Trầy trật vay vốn ưu đãi để xây, sửa nhà

29/11/2022 - 12:15

PNO - Theo Sở Xây dựng TPHCM, hiện nay việc hỗ trợ vốn vay cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố còn nhiều vướng mắc, khiến nhiều người có nhu cầu vay chưa tiếp cận được nguồn vốn.

Các vướng mắc chủ yếu như: Người vay không đảm bảo nguồn vốn tự có (30% đối với xây/sửa nhà); lao động là người ngoại tỉnh không có hộ khẩu thường trú; ở các huyện ngoại thành, đất của cha mẹ cho con cái gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục tách thửa nên nhiều trường hợp nhà sau khi tách ra ở riêng không có giấy chủ quyền...
Trong khi đó, mức vay để xây mới, sửa chữa nhà ở tối đa hiện nay chỉ có 500 triệu đồng. Nếu chấp nhận vay tiêu dùng từ ngân hàng thương mại, người dân sẽ được vay mức cao hơn, dù lãi suất cũng cao hơn nhưng nguồn vốn đảm bảo cho nhu cầu xây, sửa nên người dân chọn vay vốn vay từ ngân hàng thương mại. 

Với cán bộ, công chức, viên chức, do được hỗ trợ thêm tiền lương từ ngân sách địa phương theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, nên đều thuộc diện nộp thuế thu nhập thường xuyên, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định hỗ trợ vốn vay cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Còn đối tượng cho vay của Quỹ Phát triển nhà ở thành phố lại chỉ giới hạn trong phạm vi đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực hưởng lương ngân sách thành phố, lực lượng vũ trang và cơ quan thuế thành phố, chưa mở rộng đến các đối tượng khác có khó khăn về nhà ở.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TPHCM, từ năm 2018 đến ngày 30/9/2022 chỉ có 310 lượt khách hàng được vay vốn chương trình cho vay Nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP trên địa bàn thành phố. Trong điều kiện kinh tế hiện nay, chi phí nguyên vật liệu và nhân công tăng cao, với mức vay tối đa không quá 500 triệu đồng để xây dựng mới 1 căn nhà trên địa bàn thành phố là chưa đảm bảo việc thực hiện, cần nâng thêm mức cho vay nhưng không quá 1 tỉ đồng.

Ngọc Bích

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI