Trao quyền giúp vợ

12/09/2022 - 05:51

PNO - Rất nhiều người đang tự hỏi vì sao họ cho đi rất nhiều nhưng chồng không động lòng.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Một cô con gái hỏi ba: “Làm thế nào để chàng trai ấy thích con?”. Người cha trả lời: “Hãy khiến anh ta mua cho con một cây kem”.

“Sau đó thì sao?”, con gái hỏi, và người cha nói: “Để anh ta mua thêm một cây nữa”. Người cha trong câu chuyện này đặc biệt hiểu rõ “hiệu ứng Franklin” và tâm lý con người. 

Benjamin Franklin là một nhà khoa học vĩ đại và là chính khách nước Mỹ ở thế kỷ XVIII. Ông từng nói: “Những người đã giúp đỡ bạn sẽ sẵn sàng giúp đỡ bạn một lần nữa”. Và các nhà tâm lý học thế hệ sau đã nghiên cứu, đưa đến kết luận: “Cách tốt nhất để khiến người khác thích bạn không phải là giúp đỡ họ mà là để họ giúp bạn”.

Soi chiếu điều này trong hôn nhân, có thể thấy những người vợ có xu hướng trao đi mọi thứ, cố gắng hy sinh vì chồng, và ngăn hướng ngược lại. Họ không tạo ra cơ hội để được chồng giúp và thường khiến cho ông xã giảm dần trách nhiệm với gia đình. Khi mức độ cho đi giữa hai bên chênh lệch quá nhiều, người vợ trở nên kiệt sức, tuyệt vọng và mối quan hệ rơi vào trạng thái bế tắc.

Rất nhiều người đang tự hỏi vì sao họ cho đi rất nhiều nhưng chồng không động lòng. Câu hỏi vẫn không lời giải nếu như họ chưa biết tới lý thuyết đơn giản: “Muốn được yêu thương, cần phải cho chồng cơ hội giúp đỡ mình”. 

Thanh Hà, một phụ nữ tôi quen, kể cô có thể bỏ ra hơn 300.000 đồng để mua một trái sầu riêng vì chồng cô thích ăn, nhưng nếu chồng Thanh Hà bỏ ra 200.000 đồng để mua hoa tặng vợ, cô sẽ than phung phí và từ đó chồng cô không mua hoa tặng vợ nữa. 

Trong chuyện nhà, Hà rất vui khi chồng đứng rửa chén. Nhưng nếu cô đang rảnh rỗi, cô sẽ giành việc ấy với chồng vì nghĩ “chồng đi làm cả ngày đã mệt rồi”. Những lúc nhìn chồng lóng ngóng lau cửa kính hay vất vả với con, cô sẽ nói: “Anh để đấy cho em!”.

Ba năm sau ngày cưới, chồng Hà ngày càng lười biếng và mặc định mọi việc là của vợ. Chồng cô nằm dài trên ghế sofa lướt Facebook trong khi cô tất bật từ sáng đến tối, anh chờ đến lúc dọn cơm thì mới ra ngồi vào bàn ăn, điều ấy khiến Hà như phát điên. 

Sau mỗi lần Hà nghiến răng trèo trẹo để sai bảo chồng, chồng Hà cũng có thể làm việc giúp vợ, nhưng vẫn không đủ. “Tại sao anh không bao giờ chịu chủ động giúp vợ? Cứ để em nói xong mới chịu làm? Làm thì không đâu ra đâu, chỉ thêm việc cho vợ! Một người chồng như anh, tôi thà không có còn hơn”, mâu thuẫn sẽ lên đỉnh điểm từ những lần Hà đay nghiến như thế.

Nhưng Hà không hiểu, chính tâm lý nạn nhân, đổ lỗi và trách móc của cô càng khiến chồng cô xa rời cái mong muốn “được cho đi” hơn. Anh cảm thấy không được khuyến khích, không được ghi nhận, không thấy mình là người có ích trong nhà, không có khả năng khiến vợ vui vẻ hơn. 

Nếu Hà nói dường như cô đã lấy nhầm chồng một lần, chồng cô có thể phủ nhận: “Em đừng nói thế”. Nhưng nếu sau hàng chục lần cãi nhau, lần nào Hà cũng nói ra điều này, cuối cùng thì chồng cô sẽ nói: “Đúng, anh vô dụng thật. Chúng ta thật sai lầm khi gặp nhau”.

Trở lại với câu chuyện về cây kem đầu bài viết, tất nhiên hình ảnh cây kem chỉ là một ví dụ để nói đến việc trao cho ai đó quyền được giúp ta. Thực tế, chúng ta không nhất thiết phải mua kem cho nhau, mà sự cho đi đa dạng hơn rất nhiều. Chỉ khi được cho đi, một người mới bận lòng suy nghĩ về việc người kia cần gì, thích gì, vì sao mình nên giúp đỡ, nhớ những kỷ niệm đã có với nhau… và đó chính là cách tình yêu phát triển.

Cái sai của Hà không phải là lấy nhầm chồng mà ở việc cô đã luôn giành quyền cho đi. Cô ôm đồm tất cả và đến khi chồng có thể giúp mình, cô lại phủ nhận nỗ lực của anh. Cô tiếp tục sai lầm khi vừa muốn chối bỏ người chồng, vừa muốn anh chiều chuộng và yêu thương mình, nhưng lại tập trung nói bằng sự tiêu cực.

Nếu trước một hành động dù chỉ là nhỏ của chồng mà cô cũng khích lệ, nếu mệt sẽ tâm sự, nếu vui vẻ sẽ rộn ràng… thì từng ngày trôi qua, chồng cô sẽ hiểu cách anh đang cố gắng là đúng. Một ai đó ghét mình còn có thể trở thành bạn nếu được giúp đỡ mình - theo câu chuyện về hiệu ứng Franklin - thì một người trong nhà đương nhiên càng có thể.

Người chồng càng giúp vợ nhiều sẽ càng gắn bó với vợ nhiều hơn, miễn là người vợ biết cách khuyến khích sự cho đi của chồng.

Chúng ta sẵn sàng cho đi, đối xử tốt với người khác vì yêu thích họ. Và ngược lại, một người cho đi càng nhiều thì sẽ càng dành sự quan tâm cho người mình yêu. Không nhất thiết phải cân bằng 50-50, nhưng cả hai bên cần phải sẵn sàng suy nghĩ vì nhau và giúp đỡ nhau trong đời sống vợ chồng. 

Cát Tường

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI