Trao 'quyền' cho con

11/06/2017 - 14:29

PNO - Để con tự quyết định những việc mong muốn hay buộc con phải theo đường do cha mẹ vạch sẵn là vấn đề nhiều người lớn vẫn băn khoăn.

Với cha mẹ, dạy con theo cách nào thì cũng chỉ vì mục đích duy nhất: cho con có một cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn.

Tuy nhiên, đó chỉ là cách nghĩ của cha mẹ; con cái đôi khi lại có cách nghĩ của riêng mình. Mời bạn đọc tham khảo ý kiến những khách mời của báo Phụ Nữ.

NSƯT Tuyết Thu; Cho con tự quyết định từ năm lớp 6

Trao 'quyen' cho con
NSƯT Tuyết Thu

Mẹ: Từ khi các con vào lớp 6, tôi nghĩ các con đã đủ lớn để có thể tự quyết định một số vấn đề của mình. Nếu trước đây, tôi bắt con gái phải học đàn, con trai phải học võ, dù các con không thấy hào hứng lắm, thì từ năm lớp 6 các con sẽ được chọn học những môn ngoại khóa hoặc kỹ năng mình thích.

Một khi đã tự chọn, con sẽ phải làm cho ba mẹ thấy được kết quả rèn luyện, học tập của mình. Khi con nghỉ hè, tôi cho con tự quyết định giờ giấc học hành, vui chơi… Đổi lại, các con phải lập ra và cho ba mẹ biết rõ thời gian biểu cụ thể từng ngày.

Ban đầu các con phản đối việc lập thời gian biểu, nhưng khi nghe mẹ giải thích, đó là cách để các con quen dần với việc sắp xếp cuộc sống và công việc của mình một cách khoa học, các con cũng hiểu ra. Thật ra là rất khó ép buộc con luôn phải theo ý cha mẹ, nên tôi chọn giải pháp phân tích để con có nhiều thông tin hơn về những điều mình mong muốn, rồi từ đó tự quyết định.

Tất nhiên, không phải việc gì mình cũng thuyết phục được con theo hướng mình mong muốn, nên trong một số trường hợp không quá quan trọng, hậu quả cũng không lớn nếu để con tự quyết định theo ý mình, tôi sẽ cho con “va chạm”. “Hậu quả” sẽ là bài học kinh nghiệm cho con.

Trao 'quyen' cho con
Con gái Tuyết Minh (11 tuổi), con của mẹ Tuyết Thu

Con gái: Những khi em vui, buồn, hay lúng túng với những vấn đề trong cuộc sống của mình, ba mẹ luôn sát cánh động viên và cho em những lời khuyên cần thiết. Với em, gia đình là nơi ấm áp và an toàn nhất.

Tuy nhiên, nhiều lúc em cũng buồn khi ba mẹ chưa hài lòng với kết quả học tập của mình, dù em đã cố gắng rất nhiều. Mẹ nghĩ là do em xem ti vi và chơi điện thoại nhiều nên lơ là học tập và thu giữ điện thoại của em. Biết mẹ làm vậy chỉ để buộc mình phải chú tâm hơn vào việc học nên em không dám cãi lại hay nói cho ba mẹ hiểu suy nghĩ của mình.

Em có ước mơ trở thành ca sĩ, mẹ cho em học hát, học piano nhưng em có cảm giác mẹ không muốn cho em làm, còn ba lại muốn em theo con đường kinh doanh của ba. Em nghĩ, nếu mình không đam mê, không yêu thích công việc của mình thì sẽ rất khó thành công. Em chỉ mới 11 tuổi, ba mẹ nói em còn rất nhỏ, ước mơ sẽ thay đổi khi lớn lên.

Em muốn chứng minh cho ba mẹ thấy em sẽ làm được điều mình muốn vì em có đủ ý chí và đam mê. Một thành viên của nhóm nhạc BTS từng nói với mẹ mình: “Con muốn thành công trên con đường mình đã chọn, chứ không muốn thành công trên con đường mình không có cảm hứng hay đam mê với nó!”. Em ghi nhớ mãi câu nói đó và ước gì mẹ hiểu được suy nghĩ của mình, giúp mình đạt được ước mơ. 

Nhà báo Thúy Bình: Càng bị áp đặt, trẻ càng dễ nổi loạn

*Mẹ: Thời của mình, cho đến tận khi vào đại học, tôi vẫn phải làm mọi thứ theo sự lựa chọn của ba mẹ. Vì thế, tôi từng nghĩ khi có con, cũng sẽ nuôi dạy con theo cách đó. Nhưng, tôi nhận ra, trong cuộc sống hiện nay, dạy con là việc ba mẹ phải học mỗi ngày để biết cách ứng xử phù hợp.

Trẻ bây giờ sớm ý thức được quyền của mình, dễ dàng tiếp cận nhiều thông tin đa dạng, cộng thêm sự phát triển tâm sinh lý ở tuổi mới lớn, nên không còn chấp nhận gò mình trong những khuôn phép người lớn áp đặt, nếu trẻ cho là vô lý. Từ kinh nghiệm nuôi dạy con của chính mình, tôi nhận ra càng bị cấm đoán, áp đặt, trẻ càng dễ nổi loạn và càng muốn làm theo ý của mình, như một cách phản ứng.

Ngược lại, nếu được ba mẹ giải thích, phân tích cụ thể và trao quyền tự quyết định, trẻ sẽ tự tin hơn và quan hệ giữa cha mẹ - con cái sẽ không trở nên căng thẳng. Những cuộc nói chuyện của hai bên cũng sẽ dễ dàng hơn và cha mẹ có nhiều cơ hội để hiểu con hơn. Xác định là vậy nhưng chứng kiến quá nhiều cạm bẫy trong xã hội, cộng thêm những áp lực từ cuộc sống, nhiều lúc tôi cũng không thể kiềm chế được cảm xúc.

Những lúc ấy, khi “đối thoại” chuyện bé có thể xé ra to, quan hệ tức thì sẽ trở nên căng thẳng. Cho con quyền tự quyết định, đối thoại với con một cách công bằng, chấp nhận những suy nghĩ khác biệt của con - là việc có lẽ cha mẹ nào cũng hiểu; nhưng áp dụng cụ thể thế nào vẫn là điều tôi đang phải học mỗi ngày.

Trao 'quyen' cho con
Nhà báo Thúy Bình

Con gái: Con được ba mẹ cho quyền quyết định trong nhiều việc. Là con gái nhưng con vẫn được học võ, học bơi, bóng rổ… Chuyện quần áo, mẹ chỉ định hướng để con biết nên ăn mặc sao cho phù hợp với hoàn cảnh xuất hiện, chọn mua gì vẫn là quyền của con.

Khi con lên bậc phổ thông cơ sở, mẹ chỉ tư vấn, con được tự chọn trường mình thích. Ba mẹ cũng không đặt chỉ tiêu, không buộc con phải đạt được thành tích này nọ trong học tập. Mẹ bảo, con cứ học bằng tinh thần thoải mái nhất, điểm số không quan trọng, chỉ cần con đạt kết quả bằng hết khả năng của mình.

Tuy nhiên, vẫn có những lúc con nghĩ không phải điều gì mẹ tư vấn cũng đúng. Khi đó, con sẽ tự làm theo ý mình. Mới đây, nhiều bạn trong lớp con để kiểu tóc mái dài, con cũng muốn theo “xu hướng” đó giống các bạn.

Vì thế, mẹ bảo cắt nhiều lần nhưng con không cắt, cứ giữ mái dài qua mắt, quyết tâm phải bảo vệ quan điểm của mình. Sau đó, do tóc đâm vào, con bị đỏ mắt; mắt sưng vù, rất xốn. Bác sĩ bảo mắt bị viêm, đề nghị cắt tóc mái cao lên để không gây tổn hại cho mắt. Hiểu ra, con hối hận lắm, đã xin lỗi mẹ vì không nghe lời.

Trao 'quyen' cho con
Con gái Lê Vy (13 tuổi), con của mẹ Thúy Bình

Anh Đỗ Anh Tuấn (thiết kế, in ấn): Thuyết phục bằng tình cảm

Bố: Tôi không nghĩ các con của mình là trẻ con, buộc phải chịu sự áp đặt của người lớn. Định hướng cho con phát triển đúng là việc cha mẹ phải làm nhưng con cũng có quan điểm, suy nghĩ của mình, cha mẹ phải biết tìm hiểu, khám phá thế giới của các con.

Thay vì yêu cầu các con làm điều tốt, tôi chỉ yêu cầu các con bỏ dần những thói quen xấu. Có những điều mình giải thích các con sẽ hiểu ngay, nhưng cũng có những điều không dễ dàng nói rõ khi các con còn quá nhỏ, chắc chắn là không thể hiểu hết những gì mình muốn nói.

Khi đó tôi sẽ thuyết phục bằng tình cảm: “Vì bố muốn thế! Có nhiều lúc bố thấy các con rất vô lý nhưng bố vẫn chiều theo thì lần này, các con hãy chiều theo bố nhé”. Tôi thường dùng tình cảm gia đình để nói chuyện với con. Khi tranh luận, đôi lúc trẻ có thể đi quá giới hạn cho phép, vì chính trẻ cũng không biết giới hạn đó đến đâu và còn quá nhỏ để có thể kiềm chế cảm xúc.

Nếu đó là một vấn đề quan trọng, khi con đi quá giới hạn, tôi sẽ không kết luận ngay là con hỗn, hay cấm con không được nói theo cách đó với bố mẹ; mà sẽ giải thích là với biểu hiện đó con đã làm tổn thương bố, mẹ hoặc anh chị em... Không riêng gì trẻ con, mà chính bố mẹ đôi khi cũng không đủ kiên nhẫn để nói chuyện với con. Những lúc đó, tốt nhất là nên biết “tránh xa nhau ra”; khi đủ bình tĩnh tôi sẽ suy nghĩ lại xem mình và con ai đúng, ai sai.

Nếu mình sai thì phải sửa sai và cho con thấy “bố đã biết mình sai và bố đang sửa lỗi” bằng chính hành động của mình. Dù đang ở độ tuổi nào các con cũng có nhận thức, cảm xúc, suy nghĩ riêng và biết nên làm thế nào cho đúng. Quan trọng là mình phải biết tìm ra con đường thống nhất với con trong cách giải quyết vấn đề và tôn trọng những gì mình đã đặt ra với con.

Trao 'quyen' cho con
Anh Tuấn và con trai Đỗ Thành Lực (10 tuổi)

Con trai: Nếu con có ý kiến khác, con sẽ nói chuyện với bố. Thường thì bố và con nói chuyện với nhau rất thoải mái. Con nghĩ, bố giống như một người bạn thân mà con có thể nói hết suy nghĩ của mình. Nhưng cũng có lúc, vừa nói ra suy nghĩ của mình là con thấy ngay bố không vui. Lúc đó con bắt đầu… sợ và sẽ không nói nữa.

Nhưng sau đó, nếu vẫn thấy suy nghĩ của mình là đúng, con vẫn sẽ nghĩ theo cách của con. Ở nhà, ngoài việc học đàn piano thì con được quyền tự quyết định mọi việc. Được chọn bạn thân, chọn quần áo và kiểu tóc mình thích; nhưng con vẫn muốn bố chọn cho con vì con chưa biết chọn như thế nào là đẹp.

Nếu cả nhà cùng đi xem phim, bố thường là chọn phim, nhưng nếu anh em con không đồng ý, bố sẽ phải chọn lại cho đến khi cả nhà đồng ý. Điều con thích nhất là không bị bố ép trong việc học hành. Con được chọn môn học mình yêu thích. Con cũng không cần phải đạt được điểm thật cao. Bố nói, chỉ cần con thấy thoải mái, không lười học và đừng để bị dưới điểm trung bình là được. 

Thảo Vân
(thực hiên)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI