Trẻ bệnh mạn tính gian nan đến TPHCM khám bệnh

23/07/2021 - 06:51

PNO - Dịch COVID-19 làm nhiều gia đình ở các tỉnh gặp khó khăn khi đưa con đến TPHCM khám bệnh, khiến trẻ mắc bệnh mạn tính diễn tiến xấu, phải cấp cứu.

Đêm muộn, một người đàn ông hớt hải ôm bé trai hai tuổi vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cấp cứu. Cậu bé thở hổn hển, ho khan liên tục… Bác sĩ lập tức thăm khám, cho bé thở máy, song song đó làm xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hai cha con để tầm soát COVID-19.

Nguy kịch do không kịp khám định kỳ

Người đàn ông đó là anh Trần Văn Kh., 35 tuổi, ở tỉnh Đắk Lắk. Anh cho biết, bé trai T.V.K. là con đầu lòng, bị viêm phổi mạn tính, suy dinh dưỡng, cao huyết áp… thường xuyên vào bệnh viện ở TPHCM khám định kỳ và tập vật lý trị liệu. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, xe khách dừng hoạt động, nếu chở con trai bằng xe máy sẽ nguy hiểm nên anh nấn ná. Anh kể: “Mấy hôm nay, bé cứ thở hắt… nên tôi đưa đi khám bệnh viện gần nhà. Sau đó, bác sĩ kêu chuyển viện, chuyển lên tới đây con đã phải thở máy”.

Bác sĩ chẩn đoán, bé K. bị viêm phổi cấp, nhập viện trong tình trạng ngất lịm, suy dinh dưỡng, huyết áp, mạch không ổn định, phải hồi sức tích cực, dùng thuốc đặc trị và tiêm kháng sinh ngay mới cứu được bé.

Còn bé N.H.N. (bốn tuổi, ở tỉnh Bình Phước) nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng, da nhợt nhạt, quấy khóc nhiều. Trong khi chờ xét nghiệm sàng lọc COVID-19, bé N. bất ngờ thở mệt, tím tái. Sau đó bé được chuyển đến Khoa Cấp cứu. Ê-kíp bác sĩ phải truyền kháng thể, các chế phẩm miễn dịch, bé mới dần hồi tỉnh. 

Mẹ của N. cho hay, bé bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh nên định kỳ hằng tháng phải đến bệnh viện để khám và truyền thuốc. Tuy nhiên, thời gian qua, TPHCM giãn cách xã hội, xe khách ở địa phương gần như không chạy tuyến TPHCM… Chị nghẹn ngào kể: “Tôi thường đi xe khách quen bởi bé rất dễ bị nhiễm trùng, chủ xe thông cảm cho hai mẹ con ngồi ghế trước. Do dịch, xe quen không chạy, các nhà xe khác nói đến TPHCM sẽ quay đầu về Bình Phước ngay chứ không cách ngày như trước. Xe chạy ít, sợ không có xe về nên tôi nhờ bác sĩ khám qua điện thoại. Tuy nhiên, con tôi phải truyền chế phẩm, bệnh viện chỗ tôi không có loại chế phẩm miễn dịch này. Một mình đi TPHCM với con thì tôi không chở được, vả lại có trạm chốt họ cần giấy xét nghiệm COVID-19, mà chỗ tôi ở không có xét nghiệm này…”.

Để qua chốt, mẹ con chị phải nhờ bác sĩ nói chuyện với người xét giấy tờ xin cho chị qua. May mắn, bác sĩ của bệnh viện kịp cấp cứu cho bé.

Cần chủ động liên hệ bác sĩ điều trị

Theo bác sĩ Trần Quỳnh Hương, Trưởng khoa Hô hấp 2 Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, không riêng các bé mắc bệnh mạn tính, bệnh nhi phải chạy thận nhân tạo định kỳ hay các bé mắc ung thư phải vô thuốc cũng rất gian nan khi đi chữa bệnh. Có bé phải cùng người thân ở trọ, có bé được chuyển đến bệnh viện địa phương, thương nhất là các bé bệnh mạn tính. Thời gian qua, các bác sĩ đã tiếp nhận rất nhiều cuộc điện thoại từ người thân của bệnh nhi, liên hệ bệnh viện địa phương để trẻ được vào điều trị. Tuy nhiên, không phải bệnh viện địa phương nào cũng có thuốc đặc trị, nhất là các bé mắc bệnh suy giảm miễn dịch. 

Ở những bé bị bệnh mạn tính nếu không được khám, sử dụng thuốc định kỳ hằng tháng sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ. Trẻ có thể bị sốc nhiễm trùng nếu suy giảm miễn dịch bẩm sinh, suy tim, suy hô hấp nếu mắc bệnh tim bẩm sinh, viêm phổi… ảnh hưởng rất lớn với sức khỏe của trẻ. Thời gian qua, nhiều trường hợp khi trẻ được đưa đến bệnh viện đã rơi vào nguy kịch phải hồi sức nhiều giờ đồng hồ mới qua nguy hiểm. 

Bác sĩ Trần Quỳnh Hương khuyến cáo, trẻ mắc bệnh mạn tính phải được chăm sóc kỹ lưỡng bởi gia đình và thăm khám định kỳ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp các bé gặp khó khăn khi đến bệnh viện, cha mẹ hãy chủ động liên hệ với bác sĩ điều trị chính cho bé để tìm cách hỗ trợ bệnh nhi nhanh nhất có thể, tránh chần chừ nếu không trẻ sẽ rơi vào nguy hiểm.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI