Trầy trật đòi thuế, cuối cùng Uber cũng chịu trả 30 tỷ đầu tiên cho Việt Nam

21/02/2017 - 06:27

PNO - Theo dữ liệu của Tổng Cục thuế, hiện Uber đã chấp hành nộp gần 30 tỷ
đồng tiền thuế.

Câu chuyện về Uber bị Bộ Giao thông Vận tải trả lại “Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” gây sự chú ý của nhiều người thời gian gần đây. Đặc biệt, vấn đề thu thuế của Uber tiếp tục được báo chí, giới chuyên gia trong ngành mổ xẻ.

Trả lời tại chương trình bàn tròn trực tuyến “Việt Nam thích ứng thế nào với các hiện tượng kinh tế mới?”, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng – Trưởng ban cải cách, hiện đại hóa, Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính), cho biết đến nay, theo dữ liệu của cơ quan thuế, Uber đã nộp gần 30 tỷ đồng. Trong đó, nghĩa vụ thuế nhà thầu khoảng gần 10 tỷ đồng, còn lại kê khai nộp hộ các lái xe tham gia mạng lưới khoảng hơn 20 tỷ đồng.

Theo ông Tiến, Uber là một hiện tượng mới. Bộ Kế hoạch Đầu tư chưa có phân ngành hoạt động đó trong các hoạt động kinh tế tại Việt Nam.

Tray trat doi thue, cuoi cung Uber cung chiu tra 30 ty dau tien cho Viet Nam
Theo giới chuyên gia, phản ứng đầu tiên của các cơ quan quản lý nhà nước, người dân tham gia thị trường đôi khi chưa kịp thời với các loại hình mới xuất hiện.

Bộ Giao thông Vận tải nêu đây có phải là hoạt động vận tải hay là hoạt động công nghệ kết nối vận tải. Tuy nhiên, hiện vẫn còn là tranh cãi, chưa kết thúc. 

“Nhưng từ vai trò quản lý nhà nước về thuế, chúng tôi đã phải bước lên phía trước. Bởi doanh nghiệp đã hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, đã phát sinh thu nhập ở Việt Nam, chúng tôi nhìn nhận được cơ sở thu nhập phát sinh, người Việt Nam tiêu dùng là phải nộp thuế”, ông Tiến khẳng định.

Sau khi bị bác đề án, nhiều câu hỏi đặt ra, liệu rằng Uber có bị cấm hoạt động ở Việt Nam hay không? TS Nguyễn Đức Thành cho hay không chỉ Uber mà sự xuất hiện của những công nghệ, mặt hàng, dịch vụ mới đều nảy sinh nhiều vấn đề gây tranh cãi.

Từ góc độ quản lý nhà nước, chủ yếu là quản lý về thuế của Việt Nam, theo TS Thành, thách thức đặt ra là xác định doanh nghiệp này đang làm cái gì cũng rất khó, thu nhập của anh ta phát sinh ra thuộc dạng gì để đánh thuế, đánh theo luật gì đang có? Thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu hay thuế thu nhập doanh nghiệp?

“Nguyên tắc của quản lý nhà nước là phải áp được đúng loại hình, phải định danh hoạt động của doanh nghiệp là gì thì mới quản lý được, như quản lý đánh thuế. Nói đơn giản là khi chúng ta còn chưa biết định danh như thế nào, không biết làm thế nào thì điều đó sẽ gây ra sự hoang mang ban đầu.

Nhưng chỉ là ban đầu thôi. Sau đó, tôi nghĩ rằng, xã hội tiến hóa và sẽ có cách định danh cho nó- loại hình kinh doanh mới đó”, TS Nguyễn Đức Thành phân tích.

Ông Thành cho rằng phản ứng đầu tiên của người dân, của các cơ quan quản lý nhà nước và cả những người đang tham gia thị trường hiện nay đôi khi là chưa kịp thời với thực tế các vấn đề kinh tế mới nảy sinh. Thậm chí, có những phản ứng tiêu cực từ xã hội rằng, doanh nghiệp đó làm như thế là phạm luật, là cướp cơm của người khác, là làm điều gì đó xấu.

“Bản chất vấn đề chỉ là cái mới xuất hiện. Rõ ràng là họ tạo ra dịch vụ, mang lại lợi ích cho khách hàng và có thu nhập chính đáng. Vì vậy, tôi nghĩ không thể đối xử với họ như một việc phản lại sự tiến bộ được. Chúng ta không thể chống lại những xu hướng đó được. Đó là nguyên tắc”, TS Thành khẳng định.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã trả lại Đề án thí điểm Ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber Việt Nam).

Theo bộ này, việc ủy quyền của Công ty Uber BV (Hà Lan) cho Uber Việt Nam tham gia đề án và thực hiện các nghĩa vụ trong Quyết định số 24/QĐ-BGTVT là chưa phù hợp.

Cụ thể, Uber Việt Nam là đơn vị xây dựng và đề xuất phê duyệt đề án thí điểm dựa trên ủy quyền của Công ty Uber BV không đảm bảo ràng buộc trách nhiệm của Uber BV trong việc thực hiện.

Bởi ngành nghề kinh doanh đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Uber Việt Nam chỉ bao gồm “hoạt động tư vấn quản lý” và “nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận”, không liên quan đến hoạt động được ủy quyền.

Về nội dung ứng dụng hợp đồng điện tử, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng Uber cần bổ sung mô tả và phân tích chi tiết nội dung, quy trình giao kết hợp đồng vận tải qua ứng dụng Uber.

An Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI