Trẻ bị sạn vôi ở mắt: Coi chừng loạn thị

29/04/2017 - 05:30

PNO - Sạn vôi ở mắt trẻ dù không quá nguy hiểm, nhưng là bệnh mạn tính thường gặp, nhất là trẻ có cơ địa dị ứng.

Phụ huynh dễ nhận diện bệnh nhầm lẫn, điều trị sai cách và dẫn đến biến chứng nguy hiểm. 

Đừng chủ quan khi trẻ ngứa mắt

Chị C.A (ở Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp, TP.HCM) đưa con trai H.V. (hai tuổi) đến bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2, TP.HCM khám mắt trong tình trạng mắt bên phải của bé bị đỏ, nước mắt giàn giụa. “Con tôi liên tục dụi mắt cả tháng nay, nhưng tôi thấy mắt cháu vẫn bình thường, không giống đau mắt.

Nhìn thấy trong mí mắt nổi hột, tôi nghĩ là bụi vô mắt hoặc con xem điện thoại, ti vi nhiều nên ngứa, tôi nhỏ nước muối sinh lý, vệ sinh mắt cho con thường xuyên mà bé vẫn dụi. Đến giờ thì mắt cháu đỏ nhiều nên tui đưa đi khám”, chị C.A lo lắng kể. Bác sĩ (BS) sau khi khám mắt cho bé H.V., kết luận bé bị sạn vôi ở mắt phải và sạn đã trồi lên nhiều, cần phải tiểu phẫu để lấy sạn ra. 

Sạn vôi ở mắt là gì? Đó là tình trạng lắng đọng tinh thể can xi, hoặc là do can xi hóa các chất bã sụn ở kết mạc mi mắt.ThS-BS Nguyễn Thành Danh - Khoa Mắt BV Nhi Đồng 2, TP.HCM, cho biết: Hai triệu chứng chính của bệnh này là ngứa mắt và tính chất lặp lại. Bệnh không gây đỏ mắt, đổ ghèn và không làm giảm thị lực. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ bị sạn vôi, ngứa nên trẻ dụi mắt nhiều, dẫn đến viêm kết mạc, mắt đỏ, đổ ghèn.  

“Không ít phụ huynh khi thấy trẻ ngứa, dụi mắt lại cho là con bị đau mắt và tự ý ra nhà thuốc mua thuốc về nhỏ mắt cho con. Nguy hiểm ở chỗ, dùng nhiều một số loại thuốc chứa kháng sinh sẽ gây lờn thuốc; hay thuốc kháng viêm có chứa corticoid sẽ gây tình trạng tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, làm mất thị lực”, BS Danh lưu ý. 

Tre bi san voi o mat: Coi chung loan thi
ThS-BS Nguyễn Thành Danh - khoa Mắt BV Nhi Đồng 2 TP.HCM đang khám mắt cho một bệnh nhi

Phòng biến chứng

Hiện, vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào xác định nguyên nhân sạn vôi ở mắt, nhưng bản chất bệnh là lắng đọng chất tiết bã ở kết mạc mi. Sạn vôi không tự khỏi, dù có sử dụng thuốc thì sạn cũng không tan. Sạn vôi sẽ to dần và trồi lên, tùy tình trạng mà BS quyết định thời gian tiểu phẫu.

Theo BS Danh, nếu kích thước sạn vôi nhỏ, nằm sâu dưới mi mắt không gây khó chịu và biến chứng thì chưa cần điều trị. Ngược lại, khi sạn vôi gây cộm xốn, ngứa mắt, viêm kết mạc tái phát hoặc trầy xước giác mạc ngứa ở giác mạc thì nên tiểu phẫu lấy sạn vôi tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Việc tiểu phẫu được thực hiện dưới gây tê bằng thuốc tê nhỏ mắt, trong thời gian rất ngắn và an toàn.

Tuy nhiên, đáng ngại là sạn vôi có thể biến chứng, gây trầy xước giác mạc làm giảm thị lực và có khả năng gây hiện tượng loạn thị, khó điều trị. Bên cạnh đó, sạn vôi dễ bị chẩn đoán nhầm với viêm kết mạc vì bé dụi mắt nhiều làm đỏ mắt. Cách phân biệt là, sạn vôi nhỏ thuốc thì mắt hết đỏ nhưng triệu chứng ngứa vẫn tồn tại; còn viêm kết mạc sau khi sử dụng thuốc sẽ hết. 

Sạn vôi ở vùng mi dưới dễ nhận biết hơn mi trên (vì mi trên phải lật mí lên mới thấy). Lật mi dưới sẽ thấy một hoặc nhiều hạt màu trắng đục có kích thước bằng đầu bút bi nằm ngay vị trí vùng mi chính là sạn vôi. Sạn vôi thường xuất hiện ở những bệnh nhân bị viêm kết mạc mạn tính; người có cơ địa dị ứng; mắt tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, hóa chất, khói bụi… 

BS Nguyễn Thành Danh khuyên: “Tỷ lệ biến chứng của sạn vôi không cao nhưng lâm sàng vẫn có nhiều trường hợp nặng, như: viêm giác mạc, sẹo giác mạc, loạn thị. Cần phải phòng tránh biến chứng, không tự ý điều trị, cần đến khám BS khi thấy mắt trẻ có dấu hiệu bất thường. Hạn chế, tránh tiếp xúc với các yếu tố thuận lợi gây bệnh sạn vôi. Nếu viêm kết mạc mạn tính nên điều trị theo phác đồ, tránh tái phát bệnh nhiều lần”.  

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI