PNO - Trẻ thơ ở khắp mọi miền đất nước đã và đang được người lớn truyền lửa, tiếp sức, ươm mầm và lan tỏa những giá trị từ sách. Trao tặng sách cho trẻ em vùng sâu vùng xa cũng là sự gửi gắm kỳ vọng của những người đi trước.
“Con nói con tên là Chở, học lớp Bốn. Con người Mông nên tiếng Việt cũng hơi lơ lớ. Tôi hỏi con thích học môn gì, ước mơ lớn lên làm gì… Con nhìn xa xôi, ngơ ngác. Có lẽ trước giờ chưa ai hỏi ước mơ của con nên Chở hơi bất ngờ, trong phút chốc trả lời chưa được. Mong là quyển sách con đang đọc và những quyển tiếp theo của “Thư viện Ước mơ” sẽ mở ra cho con những chân trời ước mơ rất mới, rất khác, con nhé!” - một câu chuyện nhỏ cùng hình ảnh bé Chở đang đọc sách được chị Nguyễn Phi Vân (tác giả sách, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư thiên thần Đông Nam Á, người sáng lập dự án “Thư viện Ước mơ” - Library of Dreams) chia sẻ trên trang cá nhân.
Nhà văn Hoài Hương (thứ hai từ phải sang) trong chuyến trao tặng thư viện cho trường THCS Bình Thạnh (Đức Trọng, Lâm Đồng) - Ảnh do nhà văn Hoài Hương cung cấp
Đó là vào những ngày tháng 2/2023, chị cùng các thành viên dự án đến Hà Giang, trao tặng 11 thư viện cho các trường mầm non và tiểu học ở miền cao. Hàng chục ngàn bản sách vừa được trao tặng cho học trò các trường dân tộc bán trú Nghĩa Thuận, Sủng Là, Sà Phìn, Tả Lũng… “Tâm nguyện của chúng tôi là làm sao cho trẻ em Việt Nam được chuẩn bị tốt nhất cho tương lai. Trẻ em Việt Nam cần bổ sung thêm nhiều kiến thức không có trong sách vở, các em học không chỉ để biết, để làm mà còn để chung sống, để tự khẳng định mình” - đại diện dự án “Thư viện Ước mơ” chia sẻ. Trước đó, dự án “Book for a better future” của quỹ LOAN (nhà văn Isabella Muller sáng lập) cũng đã đưa sách đến với trẻ em vùng sâu vùng xa của tỉnh Hà Giang.
“Ở nhiều huyện miền núi, dù thu nhập không cao, các thầy cô giáo vẫn rất bền bỉ trong việc giới thiệu sách hay, hướng dẫn, động viên học trò đọc sách trong thư viện” - chị Hoàng Thị Thu Hiền - Trưởng ban dự án “Sách hay cho học sinh tiểu học” - chia sẻ. Từng tham gia đưa sách về Hà Giang cùng quỹ LOAN, chị Vũ Yến (hiện công tác tại Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM) nói chị đã vô cùng xúc động khi tận mắt nhìn thấy sự háo hức, vui sướng của các em nhỏ vùng cao khi được nhận sách mới.
“Trẻ em nghèo nơi nào cũng thiếu sách hay, sách mới. Chúng tôi đã và đang tiếp tục trao tặng sách đến các trường vùng sâu, vùng xa nhưng thấy cũng chỉ là muối bỏ bể. Chỉ mong những hoạt động ý nghĩa này sẽ ngày càng được lan tỏa, nhân rộng” - nhà văn Hoài Hương - người thực hiện dự án “Câu chuyện ước mơ cho em” - bày tỏ.
Tháng Ba này, dự án “Câu chuyện ước mơ cho em” (do nhà văn Hoài Hương và nhà văn, luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu khởi xướng từ năm 2018) sẽ đến với trẻ em vùng sâu thuộc tỉnh Bình Phước. Ở mỗi trường, dự án trao tặng hơn 500 bản sách nhiều thể loại, lĩnh vực. Bắt đầu từ tâm huyết cá nhân, dự án ngày một lan tỏa, nhận được sự đóng góp ủng hộ sách của cộng đồng. Nhà văn Hoài Hương cho biết, những năm qua dự án đã trao tặng sách tại nhiều trường học tại các tỉnh: Đồng Nai, Đồng Tháp, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng… Trong năm 2022, Hội Nhà văn Việt Nam với dự án “Sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa” cũng đã trao hàng chục ngàn bản sách đến các em nhỏ nhiều tỉnh, thành miền Trung và phía Bắc.
Nối dài những vòng tay
Sau 6 năm thực hiện dự án “Sách hay cho học sinh tiểu học”, chị Hoàng Thị Thu Hiền tổng kết: đã có gần 500.000 bản sách và tạp chí được trao tặng cho 2.250 trường tiểu học tại 27 tỉnh, thành. Dự án cũng đã kết hợp trao học bổng, áo ấm, thực phẩm cho học sinh nghèo ở miền biên cương, các địa phương thuộc vùng sâu vùng xa. Thành quả đó là từ những chuyến đi “trèo đèo vượt thác, xuyên đêm vượt rừng, nhịn đói, nhịn khát, say xe, say sóng” của những cựu giáo viên tâm huyết.
Những vòng tay được nối dài từ yêu thương, lan tỏa giá trị và cùng nhau đóng góp của cộng đồng. Dự án “Sách hay cho học sinh tiểu học” ban đầu là vận động thầy cô và học sinh các trường tại TPHCM tham gia tiết kiệm, góp sách tặng cho vùng sâu vùng xa. Dự án “Câu chuyện ước mơ cho em” của nhà văn Hoài Hương có thêm cách thức bán sách gây quỹ cho dự án. Tuy nhiên, những phương thức này đều rất khó duy trì và phát triển lâu dài. “Nếu chúng ta có dự án lớn hơn, triển khai không chỉ ở các thành phố lớn mà ở các tỉnh thành, mọi người sẽ có thể trao đi những món quà sách cho trẻ em nghèo và cùng nhau lan tỏa, truyền cảm hứng đọc sách cho trẻ nhỏ” - nhà văn Hoài Hương bày tỏ.
“Thư viện Ước mơ” có được sự đồng hành của doanh nghiệp, hiện đã tặng 125 tủ sách ở hơn 20 tỉnh thành, mục tiêu hướng đến 1.000 tủ sách cho trẻ em nghèo trong năm 2023. Sự chung tay của các nhà tài trợ, doanh nghiệp, nhà xuất bản, các hội nghề nghiệp… chính là nguồn lực quan trọng, tiếp sức cho các dự án ý nghĩa đi được đường dài. Cùng với việc trao tặng sách, các dự án đều tổ chức sự kiện giao lưu, nói chuyện về sách, truyền cảm hứng đọc sách cho các em nhỏ. Trao tặng sách cho trẻ thơ cũng là gửi gắm bao kỳ vọng của người lớn về một thế hệ lớn lên từ những trang sách.