Đi cấp cứu vì suy kiệt và căng thẳng
Chị P.T.C.V. cho biết con trai mình đã học sáu năm ở một trường quốc tế tại Q.7, TP.HCM. Bắt đầu từ đợt dịch COVID-19, giữa các phụ huynh và nhà trường xảy ra không ít bất đồng. Cảm thấy môi trường này không còn phù hợp với tiêu chí lựa chọn của gia đình, chị V. quyết định rút học bạ chuyển con về một trường tư khác.
Điều khiến vợ chồng chị bất ngờ nhất là T. có học lực giỏi nhưng lúc làm bài kiểm tra đầu vào ở ba trường dân lập khác đều trượt. T. bị sốc nặng, suốt ngày đóng cửa trong phòng và bỏ ăn. Chị V. hoang mang chia sẻ: “Trước giờ con tôi rất tự tin, luôn là học sinh giỏi. Thế mà vừa bước chân ra khỏi trường, những trường dân lập tương đương lại đánh giá cháu học yếu. Không chỉ con mà chính vợ chồng tôi cũng ngỡ ngàng, mất ăn mất ngủ”.
Đỉnh điểm là việc T. bị ngất xỉu phải đi cấp cứu do suy kiệt và căng thẳng. Bác sĩ cho biết nếu không gỡ được nút thắt này, cậu bé rất dễ bị trầm cảm. Chị V. phải chạy vạy nhờ vả khắp nơi để tìm trường cho con, bởi T. không muốn học trường công lập. Cậu bé cảm thấy tủi thân và không chịu nổi sự trêu chọc của bạn bè. Cuối cùng, chị V. cũng tìm được trường tư để gửi con mình. Tuy nhiên, T. rất chán nản, tỏ ra không còn hứng thú với việc học.
Chị V.K.D., ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM cho biết, cô con gái lớp Sáu tên N.T.A. của chị cũng đang gặp phải vấn đề khó hòa nhập khi chuyển cấp về trường mới. Ngay khi đón con sau buổi tựu trường, chị D. đã thấy con không vui. Chị gặng hỏi mãi, con mới tâm sự: “Trường có máy lạnh nhưng không bật đâu mẹ ạ, chỉ để máy cho có vậy thôi.
Nhà vệ sinh của trường rất dơ, không có giấy vệ sinh và nước xà bông rửa tay”. Không chỉ thế, A. còn kể rằng các bạn hay mang theo tiền để mua đồ ăn vặt ở căng-tin. Có bạn hỏi A. có tiền không cho mượn. Khi biết A. không có tiền, các bạn xúm lại xì xầm to nhỏ rồi cười cợt ác ý rằng “chắc nhà bạn này nghèo”. Đã vào năm học mới mấy ngày nhưng A. tỏ ra rất sợ đến lớp. A. cho biết không thích chơi với các bạn vì hay bị các bạn soi mói và trêu chọc.
Mới đây, ngày 28/8, Linh, một học sinh ở Hà Nội cũng phải đi khám tâm lý tại Khoa Sức khỏe vị thành niên Bệnh viện Nhi Trung ương vì rối loạn lo âu. Hết học kỳ I năm lớp Sáu, Linh nhận kết quả học tập trung bình, học kém ba môn toán - văn - tiếng Anh. Linh không ghi bài giảng trên lớp, chữ viết rất khó đọc, còn sách giáo khoa vẽ hình người kỳ quặc. Ở nhà, em không nói chuyện, tránh người nhà, ở lỳ trong phòng và xem ti vi, chơi điện thoại nhiều. Vì vậy, Linh bị mẹ mắng, song em chỉ im lặng rồi khóc, còn người mẹ bất lực.
Tại bệnh viện, Linh cho biết em không có bạn thân, không có bạn cũ cùng học ở tiểu học và cảm thấy khó khăn khi tham gia chơi cùng các bạn trong lớp. Các bạn trong lớp chia bè phái và nói xấu nhau. Linh không chơi cùng các bạn trong giờ nghỉ mà chỉ ngồi một mình, mối quan hệ với các bạn trong lớp ngày càng xa cách. Ngoài ra, chương trình ở bậc trung học cơ sở khác biệt, số lượng môn học tăng lên, yêu cầu trẻ phải viết nhanh, tiếp thu nhiều kiến thức hơn khiến Linh không kịp thích nghi…
|
Nhiều phụ huynh rất băn khoăn về vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh. Ảnh minh họa |
Các dấu hiệu bất ổn về tâm lý của trẻ
Bác sĩ Đinh Thạc - Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - cho biết, thời điểm đầu năm học mới, bệnh viện thường tiếp nhận ít nhất 3-5 trường hợp học sinh bị chấn động tâm lý do không hòa nhập được với trường mới, bạn mới.
Mới đây, bác sĩ Thạc tư vấn cho ba trường hợp (một trẻ mầm non và hai học sinh lớp Sáu). Bé mầm non không quen với nhà vệ sinh ở trường nên nín tiểu dẫn tới bị nhiễm trùng tiểu. Còn hai bé lớp Sáu vừa lên cấp II, chuyển qua trường mới, đi học soạn thiếu sách vở bị thầy cô la rầy, gọi điện phàn nàn với phụ huynh. Khi con về, mẹ của hai bé này phản ứng bằng cách quát mắng con khiến các bé lo lắng, thậm chí bỏ trốn khi tới giờ đi học để khỏi phải đến trường.
Theo bác sĩ Thạc, các học sinh chuyển về trường mới sẽ có ba mức độ tâm lý hay gặp. Thứ nhất là cảm thấy ngạc nhiên và phản ứng tiêu cực bằng cách thờ ơ. Thứ hai là thái độ trầm tư, mặt mày căng thẳng chứng tỏ bản thân đang lo lắng. Mức độ thứ ba nặng nhất, trẻ không màng chuẩn bị sách vở, thất thần, tự cách ly khỏi mọi người. Những trẻ này thường nhốt mình trong phòng kín, thích bóng tối, không giao tiếp với ai. Đây chính là dấu hiệu nặng của rối loạn lo âu, nếu không được can thiệp điều trị tâm lý sẽ dẫn tới trầm cảm, trẻ thậm chí tự làm mình bị thương, có nguy cơ tự tử.
Trước khi chuyển trường cho con, nếu phụ huynh có các bước giúp con chuẩn bị về tâm lý, theo sát và hỗ trợ con đúng mực thì trẻ sẽ hòa nhập nhanh hơn, tinh thần ít bị xáo trộn hơn. Thông thường, trẻ sẽ mất từ 2-3 tuần để quen trường, quen lớp.
Làm gì để chuẩn bị tâm lý cho con khi chuyển trường?
Bác sĩ Thạc khuyên rằng đừng để tới ngày nhập học cha mẹ mới đưa con tới trường mới. Ngay từ khi có kế hoạch sẽ chuyển trường cho con, phụ huynh cần làm các bước chuẩn bị tâm lý cho con từ xa tới gần, từ gián tiếp đến trực tiếp. Ví dụ, mỗi ngày trong bữa ăn, kể nhiều về ngôi trường định chuyển về, nói lên các ưu điểm của trường để trẻ cảm thấy hứng thú.
Hãy thường xuyên lồng thông tin về ngôi trường mới này vào các cuộc trò chuyện với con để con có sự quan tâm, hiếu kỳ. Sau đó, phụ huynh đặt ra các tình huống không mong muốn có thể xảy ra rồi định hướng cách giải quyết câu chuyện đó thông qua hình ảnh của một học sinh khác.
Chẳng hạn như: “Con của bạn mẹ cũng học ở trường này và lớn hơn con một tuổi. Năm trước chuyển về, lúc đầu anh/chị không quen vì nhà vệ sinh hơi cũ, không có giấy, không có nước rửa tay. Anh/chị ấy khắc phục bằng cách mang giấy ướt và chai sát khuẩn tay theo. Bây giờ, anh/chị ấy quen rồi, còn khoe là học ở đó rất vui”.
Hãy chở con đi ngang qua ngôi trường dự định chuyển con về, nếu có thể thì phụ huynh dẫn con vào trường tham quan. Cuối cùng, khi chính thức chuyển trường cho con, trong 2-3 tuần đầu, cha hoặc mẹ phải đưa con tới trường (kể cả những trẻ lớn) để con không cảm thấy cô đơn.
Vài ngày đầu, hãy đưa con vào tận trường. Khi đón con, cha mẹ cần thường xuyên hỏi han xem con có gặp khó khăn gì không. Nếu nhà vệ sinh quá dơ, cha mẹ cần góp ý để nhà trường khắc phục. Nếu trường mới không có giấy vệ sinh và xà bông rửa tay, cha mẹ nên trang bị cho trẻ để con cảm thấy dễ dàng hơn.
Trong trường hợp con bị bạn mới bắt nạt, cha mẹ có thể nói chuyện với cô giáo, nhờ cô giải thích cho các bạn hoặc trực tiếp gặp bạn của con nói chuyện, khuyên bạn thông cảm đừng trêu chọc con nữa.
Những học sinh chuyển từ trường tư về trường công lập là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Phụ huynh cần giữ kênh kết nối với giáo viên chặt chẽ, biết được con đang đuối môn nào thì tìm cách giúp con bằng nhiều cách như: học bài cùng con, thuê gia sư phụ đạo thêm các môn con học yếu.
Cha mẹ đừng quá bảo bọc mà hãy hướng dẫn con làm, tự chuẩn bị đồ dùng học tập, sách vở. Như vậy, trẻ sẽ có trách nhiệm và tự nhận thức rằng đi học là việc của mình.
Cha mẹ tuyệt đối không mắng mỏ con nếu có điều gì đó con chưa theo kịp hoặc chưa làm đúng. Trẻ vừa chuyển sang môi trường mới nên cần thời gian để hòa nhập. Phụ huynh hãy khen ngợi con dù chỉ là điều rất nhỏ để khích lệ tinh thần bằng những câu như: “Ba thấy hôm nay cô giáo bảo con hòa nhập được rồi đấy. Thế là tốt, con cố gắng nhé”.
Không phải chỉ trẻ con mà ngay cả người lớn khi thay đổi sang môi trường mới đều cần thời gian để thích nghi. Chỉ cần có sự chuẩn bị tâm lý kỹ càng và luôn suy nghĩ tích cực thì sẽ vượt qua và hòa nhập được.
Đừng chọn bạn thay con!
Cha mẹ thường mắc phải sai lầm là chọn bạn cho con, muốn con kết bạn theo ý mình. Hãy để con tự chọn bạn, con chơi thân được với bạn nào là do sự hợp nhau về tính cách. Không thể cứ thấy bạn học giỏi, nhà khá giả mà áp đặt con phải thân.
|
Thanh Huyền