cách để sử dụng các thiết bị này. |