'Trầu cau' đời mới: Anh Hai hiền lành nên chú Tư 'luộc' cả chị Hai

03/04/2017 - 09:57

PNO - Cuộc họp gia đình để giải quyết hậu quả “trầu cau” diễn ra căng thẳng, hơn chục người tham dự với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Anh Hai khóc. Anh Tư im lặng.

Từ nhỏ đến giờ tôi vẫn nghĩ Sự tích trầu cau chỉ là câu chuyện cổ tích được người xưa hư cấu, khởi nguồn từ cái “ôm nhầm” của chị dâu với em chồng, vì hai anh em giống hệt nhau; câu chuyện chỉ là biểu tượng của tình nghĩa keo sơn, thắm thiết của anh em, chồng vợ.

Không ngờ, chuyện này đã được những người thân trong gia đình tôi “viết lại” với nhiều tình tiết ly kỳ, bất chấp đạo đức, gây đau lòng cho nhiều người liên quan. 

'Trau cau'  doi moi: Anh Hai hien lanh nen chu Tu 'luoc' ca chi Hai
 

Cha mẹ tôi có bốn người con, nếp-tẻ xen kẽ. Tôi may mắn được học hết tú tài, cả ba anh chị đều chưa qua tiểu học. Chị gái và tôi đều đã lập gia đình. Anh Hai tuổi Dần, cưới vợ năm 21 tuổi, được cha mẹ cất nhà cho ra riêng ở cuối khoảnh ruộng. Anh là người an phận, hiền lành, hơi yếu đuối. Chị lanh lợi, sành sỏi, thường tự cho mình thông minh hơn bạn bè cùng lứa.

Nhan sắc của chị chỉ trung bình nhưng nét đa tình ẩn trong ánh mắt “lúng liếng” rất dễ gây ấn tượng cho người đối diện khi tiếp xúc. Anh Tư đang ở cùng cha mẹ, tuổi Thân mà số phận cũng “trần thân” từ nhỏ. Anh giỏi dùng “mưu mẹo” để được chiều chuộng, biết gây áp lực để chiếm lợi thế; là “tay chơi miệt vườn” có sở thích quái lạ là tán tỉnh những phụ nữ lớn tuổi hơn, đã ly hôn, chồng chết.

Anh thường tuyên bố với bạn bè: “Tao chưa cưới vợ là để tận hưởng gió đưa, gió đẩy. Ai đưa, tao đẩy!...”. Mọi người nghĩ anh chỉ đùa cho vui, đến khi phát hiện sự thật phũ phàng: anh “luộc” cả chị dâu mình! Họ “giao dịch” thầm lén nhiều năm mới vỡ lở, lại do chính thằng con đầu lòng của anh chị Hai phát hiện. 

Anh chị Hai vốn rất hạnh phúc trong khoảng 5 năm đầu hôn nhân, hai con trai ra đời (hiện đã trưởng thành, chưa kết hôn). Cuộc sống khó khăn, anh vừa trồng lúa, chăn nuôi, vừa “ai thuê gì làm nấy miễn là lương thiện” để kiếm tiền. Chị Hai cũng giỏi giang, đảm đang nhưng chỉ mỗi tội là hay chê chồng hiền quá, dưới cơ bạn bè.

Anh Hai hiền lành, nể bạn nên cuối ngày làm việc là hay lai rai với chiến hữu. Rượu vào thì lăn ra ngủ, hôm sau lại “đi cày”, nên chuyện “trả bài” cho vợ ngày càng thưa thớt. Thiếu thốn, chị Hai có chiều hướng tìm chốn bù vào. Trong những cuộc nhậu chung, anh Tư vốn văn hoa, lại “nói dóc có bài” và “đô mạnh” nên ai cũng thích.

Riêng chị Hai thì luôn tấm tắc khen “chú Tư nó” có duyên, tâm lý, điệu đàng. Anh Tư tinh ý, nhanh chóng nhận ra “ý đồ” bật đèn xanh của chị dâu nên thường chủ động rủ anh Hai “gài” độ nhậu với vài bạn bè. Anh Hai luôn say mèm, ngủ khò trước khi tiệc tàn. Vậy là hai người có cơ hội chơi trò “thăm khám” tại chỗ. Linh cảm người chồng khiến anh Hai nghi ngờ, theo dõi và phát hiện sự thật “động trời” đã… bốn năm, nhưng do yếu đuối, không dám làm cho ra lẽ nên anh chấp nhận quan hệ tay ba kéo dài.

'Trau cau'  doi moi: Anh Hai hien lanh nen chu Tu 'luoc' ca chi Hai
 

Cuộc họp gia đình để giải quyết hậu quả “trầu cau” diễn ra căng thẳng, hơn chục người tham dự với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Anh Hai khóc. Anh Tư im lặng. Chị Hai nhận lỗi nhưng thú thật “đã thương chú”. Cô bác lắc đầu: “Tụi bây điên rồi, hết thuốc trị rồi! Chị dâu em chồng mà loạn luân với nhau”. Chị tôi chửi chị dâu thậm tệ. Mẹ tôi ngất xỉu, tỉnh lại chỉ nói: “Nhà mình bạc phước”.

Cha tôi ngồi lặng, sau đó bảo anh Hai ly hôn, tuyên bố không nhìn mặt anh Tư. Cuối cùng, anh chị Hai ly hôn. Tài sản anh chị đang quản lý là tám công đất vườn: hai công cha mẹ cho, hai công anh chị dành dụm mua, còn bốn công do cha mẹ tôi đưa tiền anh Hai mua (không giấy tờ chứng minh) nhưng sổ đỏ đứng tên anh Hai.

Vì cha mẹ mất sức lao động, ít học, ngại chuyện thủ tục giấy tờ; anh Tư thì ham chơi, lười biếng nên mới để anh Hai đứng tên sổ đỏ. Chuyện lại gút mắc vì chị Hai “bơ” chuyện đứng tên giùm cha mẹ chồng, khẳng định tại tòa rằng bốn công đất là tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, về nguyên tắc phải được chia đôi. Cha mẹ tôi thua đau vì không chứng minh được việc mình đã bỏ tiền ra để mua đất. Gia đình tôi càng phẫn nộ khi biết đó là “mưu” của anh Tư! 

Giờ thì anh Hai ít nói hẳn, cả ngày trầm ngâm, thích uống rượu một mình, ai khuyên anh cũng không nghe, mở miệng là than thở “tui vô dụng, tui mất hết”... Mẹ tôi đau buồn, ngã bệnh nằm một chỗ; cha già yếu nhưng vẫn tự tay chăm mẹ; tôi và chị gái tuy ở nhà chồng nhưng phải thường xuyên qua lại phụ giúp. Chỉ có hai người chị-dâu-cũ và em-chồng-cũ là vui sướng bên nhau, cất nhà ở chung, nghe đâu sắp đăng ký kết hôn. Chuyện xảy ra đã hơn năm, đến giờ tôi vẫn không trả lời được câu hỏi: “Tại sao?”. 

Hồng Duyên

(Bến Tre)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI