Trao quyền kinh tế cho phụ nữ

24/11/2023 - 06:32

PNO - Cần trao quyền kinh tế cho phụ nữ mạnh mẽ hơn nữa bởi phụ nữ là cứu tinh của nền kinh tế thế giới trong tương lai.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các doanh nhân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các doanh nhân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong lần dự buổi họp mặt của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhìn nhận, so với các đồng nghiệp nam, các nữ doanh nhân chịu nhiều thiệt thòi, gặp nhiều rào cản hơn nhưng cũng có những thế mạnh riêng; các doanh nghiệp (DN) do phụ nữ làm chủ có tính bền vững hơn. 

Theo kết quả điều tra của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau các đợt dịch COVID-19, gần 90% DN phải cho người lao động nghỉ việc, trong đó có 89,6% DN do phụ nữ làm chủ và 91,1% DN do nam làm chủ. Như vậy, biến động lao động ở DN do nữ làm chủ thấp hơn, tức là tính ổn định cao hơn. 

Khi trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM về hỗ trợ tín dụng cho DN, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - đánh giá, các khoản cho vay đối với DN do phụ nữ làm chủ có chất lượng tín dụng tốt, tỉ lệ nợ xấu luôn thấp hơn DN do nam giới làm chủ. 

Theo tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - cần trao quyền kinh tế cho phụ nữ mạnh mẽ hơn nữa bởi phụ nữ là cứu tinh của nền kinh tế thế giới trong tương lai. DN nhỏ và vừa, DN do phụ nữ làm chủ sẽ là “động cơ” chính vận hành nền kinh tế, là chủ nhân của nền kinh tế trong tương lai. 

 Pháp luật Việt Nam có nhiều quy định dành ưu tiên cho các DN do nữ làm chủ, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Nhưng khi áp dụng ở cấp địa phương, sự ưu tiên này dường như không có. Vai trò của các câu lạc bộ, hội, hiệp hội còn mờ nhạt khiến các nữ doanh nhân không biết tiếp cận thông tin từ đâu. 

Hiện các DN do nữ làm chủ đang đối mặt với 3 khó khăn lớn: tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn, biến động thị trường. Các khó khăn này do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, đòi hỏi phải có các giải pháp từ nhiều cơ quan, bộ ngành, địa phương và bản thân các DN. Theo tôi, cần thực hiện 3 nhóm giải pháp gồm ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. 

Về ngắn hạn, Chính phủ cần xem xét, đưa vấn đề “tạo thuận lợi, thúc đẩy DN do phụ nữ làm chủ phát triển” vào nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; rà soát, cắt giảm hơn nữa các thủ tục liên quan đến DN, nhất là lĩnh vực đất đai. Các cơ quan cấp địa phương cần tạo thuận lợi cho DN tiếp cận thông tin, nhất là khi có thay đổi về thủ tục, chính sách; xóa bỏ sự thiên vị đối với các DN lớn, DN ngoại (FDI), DN nhà nước để tạo sự bình đẳng cho mọi DN. 

Về trung và dài hạn, cần xây dựng chiến lược phát triển DN do phụ nữ làm chủ với các biện pháp ưu tiên cụ thể. Để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, nên phân tích, đánh giá, hoàn thiện những quy định pháp luật có ảnh hưởng tới phụ nữ. Thông qua các tổ chức như Tổng cục Thống kê, Cục Phát triển DN, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, nên xây dựng dữ liệu hoạt động kinh doanh của DN do nữ làm chủ ở cấp quốc gia, địa phương. Điều này giúp các đối tác, ngân hàng hiểu rõ hơn về tiềm năng của các DN do nữ làm chủ, từ đó giúp các DN này dễ tiếp cận vốn, tăng cơ hội hợp tác đầu tư với khối DN lớn khác. 

Cần đảm bảo các chính sách hỗ trợ DN mang tính hệ thống, xuyên suốt. Cần hỗ trợ cụ thể về vốn, lãi suất, thời hạn trả nợ… để phụ nữ kinh doanh ở quy mô siêu nhỏ, hộ gia đình chuyển đổi mô hình. Cơ quan nhà nước các cấp cần tăng cường đối thoại với các nữ doanh nhân để các chính sách liên quan đến họ đáp ứng được nguyện vọng của họ và phát huy hiệu quả. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI