Trẻ bệnh tim bẩm sinh nguy cơ trở nặng rất cao nếu trở thành F0

27/04/2022 - 15:23

PNO - Bệnh tim bẩm sinh có thể làm cho trẻ mắc COVID-19 diễn tiến nặng hơn. Người lớn cần theo dõi sát để kịp thời phát hiện, đưa con đi bệnh viện.

Con gái 4 tuổi mắc bệnh Down và tim bẩm sinh, chị Đỗ Anh Vân (29 tuổi, ở Đồng Nai) càng lo lắng hơn khi con dương tính với SARS-CoV-2. 3 ngày đầu, bé được theo dõi, điều trị bệnh tại nhà. Đến ngày thứ 4 mắc bệnh, bé bắt đầu có dấu hiệu khó thở, sốt cao. Gia đình ngay lập tức mang em đến bệnh viện địa phương để cấp cứu.

Tại đây, bé được truyền dịch, theo dõi tích cực, vài ngày sau tình trạng bé ổn định trở lại. Chị Vân nói: “Bác sĩ nói do bé mắc bệnh tim nên khi bị COVID-19, bệnh càng diễn tiến nghiêm trọng hơn các bé khác. Tôi không nghĩ con mình nặng nhanh như vậy, may mắn các bác sĩ cứu kịp bé”.

Theo PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Trưởng khoa Điều trị COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, tại khoa có hơn 30% trẻ mắc COVID-19 có bệnh lý nền đang được điều trị tích cực. Những bệnh nhi này đặc biệt cần theo dõi kỹ càng để các bác sĩ có thể xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.

Cha mẹ nên theo dõi sức khỏe của trẻ sát sao nếu trẻ đang có bệnh nền trở thành F0
Cha mẹ nên theo dõi sức khỏe của trẻ sát sao nếu trẻ đang có bệnh nền trở thành F0

Dựa theo yếu tố suy giảm miễn dịch, bệnh nền được chia ra làm 3 nhóm, bao gồm nhóm chuyển hóa thường gây ra do tiểu đường và dư cân, nhóm bệnh lý về phổi như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính, nhóm bệnh tim mạch như bệnh lý mạch vành, tim mãn tính với những người suy tim. Ở trẻ em, bệnh lý về tim thường là bệnh tim bẩm sinh.

Khi mắc COVID-19, dù là chủng Delta hay Omicron thì bệnh nền luôn được xem là nguy cơ có thể khiến F0 trở nặng. Bệnh nền càng nặng thì F0 có nguy cơ càng nặng hơn.

“Trong trường hợp trẻ mắc tim bẩm sinh ở mức độ nhẹ, khi nhiễm COVID-19 cũng sẽ mau khỏi, nhưng nếu trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có suy tim hay tăng huyết áp phổi thì nguy hiểm hơn nhiều khi trở thành F0”, bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Cụ thể, trẻ em mắc bệnh lý nền khi bị COVID-19 sẽ suy giảm sức đề kháng đáng kể, khiến lượng virus phát triển trong cơ thể nhanh hơn, từ đó gây tổn thương cơ quan, tốc độ rất nhanh so với các bệnh nhân khác. Ngoài ra, cả COVID-19 và tim bẩm sinh đều “tấn công phổi”, vì vậy trẻ có nguy cơ chuyển nặng.

Do đó, cha mẹ có con vừa mắc tim bẩm sinh vừa F0, cần lưu ý theo dõi bé liên tục theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu thấy bé đang bình thường nhưng bỗng chuyển mệt, khó thở, không gắng sức được nên được chuyển ngay đến bệnh viện. 

Trong quá trình chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà, nếu cha mẹ, người bảo hộ phát hiện trẻ có bất kỳ một trong các dấu hiệu như đột ngột quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật, sốt cao không hạ, không cải thiện sau 48h, nhịp thở nhanh, khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, mắt trũng sâu, khát nước, tím tái, không bú, nôn ói, ho thành cơn không dứt, đau tức ngực, tiêu chảy,... cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chữa bệnh.

Tuệ Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI