Trẻ bị tay chân miệng nhập viện tăng gấp đôi

11/10/2019 - 07:00

PNO - Trong lúc bệnh hô hấp đang ở mức cao thì tay chân miệng bắt đầu vào mùa khiến trẻ đối mặt với nhiều bệnh cùng lúc. Sợ con nhiễm bệnh, cha mẹ thường để bé ở nhà, đóng kín cửa nhưng nhiều trẻ vẫn bị tay chân miệng.

Cách ly rất kỹ nhưng trẻ vẫn bệnh

Sáng 9/10, bé T.K.A. (sáu tháng tuổi, ở Q.5, TP.HCM) mệt mỏi ngủ thiếp trên vai mẹ. Người bé nổi đầy nốt ban, khóc thét khi có người đến thăm. Trước khi nhập viện ba ngày, bé A. bị sốt nhẹ, biếng ăn nhưng vẫn chạy chơi, nghĩ con bị sốt thông thường, chị Nguyễn Thị Hạnh (mẹ bé A.) mua thuốc cho con uống. 

Tre bi tay chan mieng nhap vien tang gap doi
Bác sĩ Lư Lan Vi, Trưởng khoa Nhi C, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, đang khám cho bé T.K.A. bị tay chân miệng

Qua hôm sau, người bé A. nổi nhiều mụn nước, thường giật mình khi ngủ nhưng ngại đưa đến bệnh viện bé sẽ bị lây bệnh, nhất là tay chân miệng đang vào mùa, chị Hạnh lại tự mua thuốc hạ sốt cho con. Đến khi bé A. ngủ li bì, tay chân lạnh, hay quấy khóc, sốt cao từng cơn, chị Hạnh mới đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM khám. Bé A. phải nhập viện điều trị ngay với chẩn đoán bị tay chân miệng đang ở giai đoạn nặng.

Nghe bác sĩ nói con mình bị tay chân miệng, chị Hạnh bần thần không biết bé bị lây từ đâu: “Cách đây vài tuần, tôi nghe nói có đợt sốt siêu vi, viêm phế quản, rồi tay chân miệng nên luôn để con gái trong nhà không cho ra ngoài, tránh tiếp xúc nhưng không hiểu sao con mình vẫn mắc bệnh”.

Tương tự, bé H.V.M. (tám tháng tuổi, ở H.Cần Giuộc, tỉnh Long An) được đưa vào bệnh viện cấp cứu với biểu hiện sốt nặng, co giật, người rợp mụn nước, miệng bị loét mảng lớn do sốc tay chân miệng. Các bác sĩ phải hồi sức, bù dịch, bé mới ổn định nhưng cần được theo dõi đề phòng biến chứng về sau.

Bà ngoại bé M. ủ rũ: “Lo sợ bé bị lây bệnh, tôi chưa cho cháu đi học. Nghe nói ở gần nhà có bé sáu tuổi bị tay chân miệng, tôi đóng kín cửa không cho bé M. ra ngoài, cũng không cho ba nó ẵm đi đâu hết, thế mà vẫn bị bệnh”.

Tre bi tay chan mieng nhap vien tang gap doi
Bệnh tay chân miệng những ngày qua tăng nhẹ, đa số trẻ ở độ tuổi 2-6 tuổi

Bác sĩ Lư Lan Vi, Trưởng khoa Nhi C, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho hay người thân của cả hai bé đều sai lầm; đề phòng, cách ly con mình với bệnh là đúng, nhưng “nhốt” bé trong nhà không có nghĩa bé không bị bệnh. Theo bác sĩ Lan Vi, ngoài phòng bệnh cho trẻ, người lớn cũng cần phòng bệnh cho bản thân, bởi nhiều trường hợp bé dưới một tuổi mắc bệnh là do người nhà vô tình lây nhiễm. 

Nguy hiểm hơn, nếu người mang mầm bệnh khỏe mạnh, lướt được bệnh, sẽ không nghĩ đứa trẻ trong nhà mắc tay chân miệng. Vì vậy, đa số trẻ càng được “nhốt” trong nhà, khi mắc bệnh sẽ nặng hơn những trẻ khác. Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, trẻ dưới một tuổi mắc tay chân miệng ở tháng Chín là 146 ca, trong đó 26 trẻ nhập viện điều trị, khá cao so với tháng Tám. 

Bác sĩ Lan Vi nói: “Bệnh tay chân miệng những ngày qua tăng nhẹ, đa số trẻ ở độ tuổi 2-6 tuổi. Tuy nhiên, gần đây trẻ dưới một tuổi mắc bệnh cũng đang có dấu hiệu gia tăng. Thông thường, người nhà không hiểu vì sao con em mình mắc bệnh vì đã cách ly rất kỹ, nhưng khi hỏi ra mới biết người lớn có thói quen bế ẵm, hôn trẻ khi vừa ở ngoài về nhà. 

Hệ hô hấp của trẻ, nhất là với trẻ dưới một tuổi rất yếu, chỉ cần người tiếp xúc có mầm bệnh, nguy cơ lây nhiễm cho trẻ rất cao. Khi trẻ mắc bệnh, người lớn lai chủ quan khi nghĩ suốt ngày ở trong nhà thì chỉ bị sốt nhẹ, càng hạn chế đưa đi bệnh viện khám sớm do lo ngại đến bệnh viện sẽ lây bệnh. Việc này vô tình khiến trẻ không được khám, điều trị sớm khiến bệnh nặng thêm”.

Trẻ tái nhiễm tay chân miệng tăng cao

Bác sĩ Lan Vi cho biết thêm, tay chân miệng thường xuất hiện từ tháng Chín đến tháng 11, có thể do đây là giai đoạn các bé quay lại trường học nên lây nhiễm bệnh cho nhau. Cụ thể, cả tháng Bảy, Tám số lượng trẻ đến khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM chỉ hơn 800, với 158 ca nhập viện, đến tháng Chín, lượt khám đã tăng đến 1.632, hơn 200 ca mắc tay chân miệng phải nhập viện. Vừa bước qua tháng Mười, người bệnh khám tay chân miệng tại đây đã lên 757, với 55 ca phải điều trị nội trú. 

Tre bi tay chan mieng nhap vien tang gap doi
Có bé mắc tay chân miệng bốn, năm lần do người lớn chủ quan nghĩ bé vừa khỏi bệnh sẽ không bị lại

Bên cạnh trẻ mắc mới, khoa Nhi C, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ dưới 10 tuổi bị tái nhiễm tay chân miệng. Có bé bị tái nhiễm với tần suất rất cao, thậm chí có bé mắc tay chân miệng bốn, năm lần do người lớn chủ quan nghĩ bé vừa khỏi bệnh sẽ không bị lại. 

Theo bác sĩ Lan Vi, bệnh tay chân miệng không có miễn dịch bền vững, khi trẻ được xuất viện, thể trạng còn rất yếu, nên hạn chế tiếp xúc khoảng ba ngày, nhất là với những trẻ đang đi học phải được vệ sinh sạch sẽ, dinh dưỡng đầy đủ. Ở những trẻ này, bên cạnh bé sốt, biếng ăn trở lại, người lớn cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ các sang thương, những nốt mụn nước mới, bé than đau, mệt, khó thở... phải được đưa đến bệnh viện để bác sĩ khám ngay, tránh bệnh tái phát.

Như bé N.K.L. (ba tuổi, ở tỉnh Bình Dương) được người nhà đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cấp cứu khi sốt rất cao, co giật, đồng tử giãn, có dấu hiệu suy hô hấp, ngất lịm. Sau cấp cứu, bé đã qua cơn nguy hiểm nhưng có thể bị nhiều di chứng sau này. Khi bác sĩ hỏi bệnh sử, mẹ của bé cho rằng trước đó bé L. đã mắc tay chân miệng nhập viện điều trị bảy ngày mới khỏi.

Tre bi tay chan mieng nhap vien tang gap doi
Trẻ có biểu hiện sốt, loét miệng hoặc nổi mụn nước lòng bàn tay, bàn chân, mông... cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất

Sau xuất viện bốn ngày, bé L. không chịu ăn, hay ngủ, nghĩ con mệt mỏi sau đợt bệnh, mẹ bé không lay gọi. “Chiều tối 7/10, bé L. lên cơn co giật rồi ngất lịm khiến ai cũng hoảng hốt, bác sĩ nói bé lại bị tay chân miệng trong khi không nổi ban đỏ, không có mụn nước và bé mới khỏi nên tôi không nghĩ đến”, mẹ bé L. nói. 

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong tháng Chín, số ca mắc tay chân miệng đã tăng cao so với tháng Tám. Cụ thể, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại TP.HCM là 6.573 ca, tăng gấp hai lần so với tháng Tám. Hiện có khoảng 16% số ca bệnh phải nhập viện điều trị. Tuy hiện tại số ca tay chân miệng đang ở mức độ nhẹ, nhưng cao điểm của bệnh thường rơi vào tháng 10, 11. 

Phụ huynh, người chăm sóc phải hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh, nhất là ở hai bàn tay; giữ sạch tay cho trẻ bằng nước và xà phòng, tránh cho trẻ đi đến nơi đông người, nơi đang có người mắc bệnh. Nếu trẻ có biểu hiện sốt, loét miệng hoặc nổi mụn nước lòng bàn tay, bàn chân, mông... cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất điều trị.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI