Chiều 7/4, Báo Phụ Nữ TPHCM cùng với sự chung sức của các Mạnh Thường Quân đã trao tặng gần 100 phần quà cho người bán vé số dạo tại một số quận huyện ở TPHCM. Mỗi phần quà gồm 500.000 đồng, 10kg gạo, một thùng mì, sữa, dầu ăn, nước mắm, nước tương, chao, đường, bột nêm, khẩu trang vải... đủ để một gia đình sống tạm ổn trong những ngày cách ly toàn xã hội. Những phần quà đã mang lại niềm vui cho rất nhiều cô bác, khi họ đang trong những ngày gieo neo nhất của cuộc mưu sinh.
Phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM trao quà cho một người bán vé số
Hơn 15g, chúng tôi đến một đại lý vé số ở quận 10. Nhiều người bán vé số đã đợi sẵn. Họ đeo khẩu trang, đứng cách nhau 2m theo quy định. Phía xa xa, một cụ già đang dùng dở bữa trưa. Hộp cơm ông vừa xin được từ một cơ sở từ thiện. Ông móm mém kể: “Giờ tui mới ăn… sáng nè! Là sáng giờ vẫn chưa ăn gì đó. Cả tuần qua không có thu nhập, tui toàn đi xin cơm từ thiện sống qua ngày”.
Thành phố nghĩa tình, trong quãng khốn khó chung do ảnh hưởng dịch bệnh, đã xuất hiện rất nhiều những bàn tay chìa ra giúp đỡ. Từng bữa cơm từ thiện, mấy hộp khẩu trang, rồi quà tặng liên tục được gửi đến cho người bị ảnh hưởng sinh kế. Mà sinh kế của họ, vốn chỉ là sự đắp đổi qua ngày. Ở TPHCM, gần 12.000 người bán vé số dạo được xem là đối tượng cần giúp đỡ trong lực lượng lao động phi chính thức, khi toàn bộ cuộc sống của họ - có khi, còn là cuộc sống của người thân nào đó nơi quê nhà vẫn chờ mong - luôn gắn với sự đắp đổi, tạm bợ trong từng ngày mưu sinh.
Vợ chồng chị Huỳnh Thị Lệ - anh Huỳnh Minh Thắng (tạm trú quận 6, TPHCM) từ nhiều năm trước, đã gửi hai đứa con 12 tuổi và 10 tuổi cho người thân ở Phú Yên nuôi dưỡng. Họ bán vé số đã gần mười năm. Phải rất chắt chiu, vợ chồng chị mới có thể gửi tiền về quê cho hai con ăn học; nuôi thêm hai đứa con “vỡ kế hoạch” đang sống cùng mình nữa là bốn. Cùng với hơn mười “đồng nghiệp”, gia đình chị Lệ sống chen chúc trong căn nhà nhỏ thuê với giá năm triệu đồng.
Trước tháng Ba, những người tứ xứ gặp nhau ấy lần lượt rời đi, chỉ còn gia đình chị là còn bị “kẹt lại”, “kẹt” luôn trong khoản năm triệu đồng tiền nhà của tháng Tư. Chị mượn tiền hàng xóm đóng cho chủ nhà. Giờ muốn chuyển đi cũng khó, đặc biệt là khi đất nước đang kêu gọi phải “ngồi im”. “Bây giờ mà đi tìm nhà khác cũng ngại” - chị Lệ nói.
Anh Thắng chen ngang: “Mấy ngày qua là những ngày “chết đứng”, không biết phải xoay xở thế nào, tìm việc cũng không ai nhận”. Anh chạy xuống dưới nhà, bê lên thùng gạo trống trơn. Nhận phần quà từ chúng tôi, đôi mắt anh sáng rỡ. Có thể không nhiều nhặn gì, nhưng sẽ giúp vợ chồng anh nương nhau đi qua nhiều ngày khó khăn sắp tới. Còn một triệu đồng, sáng mai đây, sẽ theo đường bưu điện gửi về cho hai đứa con anh ở quê nhà - hai tháng nay vẫn từng giờ mong ngóng.
Vợ chồng chị Lệ - anh Thắng hạnh phúc khi được Báo Phụ Nữ TPHCM tặng quà
Tối 6/4, chúng tôi gọi điện cho bà Ngô Thị Huệ để hẹn giờ trao quà; bà nhờ mang giúp đến Bệnh viện quận 8, nơi bà đang chữa bệnh dài ngày. Bà Huệ từng là nhân vật của chúng tôi (bài viết "Con 50 tuổi vẫn còn thơ", năm 2014 đăng trên Báo Phụ Nữ TPHCM).
Hơn 5 năm trôi qua, theo dõi cuộc sống của gia đình bà, thật buồn vì cũng nó không khá hơn ngày xưa; ngược lại, toàn nhiều biến cố. Năm ngoái, chồng bà Huệ qua đời sau một cơn bạo bệnh. “Nghèo đến nỗi không có tiền lo đám tang cho chồng” - bà Huệ vừa khóc vừa nhớ lại. Cái di nguyện “giá mà có thể chết được chôn” của chồng bà cũng trôi về cát bụi. Bà Huệ không có tiền để mua nổi một chiếc quan tài, huống hồ là một khoảnh đất làm mộ cho chồng. May sao, trong cảnh cùng cực đó, nhiều người tốt bụng đã dang tay giúp đỡ, để ông có một đám tang đủ làm dịu lòng người ở lại. Bà Huệ kể: “Cũng rực rỡ, tươm tất lắm, họ mua cho quan tài, rồi tiễn đưa ông ấy đến tận lò thiêu”.
Bà Huệ cùng với ba người con mù lâu nay vẫn mưu sinh bằng nghề bán vé số. Nhưng thời gian đã làm những biểu hiện tâm thần nơi các con ngày càng thêm rõ. Cái “giang sơn” nhỏ xíu của họ buộc phải làm vách ngăn chia đôi, để ngăn luôn những cuộc gấu ó của con bà trong vô thức.
Ngày 28/3, bà Huệ nhập viện trị sỏi mật. Trước đó, người mẹ nhiều đau khổ cũng đã vòng mấy lượt rảo quanh chợ Bình Điền, nhặt mớ rau quả mang về cho các con, để “đứa nào tỉnh thì nấu” - bà nói. Có người hàng xóm tốt bụng cho được 100.000 đồng, bà cũng đã kịp đong đầy thùng gạo. “Xong xuôi hết mới an tâm vào đây. Ai ngờ, được vài ngày thì nghe người ta nói ngưng phát hành vé số, tui muốn chới với!” - bà Huệ tâm sự. Cầm trên tay 500.000 đồng, bà bật cười thành tiếng: “Mấy nay bác sĩ bảo phải mổ, mà lương tui chưa chốt. Vì nghĩ, mổ phải tốn tiền dữ lắm. Có chừng này rồi, để hỏi bác sĩ xem còn bao nhiêu là đủ”…
Bà Huệ được nhận quà tại Bệnh viện quận 8
Đợt trao quà lần này của Báo Phụ Nữ TPHCM là sự nối tiếp chuỗi hoạt động của đợt trao quà trước đó. Ngay sau loạt bài COVID-19 và những khoảng trống vỉa hè mà Báo thực hiện; chúng tôi nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các nhà hảo tâm trên mọi miền đất nước. Ngày 26/3, Báo đã trao 100 phần quà trị giá 50 triệu đồng cùng khẩu trang, nước rửa tay đến các em nhỏ, người lao động có thu nhập thấp và người vô gia cư.
Báo xin gửi lời tri ân tấm lòng của các Mạnh Thường Quân, Quỹ từ thiện WEKAN, Công ty cổ phần Inn Saigon, Nhakinh JSC cùng rất nhiều bạn đọc giấu tên, mà họ, cũng đang trong nỗi khốn khó chung do ảnh hưởng dịch bệnh.
Ngoài bà Huệ, gần 100 người bán vé số còn lại nhận quà của đợt này, được chúng tôi chọn lựa trong số những gia đình, những cá nhân lao đao nhất khi tạm dừng cuộc mưu sinh. Mọi sự trợ giúp đều là hữu hạn. Gần 100 phần quà, không làm sao trao đủ niềm vui cho tất cả. Như chiều hôm qua, rất nhiều cô bác không nằm trong danh sách cũng có mặt tại các điểm nhận quà. Họ đến, nhìn chúng tôi từ khoảng cách 2m, sụt sùi: “Cô/chú bán vé số dạo cho đại lý A., B. đó. Báo có mang quà đến đó không? Khi nào thì Báo đến đó?”. Sau cùng, họ buồn bã ra về, mang theo nỗi lòng nặng trĩu của tất cả chúng tôi.