PNO - “Sinh con thuận tự nhiên” là trào lưu nguy hiểm, được các chuyên gia y tế ví như là đánh cược mạng sống của cả mẹ lẫn con. Sau một thời gian lắng xuống, trào lưu này đang rộ lại dưới những tên gọi như lotus birth, liên sinh, sinh sen…
Cách đây vài tháng, một phụ nữ ở huyện Thường Tín, TP Hà Nội đã mất con do làm theo trào lưu “sinh con thuận tự nhiên”. 7 ngày sau sinh, bé sơ sinh này được đưa vào Bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu trong tình trạng sốt, suy hô hấp, có biểu hiện nhiễm khuẩn. Bác sĩ Nguyễn Thúy Hằng - phụ trách Khoa Khám, Cấp cứu sơ sinh và Ngân hàng sữa mẹ của bệnh viện - cho hay, bé bị rối loạn điện giải, chỉ số natri trong máu cao (170 mmol/lít so với chỉ số tiêu chuẩn là 130 mmol/lít).
Trẻ sơ sinh được chăm sóc ở Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM). Nếu được sinh tại nhà và không có sự trợ giúp y tế, trẻ sơ sinh có thể bị ngạt, nhiễm trùng - Ảnh: Phạm An
Bị gặng hỏi nhiều lần, bà của bệnh nhi mới tiết lộ, bé được sinh tại nhà theo phương pháp thuận tự nhiên. Mẹ của bệnh nhi từng mang thai và sinh con ở bệnh viện nhưng trong lần mang thai thứ hai này, chị theo đuổi trào lưu sinh con lotus birth (sinh sen) đang được lan truyền trên mạng xã hội. Tới ngày sinh nở, chị tự sinh con tại nhà. Sau khi sinh, trẻ không được cắt dây rốn, người mẹ giữ nguyên cuống rốn và bánh nhau để vào trong chậu và phủ một lớp muối lên trên để ủ cho tới khi cuống rốn teo quắt lại và tự rụng đi. Sau khi cuống rốn rụng, bé bị các triệu chứng nguy hiểm nêu trên.
Bác sĩ Nguyễn Thúy Hằng cho biết, trẻ sốt do bị nhiễm trùng mà nguyên nhân là bánh nhau, cuống rốn bị bẩn. Việc ủ muối làm tăng áp lực thẩm thấu, hút nước khiến máu của bệnh nhi cô đặc dần, nồng độ muối trong máu tăng cao khiến não bị tổn thương, phù não. Vì vậy, khi nhập viện, trẻ bị những cơn co giật. Các bác sĩ đã tích cực cung cấp điện giải, truyền dịch nhưng bệnh nhi không thể đáp ứng. Bệnh nhi bị suy thận, không thể tiểu tiện nên các bác sĩ phải lọc máu. Do tổn thương não quá nặng, bệnh nhi đã tử vong. Theo bác sĩ Thúy Hằng, điều đáng lo ngại là trên mạng xã hội, đang có nhiều thai phụ theo đuổi trào lưu lotus birth.
Cách đây vài năm, một sản phụ 34 tuổi ở tỉnh Hưng Yên cũng chủ động sinh con tại nhà nhưng sau đó phải nhập viện cấp cứu do vỡ tử cung, mất máu nhiều. Các bác sĩ đã phẫu thuật cấp cứu, lấy ra gần 2 lít máu loãng và máu cục, đồng thời phải cắt tử cung để cứu sống sản phụ. May là trong vụ việc này, bé sơ sinh được cấp cứu kịp thời nên vẫn an toàn.
Giật mình với trào lưu “sinh sen”
Trong một cộng đồng thai sản trên mạng xã hội, nhiều bà mẹ khoe hình ảnh sinh con thuận tự nhiên, hay còn gọi là lotus birth, sinh sen, liên sinh... Theo các hình ảnh đăng tải, sau khi sinh, cuống rốn của trẻ không được cắt mà còn dính liền với nhau thai, được bỏ vào cái thau. Nếu không rải muối lên trên, toàn bộ bánh nhau vẫn còn màu đỏ như... tiết canh. Nhiều bà mẹ cắm thêm hoa, trang trí lên chậu để cho sinh động hơn mà không nghĩ tới khả năng nhau thai bị nhiễm khuẩn từ các tác động bên ngoài.
Theo các thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, nhờ phương pháp này, bé sơ sinh nhận được máu và tế bào gốc từ bánh nhau một cách đầy đủ nhất; tế bào gốc sẽ được dự trữ ở phổi và tủy sống của bé. Ngoài ra, sản phụ giảm được nguy cơ băng huyết do bánh nhau bong tự nhiên, không gây tổn thương tử cung. Liên sinh cũng giúp bé được mút vú mẹ sớm hơn, cơ thể mẹ sản sinh oxytocin sớm hơn và co tử cung tốt hơn. Bên cạnh đó, phương pháp này còn được cho là giảm nguy cơ nhiễm khuẩn cho em bé, mẹ và bé thoải mái sau cuộc chuyển dạ...
Một bà mẹ “sinh sen” chia sẻ trên trang cá nhân rằng, chị lựa chọn “sinh sen” do luôn xác định “bản năng của phụ nữ là sinh thường”. Trong quá trình mang bầu, chị chỉ đi khám thai 2 lần, không xét nghiệm, không bổ sung sắt, can xi... Một tài khoản khác kể, chị sinh con tại nhà, cắt dây rốn cho con chậm 24 giờ. Trong quá trình chuyển dạ, chồng chị trở thành hộ lý. Chị cho rằng, khi vào bệnh viện, các sản phụ bị khám trong thô bạo, bị kích sinh, rạch tầng sinh môn, điều này chỉ thuận lợi cho bác sĩ và y tá đỡ đẻ chứ không thuận lợi cho mẹ bầu. Với cách sinh con thuận tự nhiên, sản phụ được thoải mái chọn các tư thế để xoa dịu cơn đau; sau khi sinh, em bé được da kề da trong thời gian dài. Không ít bà mẹ theo đuổi trào lưu này còn chọn cách không chích ngừa vắc xin cho trẻ sau khi chào đời.
Hầu hết người lập hội, nhóm cổ xúy cho trào lưu “sinh sen” đều quảng cáo các khóa học về thai sản, dạy mẹ bầu vận động, hít thở khi chuyển dạ, xử lý bánh nhau sau sinh với học phí cả chục triệu đồng. Giảng viên của các khóa cũng kiêm luôn việc bán “thực phẩm sạch”, được quảng cáo là giúp thải độc trong quá trình mang thai.
Nguy hiểm cho cả mẹ và bé
Theo tìm hiểu của chúng tôi, “liên sinh” hay “sinh sen” không liên quan gì tới hoa sen mà xuất phát từ tên của bà Clair Lotus - người khởi xướng phương pháp này.
Hình ảnh sinh con “thuận tự nhiên” được quảng cáo trong các hội, nhóm trên mạng xã hội với tên gọi “sinh sen” - Ảnh chụp màn hình Facebook
Bác sĩ Nguyễn Thúy Hằng nhận định, đây là phương pháp ẩn chứa nhiều rủi ro, có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của cả bà mẹ và trẻ sơ sinh. Chẳng hạn, nếu bà mẹ có khung chậu hẹp, trẻ không ra được, nếu không có sự hỗ trợ của y, bác sĩ thì sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Hoặc nếu bị băng huyết sau sinh mà không được can thiệp y tế kịp thời thì sản phụ sẽ nguy hiểm tính mạng. Ngoài ra, còn nhiều nguy cơ khác như sản phụ bị thai to, đờ tử cung, nhiễm trùng, trẻ sơ sinh bị ngạt, bị nhiễm trùng từ bánh nhau và dây rốn...
Bà nói: “Có rất nhiều vấn đề thuận tự nhiên mà chúng ta nên áp dụng, như để trẻ được da kề da với mẹ sau sinh, cho con bú sữa mẹ. Nhưng tất cả việc sinh nở theo trào lưu được giới thiệu trên mạng xã hội không phải là sinh thuận tự nhiên mà là thiếu hiểu biết. Sự can thiệp, hỗ trợ của nhân viên y tế giúp mẹ và bé an toàn, bé mạnh khỏe trong tương lai, làm giảm tỉ lệ tử vong của sản phụ và trẻ sơ sinh. Đó là điều không thể phủ nhận”.
Bác sĩ nhi khoa Trương Hoàng Hưng (Mỹ) cho rằng, những “ưu điểm” của phương pháp “sinh sen” được truyền bá trên mạng xã hội là trò bịp bợm. Chẳng hạn, họ cho rằng cắt dây rốn gây sang chấn cho trẻ nhưng thực chất, dây rốn chỉ có mạch máu, không có dây thần kinh nên việc cắt không làm đau trẻ. Việc họ thần thánh hóa mối liên hệ giữa trẻ, cuống rốn và bánh nhau là sai lầm bởi dây rốn là để nuôi trẻ trong bụng mẹ, khi trẻ chui ra khỏi bụng mẹ thì dây rốn và bánh nhau đã làm xong nhiệm vụ. Sở dĩ dây rốn mất gần tuần lễ mới rụng vì phải trải qua quá trình tách rời của mô cuống rốn, giống như vết thương cần thời gian để lên da non.
Theo bác sĩ Trương Hoàng Hưng, liên sinh đồng nghĩa với việc kết nối trẻ sơ sinh với bánh nhau thai trong suốt 3-10 ngày. Sau 1 ngày, các mô của bánh nhau và cuống rốn thiếu máu nuôi và bắt đầu quá trình hoại tử, quá trình này tạo ra các chất chuyển hóa độc hại. Đặc biệt, vi trùng rất “thích” môi trường máu nên nguy cơ nhiễm trùng càng cao. Vì vậy, ông khuyên các bà mẹ tuyệt đối không áp dụng phương pháp sinh con chết người này.
Đôi lúc sự Dốt Nát của con người cũng làm cho động vật phải gánh tỵ! Đánh cược mạng sống của cả mẹ lẫn con vì một trào lưu nhảm nhí như vậy, thật chả có cái ngu nào bằng!