Trẻ bị táo bón kéo dài có nguy hiểm không?

06/01/2025 - 08:03

PNO - Phương pháp điều trị táo bón cho trẻ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Điều trị nội khoa thường được áp dụng trước, nếu không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.

Con trai 8 tuổi của tôi rất hay bị táo bón. Tình trạng này xuất hiện từ lúc cháu còn bé nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản do trẻ con lười ăn rau, uống ít nước. Đến khi con vào tiểu học thì thể trạng gầy ốm, xanh xao và thấp bé hơn các bạn đồng trang lứa. Xin hỏi bác sĩ, táo bón kéo dài có nguy hiểm không? Tôi cần làm gì để giúp con cải thiện tình trạng này?

Đặng Thị Cẩm Trang (quận 8, TPHCM)

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 - trả lời: Táo bón là vấn đề thường gặp ở trẻ em và cần được quan tâm đúng mức. Khi trẻ bị táo bón kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến quá trình hấp thu chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển mà còn tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh về đường ruột như viêm ruột, tắc ruột, thậm chí thủng ruột. Chính vì vậy, cần cho trẻ đi khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Phương pháp điều trị táo bón cho trẻ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Điều trị nội khoa thường được áp dụng trước, nếu không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Đối với táo bón chức năng do chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý hoặc một số bệnh như cường giáp, suy giáp, phương pháp điều trị nội khoa sẽ gồm điều chỉnh chế độ ăn, tăng cường vận động và dùng thuốc nhuận trường khi cần.

Tuy nhiên, với trường hợp táo bón do các bệnh phức tạp như bệnh Hirschsprung (thiếu hụt tế bào thần kinh ở đại tràng), bất thường vị trí hậu môn, phẫu thuật là cách tối ưu. Phẫu thuật sẽ giúp loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, từ đó cải thiện tình trạng táo bón cho trẻ.

Thanh Huyền (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI