Trẻ bất ổn vì tự tạo áp lực

30/05/2022 - 09:00

PNO - Có những bất ổn của trẻ không từ trường lớp, gia đình mà do chính bản thân trẻ tạo ra.

Khi một đứa trẻ có hành vi tự hại, nhiều ý kiến cho rằng chính áp lực học tập, sự áp đặt, thiếu quan tâm và kỳ vọng của cha mẹ là nguyên nhân. Thực tế lại cho thấy có những bất ổn của trẻ không từ trường lớp, gia đình mà do chính bản thân trẻ tạo ra. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Không chấp nhận giới hạn năng lực bản thân 

Em T.N.G. (lớp 12) được gia đình đưa đi tham vấn tâm lý vì mẹ phát hiện trong ba-lô em có bức thư tuyệt mệnh. Nội dung bức thư chỉ vỏn vẹn vài dòng xin lỗi cha mẹ và dặn dò em gái thay mình chăm sóc cha mẹ… Em không nói gì về nguyên nhân lựa chọn của mình. 

Mẹ G. chia sẻ, từ ngày con gái có những biểu hiện tâm lý bất thường, gia đình không một phút bình yên. Vợ chồng trước đây chị luôn tự hào về con. Chị và chồng chưa từng gây áp lực học tập cho con, chỉ mong con vui vẻ, khỏe mạnh, thế nhưng con lại không hài lòng về chính mình. 

Chị kể, nhà có ba anh em, G. là con giữa. Anh trai lớn hơn G. một tuổi, học rất giỏi, chơi thể thao giỏi. Tuy không giỏi bằng anh, nhưng G. cũng luôn đứng top 10 trong lớp. Từ nhỏ G. đã cạnh tranh với anh, em luôn không hài lòng khi kết quả học tập của mình kém anh. Càng lớn em càng so bì với anh trai nhiều hơn. Để vượt được anh, em học bất kể ngày đêm. Nhiều đêm nhìn con cặm cụi học bài tới tận 2, 3 giờ sáng chị xót con, khuyên con đi ngủ, nhưng con bày tỏ sự khó chịu.

Biết tính con gái, anh chị không bao giờ so sánh giữa hai anh em. Đáng nói, dù em luôn cố gắng nhưng kết quả học tập vẫn kém anh trai. Chính vì vậy em lao vào học và thường xuyên trách móc bản thân. Khi anh trai được vào đội tuyển bóng rổ của trường, em cũng nằng nặc đòi đi học cầu lông để thi tuyển. Trong một lần luyện tập em bị ngã gãy tay, bác sĩ cho biết em không thể tiếp tục chơi thể thao, từ đó em không ngừng chỉ trích bản thân vô dụng, bỏ bê học tập… cho đến ngày mẹ tình cờ phát hiện bức thư. 

Nhiều đứa trẻ không chấp nhận giới hạn năng lực của bản thân, do đang trong quá trình hoàn thiện sự phát triển về mặt tư duy nhận thức, trẻ chưa đủ khả năng xác định được điểm mạnh, điểm yếu cũng như năng lực nổi trội của mình. Mặt khác, có những trẻ sinh ra đã mang trong người bản tính cầu toàn, luôn đòi hỏi bản thân làm gì cũng hoàn hảo. Thường những em này khó chấp nhận sự thất bại và dễ đắm chìm trong suy nghĩ tiêu cực về bản thân.

Em G. muốn khẳng định vị trí và giá trị của mình trong gia đình, muốn được ba mẹ công nhận, em cố gắng chứng minh năng lực của mình và lấy anh trai làm thước đo mà không nhận diện sự khác biệt về năng lực của mỗi người.

Khi sự cố gắng không như mong đợi, em cảm thấy thất vọng, chán nản và buông xuôi.

Áp lực đồng trang lứa 

Ngoài những trẻ tự tạo áp lực, lại có những đứa trẻ gặp áp lực từ bạn bè, hay còn gọi là áp lực đồng trang lứa. 

Gần đây, N.T.A. (lớp 11) không thể tập trung học, càng gần đến kỳ thi em càng trở nên mất tập trung. Em tâm sự với mẹ. Bà mẹ lo ngại con gái bị căng thẳng trước kỳ thi nên giúp con điều chỉnh chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, luyện tập yoga, thế nhưng tình hình của em vẫn không cải thiện. Ngay môn thi đầu tiên, em lên cơn hoảng loạn, suýt ngất trong giờ thi. Khi biết con gái bị rối loạn lo âu, ba mẹ em rất hoang mang. 

Chị chia sẻ, từ nhỏ T.A. đã rất yếu đuối và nhạy cảm nên gia đình không bao giờ gây áp lực học tập cho con. Ba mẹ khuyến khích con vui chơi, rèn luyện thể lực hơn là học tập. Khoảng hai năm nay, chị nhận thấy con gái thường xuyên thức khuya học bài, hay tỏ ra lo lắng quá mức và than phiền về kết quả học tập. Con còn muốn săn học bổng đi du học. Chị khuyên con gái không cần phải quá cố gắng, nếu con muốn đi du học gia đình vẫn đủ điều kiện lo cho con, nhưng con phàn nàn “mẹ không hiểu con”. 

Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com
Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com

T.A. chia sẻ, trong khi bạn bè đều đã xác định được mục tiêu, ước mơ của mình thì em lại rất chông chênh. Em thấy mình không có gì đặc biệt, không giỏi giang như các bạn, kết quả học tập bình thường, cũng không có năng khiếu gì nổi trội. Lúc vào phòng thi em sợ mình bị điểm kém, không đủ điều kiện để xét du học, sợ bạn bè cười chê, sợ bản thân không đền đáp được công ơn của ba mẹ… liền lúc đó, cơn hoảng loạn ập tới. 

Với T.A. em không chỉ bị đè nặng bởi áp lực từ bè bạn trang lứa “mong muốn được giỏi như các bạn” mà còn bị áp lực bởi ý định “muốn đền đáp lại tình yêu thương của cha mẹ”. Chính cảm thấy thua kém, mặc cảm và có lỗi… khiến em luôn sống trong trạng thái căng thẳng, lo lắng.

Cùng con vượt qua áp lực 

Bên cạnh đó, còn rất nhiều những áp lực, bất ổn tâm lý của trẻ đến từ những nguyên nhân khác như: trẻ bị bắt nạt học đường, miệt thị ngoại hình… Trong quá trình làm việc với trẻ vị thành niên, lắng nghe những nỗi niềm của các em, tôi nhận thấy mỗi đứa trẻ với những khí chất, tính cách khác nhau sẽ có cái nhìn về thế giới bằng nhận thức khác nhau. Có em lạc quan, vui vẻ, tràn đầy năng lượng tích cực, nhưng cũng có em mong manh, yếu đuối, thụ động và nhạy cảm hơn những đứa trẻ khác…

Dưới sự tác động của những sự kiện, biến cố, mỗi đứa trẻ với những khí chất khác nhau sẽ có cái nhìn khác nhau. Với một đứa trẻ lạc quan, tự tin, sẽ dễ dàng bỏ qua hoặc không bận tâm đến những lời nhận xét tiêu cực từ người khác, nhưng với đứa trẻ nhạy cảm, em sẽ cảm thấy đau khổ, khó khăn để vượt qua… dần dần những lời nhận xét này trở thành nỗi ám ảnh để lại tổn thương lâu dài trong tâm trí, thậm chí còn hình thành niềm sai lệch về bản thân.

Ảnh mang tính minh họa - Our-Team
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team

 

Có hai loại áp lực trẻ thường gặp phải khiến trẻ stress hay kiệt sức. Một là áp lực bên ngoài đến từ học hành, thi cử, kỳ vọng của gia đình. Thực tế nếu hiểu rõ về nó thì không khó để giúp trẻ vượt qua, bởi stress hay kiệt sức là tình trạng mất cân bằng giữa các nguồn lực trong cuộc sống. Tức là trẻ đang gặp phải nguồn gây căng thẳng nhiều hơn so với nguồn hỗ trợ, do đó để giúp trẻ, cha mẹ cần gia tăng nguồn lực hỗ trợ cho trẻ. Điều quan trọng là giúp trẻ xác định được mình gặp khó khăn ở đâu và ai có thể giúp đỡ. 

Áp lực thứ hai là áp lực bên trong, do chính trẻ tạo ra từ suy nghĩ của mình. Với những đứa trẻ trưởng thành sớm, dù cha mẹ không đặt kỳ vọng thì chính các em, trong cạnh tranh với bạn bè, hoặc muốn khẳng định bản thân, muốn được mọi người công nhận và ngưỡng mộ… các em sẽ tự tạo ra áp lực. Áp lực này giúp các em có động lực để hoàn thiện bản thân, nhưng khi sự cố gắng đó không như mong muốn sẽ dẫn đến đổ vỡ, suy sụp tinh thần.

Vì vậy, với những em có năng lực, áp lực này có thể dẫn đến thành công trong học tập, nhưng với những em năng lực giới hạn, nếu không biết chấp nhận bản thân thì đây chính là mầm mống sinh ra bất ổn tâm lý. 

Trong độ tuổi đang khẳng định mình, hầu hết các em đều khó chấp nhận giới hạn năng lực của mình, bởi các em có suy nghĩ rằng như vậy là chấp nhận mình thất bại, không bằng các bạn. Những em luôn đòi hỏi mọi thứ phải hoàn hảo càng căng thẳng hơn. Điều phải làm của người lớn là giúp trẻ nhận diện những điểm mạnh hay giới hạn của bản thân và chấp nhận giới hạn đó.

Cha mẹ cần giúp con khám phá ra tiềm năng và điểm mạnh, cùng con bồi dưỡng, phát huy điểm mạnh, đồng thời đặt ra giới hạn cho điểm yếu và học cách hài lòng với sự cố gắng của mình thay vì đòi hỏi mọi thứ hoàn hảo. 

Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Linh Giang

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI