|
Các cơ chế, chính sách theo nghị quyết mới sẽ giúp TPHCM khơi thông, huy động nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển (trong ảnh: Trung tâm TPHCM nhìn từ phía Thủ Thiêm) - Ảnh: Đông Quân |
Trao quyền để tổ chức bộ máy phù hợp
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau) tán thành với hầu hết các cơ chế, chính sách đặc thù được nêu trong dự thảo nghị quyết: “Đây là những cơ chế, chính sách nên có và TPHCM hoàn toàn xứng đáng có”.
Theo ông, dự thảo nghị quyết này thực chất là đang cá biệt hóa quy định của pháp luật để tạo ra năng lực pháp lý riêng cho các chủ thể khác nhau. Trong những nhóm cơ chế, chính sách đặc thù này, ông lưu ý về tổ chức bộ máy của TPHCM: “Suy cho cùng, nếu trao quyền tích cực hơn mà bộ máy vẫn không đủ năng lực pháp lý, nhân sự không tương xứng thì 3 nhóm cơ chế về đầu tư, tài chính, đất đai cũng không còn ý nghĩa”.
Theo ông, cần trao năng lực pháp lý để HĐND, UBND TPHCM tự tổ chức bộ máy phù hợp với điều kiện của mình trên cơ sở Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ví dụ, nên cho phép TPHCM năng động tổ chức các sở, ngành liên quan đến văn hóa, kinh tế, linh hoạt trong định đoạt tổng số biên chế để tạo ra bộ máy vận hành phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của thành phố.
Ông cũng đề xuất trao cho TPHCM quyền phân cấp cán bộ mạnh hơn. Ví dụ, trung ương quản lý tới cấp trưởng, cấp phó của thành phố, còn ủy viên thường vụ thì nên để TPHCM tự quyết định và chịu trách nhiệm: “TPHCM cần được quyền ban hành các cơ chế nổi trội, thậm chí khác với quy định hiện hành để thu hút nhân tài. Nếu họ không được tự chủ về mặt này thì khó thu hút được nhiều nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội - mong muốn TPHCM có cơ chế, chính sách đột phá đủ mạnh để phát triển xứng tầm đầu tàu kinh tế của cả nước. Bà cũng lưu ý, vấn đề cốt lõi khi áp dụng nghị quyết mới chính là con người. Bà băn khoăn: dự thảo nghị quyết có trao cho TPHCM tự quyết về biên chế và tăng thêm cấp phó nhưng không nêu rõ lộ trình áp dụng để khi hết thời gian thí điểm, còn có cách giải quyết hợp lý. Khi thiết kế, cần phải cân nhắc thời gian thực hiện, tổ chức bộ máy khi hết thời hạn thí điểm, làm như thế nào để vận hành cho tốt.
Nên có những chính sách vượt trội hơn nữa
Đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (TP Đà Nẵng) nêu tính cấp thiết phải ban hành một nghị quyết mới cho TPHCM theo thể thức rút gọn ngay trong kỳ họp này để đảm bảo tính liên tục, tạo điều kiện cho TPHCM phát triển. Với vị trí đặc thù của TPHCM, cần có những chính sách đặc thù, nổi trội để thành phố tăng trưởng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức hiện tại.
Ông nói: “Một số ý kiến băn khoăn rằng, trong dự thảo về cơ chế, chính sách cho TPHCM, có những vấn đề nằm trong các dự thảo luật đang trình Quốc hội cho ý kiến. Nhưng tôi cho rằng, vấn đề là chúng ta tạo điều kiện để TPHCM tiên phong thí điểm. Do đó, có những vấn đề chưa được luật hóa nhưng do thí điểm nên cần chấp nhận cho vượt ra ngoài “đường biên”. Cái gì chưa có trong luật thì để TPHCM thí điểm, đột phá; còn nếu đã có thì không cần thí điểm nữa”.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua tiếp nhận ý kiến, về cơ bản, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với chủ trương xây dựng nghị quyết mới cho TPHCM. Nêu tính cần thiết của nghị quyết, ông phân tích: TPHCM đóng góp 27% tổng thu ngân sách cả nước và khoảng 17 - 18% trong tăng trưởng GDP cả nước. Vừa qua, tốc độ tăng trưởng của TPHCM bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Cơ chế theo Nghị quyết 54 đã tháo gỡ một số vướng mắc, khó khăn và có tạo chuyển biến tích cực, nhưng một số lĩnh vực, vấn đề còn chuyển biến chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thành phố.
Ông phân tích, trong 4 nhóm cơ chế, chính sách nêu trong dự thảo nghị quyết, hầu hết các chính sách nằm ở 3 nhóm đầu và đều có thể được ủng hộ ngay (gồm các cơ chế, chính sách kế thừa từ Nghị quyết số 54; cơ chế, chính sách được quy định trong các nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; các cơ chế, chính sách được nêu trong các dự thảo luật đang trình Quốc hội cho ý kiến). Riêng nhóm chính sách thứ tư (về các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa), theo ông, có thể phải nghiên cứu kỹ hơn.
Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với HĐND, UBND TPHCM, các nhà khoa học, chuyên gia để cố gắng xây dựng các chính sách mạnh nhất, phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của TPHCM nhưng có thể vẫn chưa đầy đủ. Do đó, bộ sẽ tiếp tục xét xem có chính sách nào mạnh hơn, phù hợp hơn hay không.
Theo ông, có ý kiến cho rằng, dự thảo nghị quyết hiện chưa đủ mạnh và đột phá: “Có ý kiến cho rằng, nếu cần nguồn lực, tại sao không cho TPHCM có cơ chế tự quyết với vốn vay ODA khoảng 10-20 tỉ USD để xây dựng các công trình trọng tâm, trọng điểm của thành phố. Trong những kế hoạch mà trước sau gì TPHCM cũng phải làm thì nên đẩy nhanh để tạo cú hích cho thành phố. Sau đó, quy mô kinh tế và đóng góp trở lại cho TPHCM và cả nước cũng lớn hơn nhiều, TPHCM hoàn toàn có khả năng trả nợ được”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ bàn thêm với lãnh đạo TPHCM trên tinh thần nghiêm túc nghiên cứu, thận trọng và kỹ lưỡng để tạo đột phá với các chính sách đủ mạnh: “Làm sao cho TPHCM phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa, xứng tầm hơn nữa với một giá trị mới, sứ mệnh mới”. Ông cũng nói thêm, trong thời gian áp dụng nghị quyết, phải có cơ chế giám sát, tổ chức thực hiện tốt và sau đó tổng kết, đánh giá từ thực tiễn. Những cơ chế, chính sách nào đúng, phù hợp thì sẽ được luật hóa, nhân rộng ra cho các địa phương khác chứ không chỉ bó gọn ở TPHCM.
Đầu tàu phải mạnh, mới kéo các toa đi nhanh Dù đã có Nghị quyết 54 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù nhưng chúng ta chưa tháo gỡ hết, chưa tạo thuận lợi cho TPHCM giải quyết tốt hơn các vấn đề của thành phố. Vì vậy, tôi rất mong muốn TPHCM và các bộ, ngành sẽ rà soát để có cơ chế phù hợp, thoáng hơn nữa, tạo điều kiện cho thành phố phát triển tốt hơn. TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước. Đầu tàu đủ mạnh mới kéo được các toa tàu đi xa và nhanh hơn. Ví dụ như ở Trung Quốc, Thượng Hải được trao nhiều cơ chế để phát triển vượt bậc so với các thành phố khác. Tương tự, chúng ta cần thí điểm để sau thời gian áp dụng, sẽ quay lại đánh giá, luật hóa các chính sách phát huy được hiệu quả. Ông Nguyễn Quốc Hận - đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau |
| Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - phát biểu tại buổi thảo luận tổ Quốc hội chiều 30/5 |
Có thể huy động hàng trăm ngàn tỉ đồng vốn đầu tư Dự thảo nghị quyết với hệ thống cơ chế, chính sách đột phá sẽ tháo gỡ vướng mắc, phát huy tiềm năng sẵn có của TPHCM, giúp thành phố phát triển đúng với vị trí, vai trò của mình, đóng góp cho cả nước. Việc xây dựng dự thảo nghị quyết cũng là việc chung của cả nước trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế sâu rộng. Nếu TPHCM tổ chức thực hiện các nhóm cơ chế, chính sách thành công, sẽ mang lại bài học kinh nghiệm thực tiễn về quá trình xây dựng, tổ chức thực thi pháp luật và một số nội dung về sau sẽ được luật hóa. Các cơ chế, chính sách sẽ tập trung khơi thông nguồn lực, huy động nguồn lực đầu tư xã hội qua các phương thức PPP, BOT, BT hay các cơ chế giúp TPHCM huy động nguồn lực thông qua phát hành trái phiếu, thông qua Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM. Nếu làm tốt, tôi tin rằng, trong 5 năm nữa, TPHCM sẽ huy động hàng trăm ngàn tỉ đồng cho đầu tư phát triển. Trong dự thảo nghị quyết này, cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực mới cho sự phát triển của TPHCM. Bên cạnh đó, việc phân cấp, phân quyền, tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, nhân sự giúp TPHCM, TP Thủ Đức chủ động hơn, giải quyết các vấn đề nhanh gọn hơn, hiệu quả hơn. Về tổ chức thực hiện, UBND TPHCM đã chủ động chuẩn bị để đạt kết quả cao nhất. UBND TPHCM đã tham mưu xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện nghị quyết và phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các thông tư, hướng dẫn. Không phải chờ đến khi Quốc hội thông qua mà hằng ngày, hằng tuần, UBND thành phố vẫn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo nghị định. Ngày 19/5, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch phân công chuẩn bị triển khai thực hiện nghị quyết (nếu được Quốc hội thông qua). Trong đó, có 11 đầu việc phải hoàn thành trong quý II và trình HĐND ở kỳ họp vào tháng 7/2023, như chuẩn bị dự thảo nghị định của Chính phủ, chỉ thị của Thành ủy, chuẩn bị kế hoạch toàn diện của UBND TPHCM và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách. Ngay sau khi Quốc hội thông qua dự thảo nghị quyết, Thành ủy sẽ tổ chức hội nghị triển khai thực hiện nghị quyết này. Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM |
Minh Quang