Trầy trật xin vào lớp bán trú

23/08/2017 - 09:08

PNO - Được học chương trình hai buổi, học tiếng Anh tăng cường 8 tiết/tuần, đỡ mất thời gian đưa đón…là những ưu điểm mà chỉ học sinh (HS) các lớp bán trú mới được thụ hưởng.

Chính vì vậy, phụ huynh (PH) dù phải xếp hàng nhiều giờ, hoặc phải đóng một khoản tiền ban đầu khá lớn, nhưng vẫn tình nguyện để con được vào bán trú.

Chấp nhận xếp hàng, đóng tiền… nhưng nào có dễ

Một số PH vừa đăng ký nhập học lớp 1 cho con tại Trường tiểu học Ngô Quyền (Q. Bình Tân, TP.HCM) cảm thấy “khó hiểu” khi được nhà trường cho mời từng người lên để thông báo con họ “lọt” vào danh sách lớp bán trú và để vào lớp này phải đóng 2 triệu đồng tiền máy lạnh. 

“Mỗi lớp trên dưới 50 cháu, mua máy lạnh gì mà mắc quá vậy? Danh sách bán trú nghe bảo chỉ có 200 em nhưng không thấy dán công khai. Trường gọi ai thì người đó biết. Không được gọi nghĩa là con bạn… rớt bán trú” - chị L.M.T., PH có con học lớp 1 của trường, cho biết.

Tray trat xin vao lop ban tru
Bữa trưa của học sinh bán trú Trường tiểu học Ngô Quyền

“Dù số tiền không nằm trong quy định và khá cao, nhưng chỉ cần biết con vào bán trú là đóng ngay chứ không cần nghĩ ngợi. Cả hai vợ chồng đều đi làm, con không được vào bán trú, phải đưa đón chắc chắn không xong”- anh Q.H. một PH vừa “trúng” danh sách bán trú, phân tích. 

Theo ông Võ Phương Bình - Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngô Quyền, PH có nhu cầu bán trú rất lớn nhưng trường không đủ phòng ốc để nhận hết nên phải từ chối nhiều trường hợp và vận động những PH làm nội trợ có điều kiện trông con thì nên cho con học một buổi. Trong hơn 

500 trẻ vào lớp 1 năm học này chỉ khoảng 220 cháu được vào lớp bán trú. 

Cũng tại Q.Bình Tân, đầu tháng 8, hàng trăm PH lớp 1 Trường tiểu học Bình Trị 1 đã rồng rắn xếp hàng xin cho con vào học bán trú. Chị Vương Nguyễn K. - PH lớp 1 kể: “Tôi xếp hàng từ 6g30 đến 7g30 thì đến lượt. Trường nhận vào hơn 800 HS lớp 1 nhưng chỉ tiêu chỉ có hai lớp bán trú nên yêu cầu phải có xác nhận đơn vị công tác của bố mẹ. Dù sau đó trường đã mở rộng nhận đến bốn lớp bán trú nhưng vẫn không đáp ứng đủ chỗ cho HS. Rất nhiều PH sau nhiều giờ xếp hàng mà không xin được, đành tiu nghỉu”.

Dù vất vả, tốn kém thế nào, cha mẹ vẫn muốn kiếm một suất bán trú cho con. Bởi đơn giản, học bán trú sẽ được thụ hưởng điều kiện giáo dục và chăm sóc tốt hơn. “Vào lớp bán trú, con mình được học chương trình hai buổi, cả ngày ở trường nên không phải đưa đón tới lui; được học và ngủ phòng máy lạnh; và quan trọng hơn là được học tiếng Anh tăng cường 8 tiết/tuần, còn HS một buổi thì chỉ học chương trình tiếng Anh bình thường” - chị Mỹ Quyên, một PH ở Q. Tân Phú, giải thích vì sao khó xin vào lớp bán trú.

Thống kê ban đầu ở nhiều quận, huyện tại TP.HCM cho thấy, do năm học này lượng HS tăng đột biến nên nhiều trường tiểu học đang từ dạy hai buổi/ngày phải chuyển xuống học một buổi ở tất cả các lớp. Do vậy, việc kiếm được một suất học bán trú lại càng gian nan. 

Muốn làm không dễ

Hiện nay, ưu tiên hàng đầu của các quận, huyện chịu áp lực về tăng dân số như Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp… là bảo đảm đủ chỗ học trước rồi mới tính đến nhu cầu bán trú. Theo ông Tạ Tân - Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú, tiêu chí hàng đầu là bảo đảm đủ chỗ học cho HS đến độ tuổi đến trường, nên tỉ lệ HS được học hai buổi/ngày chỉ dưới 30%, riêng bậc tiểu học dưới 50%. 

Tại Q.Thủ Đức, giải pháp để có đủ chỗ học cho HS là rút từ học 2 buổi, bán trú xuống một buổi. Các trường tiểu học như Bình Triệu, Đào Sơn Tây, Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh… đều phải thực hiện biện pháp này. Thực tế này khiến tỉ lệ HS bán trú và hai buổi không tăng lên theo kế hoạch mà còn giảm xuống.

Q.Gò Vấp chỉ có khoảng 60% số trường học tổ chức được lớp bán trú. Q.Bình Tân chỉ hơn 30% số trường có đủ chỗ để tổ chức bán trú cho HS… Hầu hết các trường cũng rơi vào thế lực bất tòng tâm.

Ông Võ Phương Bình cho biết: “Năm nay, trường chỉ có 5 lớp 5 ra trường nhưng chỉ tiêu lớp 1 phải nhận vào lên đến 519 cháu. Số phòng học không đủ để mở rộng thêm lớp bán trú. Trường hiện có 11 lớp bán trú từ lớp 2 đến lớp 5, số HS còn lại phải học một buổi. Phòng chỉ đạo trước mắt phải ưu tiên đáp ứng đủ chỗ học, nhưng thấy nhu cầu bức thiết nên trường quyết định tách thư viện, hội trường, phòng chức năng… để có thêm phòng học bán trú. PH phải đóng góp để sửa chữa, cải tạo, gắn máy lạnh”.

Trước áp lực quá lớn về các lớp bán trú, nhiều trường đã chọn cách làm như Trường tiểu học Ngô Quyền để có thêm chỗ học, chỗ ăn ngủ tạm thời cho HS. Nhưng đây cũng chỉ là biện pháp tình thế để giải quyết nhu cầu trước mắt. Về lâu dài thì cách làm này không ổn, bởi thư viện, hội trường và các phòng chức năng đều có chức năng riêng của nó trong quá trình giáo dục chứ không phải là vô nghĩa.

Giải pháp căn cơ vẫn phải là công tác quy hoạch trường lớp phải đón đầu được xu hướng tăng dân số để tránh bị động và đáp ứng đủ chỗ học cho người dân. Tuy nhiên, mục tiêu đó vẫn nằm ở thì tương lai, còn trước mắt để con vào bán trú, PH vẫn phải chịu mọi “khổ nhục kế”, trong đó có xếp hàng, chầu chực, xin xỏ.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, chỉ tiêu đến năm 2020, tỉ lệ HS được học 2 buổi/ngày sẽ đạt 100% với tiểu học và 65% với THCS. Nhưng với tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh trong khi nhiều dự án trường lớp còn chậm tiến độ nên mục tiêu này rất khó đạt được. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI