Trầy trật tiêu thụ sản phẩm OCOP

31/10/2023 - 05:45

PNO - Các sản phẩm thuộc chương trình quốc gia “Mỗi xã 1 sản phẩm” (OCOP) mang đặc trưng riêng của địa phương hoặc có tính độc đáo, đạt các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng nhưng việc tiêu thụ lại rất trầy trật.

Không biết bán ở đâu, cho ai 

Trong gian hàng bày bán sản phẩm của tỉnh Gia Lai ở Tuần lễ sản phẩm OCOP vừa diễn ra tại TPHCM, biển hiệu “Chả cá thác lác Cô 6 Ayun Hạ” khiến nhiều người tò mò do nghĩ rằng cá thác lác chỉ có ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Cá thác lác được đánh bắt ở hồ Ayun Hạ giòn, dai và thơm ngon hơn cá nuôi, giá 250.000 đồng/kg, chỉ cao hơn cá nuôi ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ từ 10.000-20.000 đồng/kg. Thế nhưng, chưa có nhiều người tiêu dùng biết đến thương hiệu Chả cá thác lác Cô 6 Ayun Hạ.

Ông Ngô Viết Giỏi - Giám đốc cơ sở thủy sản Cô 6, đơn vị sở hữu thương hiệu này - cho biết, chả cá thác lác Cô 6 Ayun Hạ đạt chuẩn OCOP 3 sao, được nằm trong nhóm sản phẩm được ưu tiên quảng bá của tỉnh Gia Lai. Ông đã đem sản phẩm này đi dự nhiều hội chợ, tuần lễ OCOP để tiếp thị với chi phí không nhỏ. Thế nhưng, sản phẩm này vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. 

Việc nhiều sản phẩm OCOP na ná nhau về chủng loại, mẫu mã dù đến từ nhiều địa phương khác nhau là một trong các nguyên nhân khiến sản phẩm khó tiêu thụ (ảnh chụp tại “Tuần lễ sản phẩm OCOP” ở công viên Lê Thị Riêng, quận 10, TPHCM)
Việc nhiều sản phẩm OCOP na ná nhau về chủng loại, mẫu mã dù đến từ nhiều địa phương khác nhau là một trong các nguyên nhân khiến sản phẩm khó tiêu thụ (ảnh chụp tại “Tuần lễ sản phẩm OCOP” ở công viên Lê Thị Riêng, quận 10, TPHCM)

Theo ông Nguyễn Văn Măng - Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang - rất khó lý giải nguyên nhân khiến việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP nói chung gặp khó khăn, trắc trở. Có những sản phẩm nhiều tỉnh cùng có, trùng lắp nên khó bán. Chẳng hạn như chả cá thác lác, chả sặc rằn, trà mãng cầu xiêm, khô cá lóc, trà khổ qua rừng, nem chua, chuối sấy, da cá tẩm vị, bưởi non sấy, giỏ xách lục bình, bún khoai lang. Nhưng có những sản phẩm độc đáo, có sự đầu tư sản xuất như nước màu kho cá từ trái thơm, củ hủ thơm làm dưa chua, sữa dê chua vị sầu riêng, kem làm từ trái gấc… vẫn khó bán. 

Phải bán thứ thị trường cần 

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM - nhận định, hiện chưa có nhiều sản phẩm OCOP được thị trường chấp nhận. Các nhà sản xuất dường như vẫn đi theo hướng “hữu xạ tự nhiên hương”, chỉ chú tâm làm cho sản phẩm tốt hơn mà chưa tìm hiểu thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng để đáp ứng.

Ông dẫn chứng, đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, hạt mắc ca, yến sào đều tốt cho sức khỏe nhưng tỉnh nào cũng có những sản phẩm này, bao bì lại na ná nhau. Một vài sản phẩm đông trùng hạ thảo được đựng trong hộp gỗ nhưng so với hộp sâm Hàn Quốc, hộp đông trùng hạ thảo của Trung Quốc thì thua xa về độ bắt mắt. Theo ông, nhiều nhà sản xuất vẫn chưa chọn được khách hàng mục tiêu cho sản phẩm. Chẳng hạn, nếu sản xuất một sản phẩm thức uống đại trà cho mọi lứa tuổi thì không thu hút, nhưng nếu làm thức uống ấy có dưỡng chất DHA hoặc canxi dành cho trẻ em, có tổ yến hoặc dưỡng chất dành cho người già thì sẽ thu hút khách hàng hơn.

Ông Nguyễn Nguyên Phương cho hay, một hệ thống siêu thị ở TPHCM chỉ bán yến thô được 1 tỉ đồng/năm nhưng bán nước yến được 15 tỉ đồng/năm là nhờ lon nước yến đẹp, bắt mắt, phù hợp với nhu cầu người dùng mặc dù hàm lượng yến trong sản phẩm có thể không nhiều bằng tổ yến thô. Do đó, nhà sản xuất phải quan tâm, chăm chút cho phân khúc khách hàng mà mình hướng đến. Muốn bán được sản phẩm ở thị trường TPHCM, họ cần được các chuyên gia về thị trường ở TPHCM tư vấn, hướng dẫn. Trong các chương trình kết nối cung cầu giữa TPHCM và các địa phương khác, Sở Công Thương TPHCM luôn sẵn sàng hỗ trợ để nhà sản xuất gặp gỡ các chuyên gia này. 

“Nhà cung cấp nên khai thác thêm các kênh truyền thông, thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Để giảm chi phí và tăng cường hiệu quả quảng bá, các doanh nghiệp cùng lĩnh vực cần liên kết đưa sản phẩm lên sàn, sở công thương các tỉnh cũng cần có tác động để các sàn thương mại điện tử giảm chi phí cho doanh nghiệp” - ông Nguyễn Nguyên Phương nói.

Theo tiến sĩ Đậu Thị Mai Liên (Viện Sáng kiến Việt Nam), một số nước - chẳng hạn Thái Lan - có ngân sách để hỗ trợ người sản xuất sản phẩm OCOP thiết kế bao bì, đóng gói, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại. Chính phủ lựa chọn sản phẩm độc đáo mang đậm nét đặc trưng của địa phương để phát triển, tư vấn thiết kế mẫu mã bắt mắt để nâng tầm lên thành sản phẩm quốc gia, xuất khẩu ra thế giới. Chính phủ có các hình thức hỗ trợ khác nhau cho từng địa phương có sản phẩm đặc thù. Có địa phương được hỗ trợ thành lập chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm, sử dụng hệ thống thương mại điện tử để phát triển kênh phân phối, có địa phương được hỗ trợ liên kết với các tập đoàn lớn để đưa sản phẩm OCOP ra các trạm xăng, cửa hàng miễn thuế, trạm nghỉ sân bay, hội trại thanh niên, điểm dừng chân du lịch… Đó là các chính sách chúng ta cần tham khảo, áp dụng để hỗ trợ người sản xuất sản phẩm OCOP.  

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI