Trẻ bị sốt là nổi hạch có cần điều trị?

24/10/2024 - 17:41

PNO - Trường hợp bé bị hạch tái đi tái lại, kèm theo mệt mỏi, phụ huynh nên đưa bé đến bệnh viện nhi khoa khám tìm nguyên nhân chính xác và điều trị.

Phần lớn hạch vùng đầu, mặt, cổ của bệnh nhi thường là các tổn thương lành tính - Ảnh minh họa internet
Phần lớn hạch vùng đầu, mặt, cổ của bệnh nhi thường là các tổn thương lành tính - Ảnh minh họa internet

Mỗi lần viêm họng, hay nóng sốt, con tôi thường bị nổi hạch ở vùng cổ, làm cho bé chán ăn, mệt mỏi. Khi hết bệnh, hạch cũng nhỏ đi, nhưng tái lại chứ không hết. Làm sao để điều trị triệt để bệnh này?

Thùy Dung (tỉnh Long An)

Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Trần Bản - Phó khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 - trả lời: Phần lớn hạch vùng đầu, mặt, cổ của bệnh nhi thường là các tổn thương lành tính. Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp có nguy cơ ác tính. Có 4 loại hạch chính gồm: hạch viêm, hạch phản ứng viêm, hạch lao, hạch ác tính. Trong đó, thường gặp nhất là hạch phản ứng viêm, khi người bệnh cảm lạnh, nhiễm trùng vùng tai mũi họng, viêm da vùng đầu, mặt, cổ… Kích thước hạch sẽ giảm dần nếu điều trị triệt để nguyên nhân. Tuy nhiên, hạch sẽ nổi trở lại từ 2-4 tuần sau và khả năng không biến mất hoàn toàn.

Còn hạch viêm thường xuất hiện do viêm, nhiễm trùng, đi kèm dấu hiệu sưng nóng, đỏ, đau nhức và có thể bị áp xe hóa. Lúc này, bác sĩ điều trị bằng kháng sinh hoặc rạch thoát dịch mủ. Nặng hơn, bệnh nhi có thể bị nổi hạch do lao. Hạch lao không đau, nhưng thường thì nhiều hạch dính lại với nhau thành từng chùm, thời gian xuất hiện khá lâu.

Để chẩn đoán hạch lao, bệnh nhi sẽ được sinh thiết hạch, từ đó bác sĩ lên kế hoạch chữa trị. Với hạch lớn hơn 2cm, ấn vào thấy đau, cứng, kèm mệt mỏi, thiếu máu… nguy cơ trẻ bị hạch ác tính, cần đi khám ngay.

Trường hợp bé bị hạch tái đi tái lại, kèm theo mệt mỏi, chị nên đưa bé đến bệnh viện nhi khoa khám tìm nguyên nhân chính xác và điều trị.

Phạm An (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI